Dạy con về tiền bạc không chỉ giúp bé biết chi tiêu hợp lý, có trách nhiệm, mà
quan trọng nhất là để con hiểu được giá trị của việc lao động chăm chỉ như thế
nào. Những bài học đó giúp con có được sự chủ động về tài chính trong suốt cuộc
đời bé. Vì thế, mẹ nên từng bước một nói cho bé biết cách làm việc thế nào để
nhận được tiền, và chi tiêu nó một cách khôn khoan ra sao nhé!
Để bé làm việc
Thay vì “phát” cho con 1 khoản tiền mỗi tuần để tiêu vặt rồi lại phải hò hét bé
làm việc nhà. Sao mẹ không thử “thuê” con làm những việc đó để kiếm tiền nhỉ?
Hãy liệt kê một danh sách những công việc bé có thể làm được với mức “lương”
tương ứng, chẳng hạn: Quét nhà – 5 nghìn, rửa chén bát – 10 nghìn, đổ rác – 5
nghìn,… Tất nhiên, mẹ nên giải thích với bé về mức giá đó là phụ thuộc vào độ
phức tạp, khó khăn của công việc. Như thế, con sẽ hiểu rõ hơn về giá trị khoản
tiền mà bé kiếm được.
Mỗi tuần, mẹ cũng nên “kiểm kê” cùng con xem bé đã kiếm được bao nhiêu tiền. Sau
đó, cho con thấy số tiền đó đã là khoản tối đa mà bé có thể kiếm được chưa. Đặc
biệt, mẹ chỉ được “trả lương” khi con hoàn thành công việc thật tốt. Trong
trường hợp bé làm cẩu thả, mẹ có thế giữ tiền lại và cho con cơ hội để được sửa
sai, chứ nhất định không “châm chước”.
Giúp con cân bằng “sổ thu chi” của bé
Mẹ hãy in một cuốn sổ kiểu đơn giản gọi là “sổ theo dõi thu - chi” để bé có thể
điền các khoản đã kiếm được, các khoản đã tiêu mỗi tuần. Hãy nhắc nhở con ghi
lại tất cả các khoản “lặt vặt” đó mà không bỏ sót. Đến cuối tuần, 2 mẹ con sẽ
cùng nhau tổng kết lại, xem bé đã kiếm được bao nhiêu và tiêu bao nhiêu. Mục
tiêu của việc này là để bé biết cách chi tiêu cân bằng, hợp lý, thay vì tiêu quá
nhiều so với số tiền kiếm được, hoặc kiếm được nhiều tiền nhưng chẳng biết tiêu
cho việc gì. Như thế, con sẽ không nhận ra giá trị của việc lao đông chăm chỉ.
Thảo luận với con về mục đích chi tiêu
Mẹ nên thường xuyên trao đổi với con về việc bé muốn chi tiêu khoản tiền kiếm
được như thế nào. Để xem con đang tìm cách tiết kiệm để mua một món đồ có giá
trị, hay đơn giản là bé chỉ muốn dành tiền để mua kẹo, bim bim và các món đồ ăn
vặt mỗi ngày. Sau đó, mẹ có thể giúp con lập kế hoạch cho mục tiêu của mình,
hoặc gợi ý cho bé cách chi tiêu hợp lý hơn. Chẳng hạn, nếu con muốn mua một
chiếc xe đạp mới, hãy giúp bé tìm kiếm thông tin về giá cả và tính toán xem mỗi
tuần con cần tiết kiệm bao nhiêu để mua được. Hoặc gợi ý cho bé nên dùng tiền để
làm thêm những việc khác có ý nghĩa hơn, thay vì chỉ mua kẹo và bim bim vì ăn
nhiều những thứ đó sẽ không tốt cho sức khỏe.
Đừng quá lo lắng khi con làm sai
Mẹ đừng quá nặng nề chuyện con quyết định chi tiêu số tiền bé kiếm được như thế
nào. Nếu bé muốn tiêu tất cả số tiền kiếm được vào đầu tuần, mẹ hãy cứ cho phép
bé làm thế. Rồi đến cuối tuần, khi con thích thú một thứ gì đó và rất muốn mua,
nhưng lại chẳng còn đồng nào – đó là cơ hội để mẹ giảng giải về quyết định trước
đó của con. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không nên cho bé tiền nếu con xin thêm. Thay
vào đó, mẹ có thể đề nghị cho bé “vay” một khoản để thực hiện ý định của mình,
với điều kiện con sẽ phải hoàn trả nó vào tuần sau. Đây cũng là dịp con làm quen
với thẻ tín dụng và cho vay.
Nếu con làm tốt, hãy thưởng cho bé
Nếu trong nhiều tuần liên tiếp, bé đã lập được “kỉ lục” về số tiền kiếm được mà
chỉ chi tiêu rất ít để quyết tâm thực hiện mục đích lớn nào đó. Mẹ hãy hào phóng
thưởng cho con 1 số tiền mặt nhất định nhé. Đó là động lực rất lớn để con quyết
tâm thực hiện mục tiêu của mình. Hơn nữa, con cũng nhận thấy rõ sự cố gắng của
mình được “đền đáp” như thế nào. Trong trường hợp này, khen thưởng con là cách
tốt nhất để củng cố những việc làm tốt của bé.
Trẻ em nên được giảng giải và tiếp cận với tiền bạc từ sớm, để con biết cách làm
thế nào để kiếm tiền, cách quản lí thu nhập ra sao,… Như vậy, khi lớn lên bé sẽ
trở thành người có trách nhiệm, chủ động, biết tự lập và giúp đỡ người khác với
số tiền mình kiếm được.
Theo KP