Người dân phản ánh tới Bộ Công an, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau và hình thức rao bán công khai đa dạng. Những hành vi này đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

Trả lời về việc mua bán tiền giả và rao bán tiền giả trên mạng Internet sẽ bị xử lý như thế nào, quy định tại văn bản nào. Bộ Công an cho biết, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Năm 2018, lực lượng Công an đã khởi tố, điều tra 35 vụ với 51 bị can về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả.

{keywords}
Tiền giả được giao bán trên mạng xã hội Facebook. Ảnh minh họa

Pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả. Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm. Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:

1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

4. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thực tế hiện nay chỉ cần gõ cụm từ “Tiền giả” hoặc “Tien gia”, người dùng Facebook thấy xuất hiện danh sách một loạt tài khoản rao bán tiền giả.

Tự quảng cáo trên mạng xã hội, tài khoản có tên T.L.N.H rêu rao, có bán tiền giả đủ các loại mệnh giá, từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng: “Tiền được làm bằng chất liệu nhập từ Thái nên vày vò không nát, không mất màu, không mùi mực, ngâm nước cũng không phai, nhòe, giống tiền thật tới 90%”.

Qua khảo sát, tài khoản này hoạt động từ khoảng hơn 2 năm nay và đến nay vẫn cập nhật tin tứcliên quan đến việc mua bán tiền giả. Phạm vi mua bán được giới thiệu là trên toàn quốc. Dưới mỗi bài đăng, người bán này đều được rất nhiều người theo dõi, bình luận theo hướng ủng hộ.

Tương tự, nhiều tài khoản khác quảng cáo là “Đại lý tiền giả”, 1 đổi 10 cũng vẫn cập nhật thông tin. Một số khác lại lập nhóm kín để buôn bán tiền giả.

Đáng chú ý, mặc dù trong phần chính sách, Facebook nêu rõ bài viết không được quảng bá việc bán tiền thật, tiền ảo hoặc tiền giả, nhưng trên thực tế, việc chào mời vẫn diễn ra và tồn tại từ lâu.

Đầu năm 2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng nêu ra hàng loạt sai phạm của Facebook tại Việt Nam, trong đó có việc để người dùng buôn bán các mặt hàng cấm, như: tiền giả, pháo, vũ khí... Cơ quan này cũng yêu cầu Facebook phải xử lý triệt để tình trạng này, nhưng đến nay, những sai phạm này vẫn tiếp diễn.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm d, e Khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1--019), hành vi rao bán tiền giả trên mạng Internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

(Theo Viet Q)