- Cảnh thịt thú rừng treo lộ thiên trên lối vào chùa, chèo kéo du khách, đổi tiền lẻ, nhét tiền tay Phật…'biến mất' trong buổi kiểm tra của Hà Nội ngày 28/2.

Sáng 28/2, TP. Hà Nội tổ chức đội thanh tra liên ngành kiểm tra tình hình hoạt động tại Lễ hội chùa Hương, diễn ra từ mùng 6 tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Sau cuộc khảo sát một vài địa điểm như đền Trình, suối Yến, nhà ga cáp treo và chùa Thiên Trù, đoàn đã có cuộc họp nhanh với một số phóng viên đi cùng đoàn vào buổi sáng cùng ngày.

Thịt không treo cửa chùa, lấy gì mà ăn?

{keywords}
Kiểm tra nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm tại một hàng phở

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc sở y tế TP.Hà Nội và là thành viên trong đoàn, cho rằng vệ sinh môi trường của lễ hội năm nay đã tiến bộ rõ rệt. “Không còn thấy hiện tượng rác trên sông hay trong khu vực lễ hội. Các anh em ngành y tế trực 24/24. Lễ hội có 47 cửa hàng ăn uống, tất cả đều được tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm và thái độ phục vụ”.

Kiểm tra đột xuất một hàng phở trên lối vào chùa Thiên Trù, đại diện từ ngành y tế nói: “Họ chỉ sử dụng dấm hữu cơ, không có hàn the trong phở và bún, và chỉ có 1/5 cái bát được kiểm tra cho thấy có hai vết bẩn nên chỉ nhắc nhở nhân viên phục vụ”.

Vấn đề còn nhiều tranh cãi tại cuộc họp là chuyện các hàng quán treo thịt thú rừng lộ thiên ngay lối vào cửa chùa, gây ra hình ảnh phản cảm trong mắt du khách. Theo ông Hạnh: “trước kia người ta để thịt treo lộ ra bên ngoài. Từ năm ngoái đến nay, các cửa hàng đã có tủ trữ lạnh. Tất cả các tủ kính đều được dán mờ để tránh hình ảnh phản cảm. Qua kiểm tra, chúng tôi cũng xác định đây là những thú nuôi thương mại, không phải thú rừng tự nhiên”.

Chuyện báo chí phê cảnh phản cảm thịt treo nơi cửa chùa, theo ông Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiêm trưởng ban tổ chức lễ hội, cũng cần nói lại cho công bằng và khách quan. Nếu không có các hàng quán cung cấp lượng thịt như thế thì du khách lấy gì mà ăn. Ông dẫn chứng có ngày khách chỉ còn có đúng mì gói để ăn lúc về chiều.

Vừa hòm vừa khay, chùa đang “lạm thu”?

{keywords}

Rượu ngâm từ thú rừng bày bán trong một quán ăn trước cửa chùa Thiên Trù.

Theo quan sát của VietNamNet, dịch vụ đổi tiền lẻ kiếm lời không xuất hiện tại lễ hội chùa Hương vào sáng ngày 28/2. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, ban tổ chức đặt các bảng cấm đổi tiền lẻ khá lớn bên hông đền Trình và trước cửa chùa Thiên Trù. Nhưng có vẻ như nhiều khách đi lễ chùa vẫn có đủ tiền lẻ trong túi để bỏ vào hòm công đức hoặc đặt lên khay để sẵn trên ban thờ.

Trả lời câu hỏi của bà Bùi Thị Mai Phương, thanh tra viên của Bộ VHTTDL về việc đặt nhiều khay và hòm công đức trong khu vực lễ hội, ông Hậu giải thích: “Nếu quy định mỗi chùa không đặt quá 3 hòm công đức thì sẽ tạo ra chen lấn, làm khó cho chùa Hương, nên cho chùa một ngoại lệ”.

Dù hình ảnh khay tiền lẻ trên ban thờ được nhiều ý kiến cho là phản cảm, nhưng theo ông Hậu đó là truyền thống đẹp của người dân, nhất là những người nghèo. “Thực sự là người đi lễ chùa phân biệt giữa tiền công đức và tiền giọt dầu. Với tiền giọt dầu, họ quan niệm phải đặt lên ban thờ, buộc nhà chùa phải đặt khay, nếu không họ sẽ nhét tiền vào tay Phật”, ông nói.

Được biết, lượng du khách đến chùa Hương từ đầu năm Giáp ngọ đến nay đã đạt mức 72 vạn người. Đến cuối mùa hội, lượng khách dự kiến vào khoảng 1,5 triệu người, cao nhất trong các năm. Dù mùng 6 mới bắt đầu khai hội nhưng chỉ trong ngày mùng 2, ban tổ chức đã phải đảm bảo an toàn cho 2 vạn du khách đi lễ chùa. “Đảm bảo an ninh trật tự cho một lễ hội đông khách, dài ngày như chùa Hương là một công việc hết sức phức tạp, không thể đòi hỏi mọi thứ 100%”, ông Hậu nhận xét.

{keywords}

Biển cấm đổi tiền lẻ được đặt trong khu vực lễ hội.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hà Nội nói ông đánh giá cao nỗ lực của ban tổ chức. Nhưng cũng đề nghị việc bám sát kế hoạch đã được chỉ đạo, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh như nạn chặt chém, lái đò vòi thêm tiền, quảng cáo bằng loa đài, cần có hướng dẫn cho du khách đặt tiền giọt dầu vào hòm công đức…

Về truyền thông, ông Tiến cũng mong “báo chí chỉ phản ánh những hiện tượng là phổ biến và bản chất. Còn những hiện tượng cá biệt, đột xuất thì thông cảm, vì đây là điều không thể tránh khỏi đối với một lễ hội đông người và dài ngày như chùa Hương”.

Minh Chánh