Sở hữu 0,5% diện tích san hô trên toàn thế giới, tuy nhiên với tốc độ khai thác với thiếu kiểm soát như hiện nay các chuyên gia dự báo khoảng 20 năm nữa san hô có thể không còn trong vùng biển Việt Nam.


Mất san hô, biển Việt có nguy cơ thành “thủy mạc”


Các rạn san hô Việt Nam phân bố rộng khắp từ Bắc vào Nam trên diện tích khoảng 1.122km2, tập trung nhiều ở vùng biển Nha Trang, Trường Sa, Hoàng Sa với khoảng 400 loài trong tổng số 800 loài trên thế giới. Những rặng san hô bảo vệ tốt sẽ tạo ra môi trường sinh thái của hàng nghìn loài sinh vật đáy và cá, trong đó có cả những loài hải sản quý.

{keywords}

Rạn san hô ở vùng biển Việt Nam còn có giá trị quan trọng trong việc điều hòa môi trường biển, cung cấp dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa.

Đặc biệt, san hô còn là nguồn nguyên liệu quý được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực y học như chuyên khoa mắt, răng, hàm, mặt; tạo hình những hần khiếm khuyết cho người bệnh bị tổn thương về xương, y học cổ truyền…

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy hiện có đến 96% các rạn san hô trên khắp vùng biển cả nước đang hứng chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác của con người, trong đó gần 75% các rạn đứng trước nguy cơ có thể bị hủy diệt. Mỗi năm nước ta cũng mất khoảng 50 tấn san hô, chưa kể mất san hô đen ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Bình.

Tình trạng này được lý giải bởi sự khai thác đến “tận diệt” san hô vì nhiều mục đích kinh doanh. Thậm chí có những khi bức như Bà Rịa - Vũng Tàu, san hô không những bị khai thác trái phép mà còn bị khai thác bởi những phương tiện cơ giới như máy đào, máy múc, xe ôtô.

Nguy cơ đe dọa san hô cũng đã khiến nhiều chuyên gia lo lắng khoảng 20 năm nữa san hô có thể không còn trong vùng biển nước ta. Nếu hệ sinh thái này biến mất thì biển Việt Nam có nguy cơ thành “thủy mạc”, không còn tôm cá.

Chiến lược quốc gia bảo vệ tài nguyên san hô

Một số báo cáo đã xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ các rạn san hô bị đe dọa nhiều nhất cùng với Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia. Trước tình trạng này, một số địa phương đã triển khai các biển pháp để bảo vệ rạn san hô thuộc vùng biển địa phương.

Có thể kể đến như đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) đã thực hiện triển khai cảnh báo và áp dụng mức phạt nếu du khách hoặc công ty lữ hành có hành vi phá hoại khi tham gia các dịch vụ xem san hô, lặn biển ở đây.

Việc lội bộ xem san hô khi thuỷ triều xuống cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng giẫm đạp, làm hỏng san hô. Phía bộ đội biên phòng cũng sẽ có những biện pháp kiểm tra, xử lý riêng nếu có tình trạng này xảy ra.

Hay như xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn cũng đã triển khai Chiến dịch truyền thông “Bảo vệ rạn san hô và môi trường biển”.

Ngoài những hành động cụ thể của từng địa phương, khu vực, các chuyên gia bảo tồn sinh vật biển vẫn khuyến nghị sự cần thiết của một Chiến lược quốc gia Quy hoạch, bảo vệ và phát triển tài nguyên san hô biển bởi việc biến mất những rạn san hô không chỉ mất đi nguồn tài nguyên quý giá mà còn là tác nhân không nhỏ ảnh hưởng tình trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Từ đó, Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách và cơ sở pháp lý để quản lý, bảo vệ san hô, tăng cường xây dựng các khu bảo tồn san hô, bảo vệ nguồn gen san hô quý hiếm như san hô đen, san hô đỏ…

Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm soát việc khai thác thủy sản trái phép, neo đậu tàu thuyền làm hư hại san hô, tổ chức hoạt động tăng cường nhận thức của cộng đồng và khối doanh nghiệp trong thay đổi chiến lược khai thác để sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

B. An (tổng hợp)