Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vừa chủ trì Hội thảo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia, diễn giả trong và ngoài nước tham dự.

Được tái lập ngày 1/1/1997 trên cơ sở tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước; kế thừa những chủ trương, chính sách của tỉnh Sông Bé, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để xây dựng Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp có xuất phát điểm thấp trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đến nay, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển tích cực. Công nghiệp phát triển đúng định hướng và tiếp tục là trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh với giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 24,6%/năm.

Đến cuối 2011, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 12 cụm công nghiệp. Toàn tỉnh thu hút hơn 53 nghìn doanh nghiệp trong nước với vốn đầu tư 515 nghìn tỷ đồng và hơn 4 nghìn doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư 37 tỷ USD, tăng gấp nhiều lần so với năm 1997.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 1997 - 2020 tăng bình quân 25,9%/năm. Tổng thu ngân sách tăng bình quân 26,1%/năm, riêng năm 2021 thu ngân sách đạt 61.200 tỷ đồng, tăng gấp 74 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người hiện đứng đầu cả nước; tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội thảo.

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho hay, quy hoạch của Bình Dương đã phát huy những bước tiến rõ nét trong quá trình phát triển của tỉnh.

Tuy nhiên trong giai đoạn mới, Bình Dương nhìn nhận rõ ngưỡng giới hạn để từ đó, Bình Dương tự phấn đấu, phá vỡ giới hạn, tìm kiếm một hệ sinh thái mới cho cộng đồng, cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

Ông Nhân cho biết, quy hoạch tích hợp được xem là trái tim của Luật Quy hoạch, nhưng quy hoạch tích hợp cũng mang đầy đủ tính chất phức tạp và vô cùng khó khăn.

Nếu hiểu tích hợp chỉ là cộng dồn các bản quy hoạch của các ngành, lĩnh vực, địa phương một cách riêng rẽ và cơ học (như Quy hoạch chung đô thị, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội…) thì sẽ không phản ánh hết ý nghĩa và vai trò của bản quy hoạch lần này.

Nói đến quy hoạch là phải gắn liền với không gian phát triển. Do đó, các định hướng chiến lược lớn trên tất cả các ngành, lĩnh vực cần phải được phân bổ lên không gian.

Chiến lược đó phải được cụ thể hóa bằng các dự án động lực mang tính chiến lược, được thúc đẩy và đảm bảo thực hiện bằng nguồn lực và các chính sách được dự trù, tính toán trước.

Đặc biệt, chiến lược này cũng phải được kiểm soát và hiệu chỉnh trong thực tiễn bằng các công cụ, phần mềm công nghệ có độ tin cậy cao. Từ đó, trở thành công cụ tháo gỡ các nút thắt hiện nay của tỉnh Bình Dương; đặc biệt là vượt thoát bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước.

Với quan điểm nhất quán đó, Hội thảo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 không chỉ giúp Bình Dương định hình những cái nhìn đầu tiên về quy hoạch tích hợp của tỉnh mà tạo cơ hội, tạo niềm tin, sự hưng phấn để cùng bắt tay xây dựng đô thị, vùng đổi mới sáng tạo ở Bình Dương. 

Lấy người dân làm trung tâm trong mọi chiến lược

Đánh giá về lợi thế của Bình Dương, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bình Dương nằm bên cạnh TP HCM và tận dụng được thế địa kinh tế bên cạnh siêu đô thị này. Tuy nhiên, Bình Dương cũng đã tìm ra được đường đi riêng cho mình, đặc biệt, tỉnh đã lựa chọn sự phát triển kinh tế lấy tri thức, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với công nghệ, lấy tri thức làm trọng tâm. Bình Dương hiện nay đã làm được việc đó là tạo ra hoàn cảnh đô thị mới ở đây khá tốt đẹp và bền vững, tiện lợi cho cư dân.

Ông cho hay, đây là điều kiện đầu tiên làm cho người lao động muốn lập nghiệp ở Bình Dương bởi vì khi quyết định chọn ở đâu họ sẽ cân nhắc điều kiện ăn ở, điều kiện sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho rằng, quy hoạch tỉnh sau khi hoàn thành cần thực hiện được 3 nhiệm vụ: Định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn cho tỉnh thông qua cách tính toán khoa học từ sự khác biệt và cơ sở lý luận biện chứng. Từ chiến lược đó phải cụ thể bằng các dự án đầu tư liên ngành, đầu tư hạ tầng có tác động sâu rộng đến các mặt đời sống xã hội và được phân bổ trên không gian của tỉnh. Mục tiêu cốt lõi là đưa Bình Dương trở thành vùng đất có thu nhập cao bảo đảm hài hòa, bền vững, công bằng, văn minh với tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm trong mọi chiến lược.

Ông mong muốn, sau khi hoàn thành, bản đồ án quy hoạch tỉnh Bình Dương sẽ là một đồ án chuẩn, đúng nghĩa, với các nội dung tích hợp được lồng ghép và ràng buộc một cách khoa học; có cơ chế theo dõi, đánh giá đưa ra những khuyến nghị kịp thời để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo những quyết sách đúng đắn trong từng thời điểm quan trọng. Hướng tới xây dựng một Bình Dương phát triển hài hòa, nhân văn và bền vững; xây dựng một môi trường kinh doanh và đầu tư hiệu quả cùng một chính quyền địa phương năng động và kiến tạo. 

Thanh Hải