Bước khởi đầu chương trình hỗ trợ người khiếm thị chuyển đổi số
Sự kiện công bố ra mắt trang web “biết nói” dành cho người khiếm thị tại các địa chỉ Ngườibạnsố.vn, Nguoibanso.vn vừa được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức ngày 25/6.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương trang web Ngườibạnsố.vn. |
Tại sự kiện, các bạn nhỏ đến từ trường THCS Nguyễn Đình Chiểu đã đại diện cho những người khiếm thị trực tiếp trải nghiệm các tính năng của “Người bạn số”. Theo chia sẻ của bạn Minh Hiền, trang web Ngườibạnsố.vn giúp em thuận tiện, dễ dàng hơn khi tìm kiếm sách nói và nghe nhạc, không phải thực hiện nhiều thao tác.
Trang web Ngườibạnsố.vn tập hợp các giải pháp CNTT, cung cấp thông tin, hướng dẫn người khiếm thị và người thân của họ về cách tiếp cận và sử dụng những ứng dụng phục vụ học tập, mạng xã hội, trợ lý ảo.
Trên trang web này, người khiếm thị cũng có thể nhập và tìm kiếm thông tin; thư viện sách nói. Ngoài ra, Ngườibạnsố.vn còn cung cấp những lưu ý với mọi người khi hỗ trợ người khiếm thị.
Ngườibạnsố.vn được thiết kế với giao diện thân thiện, áp dụng tiêu chuẩn web cho người khuyết tật (WCAG), tích hợp chuyển thể giọng nói tự động được cung cấp bởi sản phẩm “Make in Viet Nam” từ Công ty Vbee, giúp người khiếm thị có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng.
Giao diện chính của trang web Ngườibạnsố.vn |
Chia sẻ về lý do phát triển trang web “biết nói” dành cho người khiếm thị, đại diện nhóm phát triển cho hay, theo số liệu của Viện Mắt Trung ương năm 2020, trên thế giới có 314 triệu người khiếm thị và số người khiếm thị ở Việt Nam khoảng hơn 2 triệu. Thời gian qua, các thành tựu của khoa học công nghệ, Internet đã và đang giúp cuộc sống mọi người, nhất là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội trong đó có người khiếm thị, trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.
Công cuộc chuyển đổi số cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, đặc biệt là các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật… không chỉ mở ra không gian phát triển mới mà còn là chìa khóa để người khiếm thị mở ra cánh cửa thế giới, hòa chung nhịp phát triển của thời đại.
“Với mong muốn hỗ trợ người khiếm thị ứng dụng CNTT, Internet cải thiện cuộc sống, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đoàn Thanh niên VNNIC đã chủ trì phát triển website “biết nói” được chính thức ra mắt hôm nay tại các địa chỉ Ngườibạnsố.vn, Nguoibanso.vn”, đại diện nhóm phát triển cho biết.
Hướng tới phát triển hệ sinh thái số cho người khiếm thị
Xây dựng và cho ra mắt trang web Ngườibạnsố.vn là bước đầu tiên trong chương trình chuyển đổi số hướng tới việc xây dựng hệ sinh thái số dành cho người khiếm thị mà VNNIC đang xúc tiến triển khai. Website này sẽ là nơi để tổ chức thông tin, xây dựng hệ sinh thái số cho người khiếm thị.
Thời gian tới, VNNIC sẽ phối hợp với các trường, tổ chức, hội nhóm để lan tỏa website đến cộng đồng người khiếm thị. (Trong ảnh: Hai học sinh trường THCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ về trải nghiệm sử dụng website Ngườibạnsố.vn). |
Hệ sinh thái số cho người khiếm thị sẽ tiếp tục được phát triển dần trong thời gian tới, bao gồm những giải pháp, ứng dụng phục vụ cuộc sống, giao tiếp hàng ngày, học tập và làm việc là điều rất cần thiết và cần có sự chung tay của cộng đồng.
Cụ thể, theo kế hoạch, VNNIC sẽ phối hợp với các trường, tổ chức, hội nhóm để lan tỏa website đến cộng đồng người khiếm thị, trở thành “người bạn” đồng hành, trợ giúp trong cuộc sống hàng ngày, trong học tập và công việc.
Bên cạnh việc xây dựng, nâng cấp thông tin và các tài liệu hướng dẫn trên website, Trung tâm cũng sẽ mở rộng thư viện sách nói thông qua sự đồng hành của nhà xuất bản; đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng và phát triển các ứng dụng CNTT, xây dựng trợ lý ảo, điều khiển sử dụng ứng dụng. Các giải pháp lớn có thể kể đến như smart-home cho người khiếm thị, smart-buiding, smart transport, smart classroom…
Phó giám đốc VNNIC Trần Thị Thu Hiền cho biết: "Mục tiêu lớn nhất của dự án là hỗ trợ người khiếm thị ứng dụng CNTT, Internet giúp cho cuộc sống của họ thuận tiện hơn". |
Trao đổi tại sự kiện ra mắt website Ngườibạnsố.vn, bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Công đoàn, Phó giám đốc VNNIC khẳng định: Thiếu đôi mắt không thể cản trở những cống hiến của người khiếm thị cho cuộc đời. Mục tiêu lớn nhất của dự án là hỗ trợ người khiếm thị ứng dụng CNTT, Internet giúp cho cuộc sống của họ thuận tiện hơn; được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của xã hội và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
“Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, rất cần sự lan tỏa và sự tham gia phối hợp của cả xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ để cùng nhau tiếp tục sáng tạo, giải các bài toán lớn về công nghệ, đổi mới các ứng dụng, phần mềm phục vụ tốt hơn cho người khiếm thị; bài toán sử dụng AI để phát triển các nền tảng chuyển đổi số cho người khiếm thị… với mục tiêu chung vì cộng đồng người khiếm thị Việt Nam. Hoạt động cũng thể hiện tinh thần “Internet for all” - Internet sẽ đem lại những giá trị làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, bà Trần Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Vân Anh
Dán nhãn dữ liệu: Tạo việc làm mới cho người khiếm thị và góp sức đẩy lùi dịch Covid-19
Theo số liệu điều tra quốc gia về người khuyết tật của Tổng cục thống kê từ năm 2016 - 2017 và công bố tháng 1/2019, cả nước có 6,2 triệu người khuyết tật chiếm 7,06% dân số, trong đó có 1,03 triệu người khiếm thị.