Giám đốc Sở LĐTB và XH TP.HCM Trần Trung Dũng: "Không thể xem mại dâm là một nghề". Ảnh: Đinh Tuấn |
Một xã 80 khách sạn
Tiếp phục phiên chất vấn chiều 12/7, ĐB HĐND TPHCM xoáy Giám đốc Sở LĐTB và XH TP HCM Trần Trung Dũng.
Dù chính quyền thành phố nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp phòng chống tệ nạn mại dâm nhưng ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết mô tả đó chỉ là những giải pháp “bắt cóc bỏ dĩa”. Bà chỉ rõ những tuyến phố Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh… mại dâm trá hình rất công khai. Mại dâm nam cũng đang gia tăng khi xuất hiện những “đường dây” tổ chức mua bán.
Trưởng ban Pháp chế HĐND Phạm Văn Bá qua giám sát có những xã như Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có tới 80 khách sạn – mà ông tin đó là nơi “đẻ ra rất nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm”.
Các ĐB có chung chất vấn đề trách nhiệm thuộc về ai và những giải pháp giải quyết dứt điểm.
Giám đốc Sở LĐTB và XH Trần Trung Dũng thừa nhận mại dâm ở thành phố “ngày càng phức tạp”, “biến tướng trá hình tinh vi”, “phổ biến”, không chỉ mại dâm cao cấp mà còn ở dạng bình dân như các quán hớt tóc, mát xa, karaoke…
Ông cho rằng nguyên nhân do “luật bất cập”. Như mại dâm nam gia tăng nhưng chưa có văn bản hướng dẫn xử lý cụ thể, chỉ mới xử lý được chủ các cơ sở để xảy ra tệ nạn.
Ông kiên quyết khẳng định “không thể xem mại dâm là một nghề”.
“Tôi quan niệm mại dâm là bóc lột nhân phẩm phụ nữ và là sự bất bình đẳng giới rất là nghiêm trọng. Đây là xâm phạm thuần phong mỹ tục và toàn xã hội phải lên án, không thể xem mại dâm là một cái nghề như một vài cá nhân ở đâu đó đã phát biểu. Tôi không thừa nhận điều đó”, ông Dũng nói.
Về giải pháp, ông cho rằng, phải xử lý “vừa mềm dẻo vừa cứng rắn”.
“Nếu vì hoàn cảnh nào đó bị ép buộc sa vào tệ nạn, bên cạnh xử lý thì phải giúp đỡ người bán dâm hoàn lương. Với người có nghề nghiệp, vì ăn chơi đua đòi mà vi phạm thì xử phạt thông báo về cơ quan, đơn vị làm việc. Với người có danh hiệu bán dâm thì tước danh hiệu hoặc cấm hành nghề trong một thời gian để quản lý và giáo dục” – ông gợi ý.
Đối với các cơ sở kinh doanh nhạy cảm, Giám đốc Sở LĐTB và XH khẳng định, sẽ siết chặt cấp phép kinh doanh, tăng cường các đoàn kiểm tra để phát hiện sai phạm xử lý, kiên quyết xử nghiêm minh trước pháp luật.
Ông Dũng cũng cho biết, sẽ rà soát kiểm tra các điểm kinh doanh nhạy cảm trên các quận huyện, thành lập đội kiểm tra phòng chống tệ nạn mại dâm.
“Sở đã kiến nghị và đồng ý cho phép Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội thành phố được xử phạt chứ như hiện nay không có chức năng xử lý mà chỉ tiếp nhận gái bán dâm và chuyển về địa phương”, ông Dũng nói.
Gần 70 khu CN cùng thải ra sông
Chất vấn lãnh đạo chính quyền thành phố, ĐB Võ Văn Sen nêu thực trạng sông Đồng Nai - con sông ảnh hưởng đến 11 tỉnh thành phía Nam – đang ngày càng “xấu đi” vì ô nhiễm nước thải công nghiệp.
|
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân trả lời chất vấn. Ảnh: Đinh Tuấn. |
“Dòng sông và nước càng ngày càng tệ. Có lẽ do dòng thải chưa qua xử lý của các khu công nghiệp chảy vào. TP HCM phải làm gì hay chấp nhận đứng nhìn tình trạng ngày càng xấu đi của con sông này?” – ông Sen hỏi lãnh đạo thành phố.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân báo cáo, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là trong lưu vực sông Đồng Nai có gần 70 khu công nghiệp, thải nước thải ra con sông.
Ủy ban đã ngồi vào bàn và đưa ra giải pháp quản lý chặt việc cấp giấy phép đối với các dự án xung quanh lưu vực sông, nhất là những dự án gây ô nhiễm môi trường. Ông cho hay thành phố “nhất định không cấp phép nếu dự án gây ô nhiễm môi trường”.
Trên lưu vực sông Đồng Nai cũng có nhiều nhà máy thủy điện nên ông Lê Hoàng Quân cho biết, Ủy ban đang kiến nghị với Chính phủ xem xét phát triển nguồn thủy điện như thế nào cho hợp lý trên lưu vực sông Đồng Nai và không phá vỡ môi trường của cả khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để đạt được việc này, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đưa ra 5 giải pháp, trong đó tập trung vào thu nợ đọng, chống thất thu, cải cách hành chính trong ngành thuế, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp…
- Tá Lâm