- Sau bài viết “Sửng sốt vì giá điện tăng gấp đôi” đăng trên VietNamNet, hơn 200 độc giả khắp nơi trên cả nước bức xúc phản ánh tình trạng tương tự: hóa đơn tiền điện tháng 5 của gia đình họ cũng tăng đột biến, bất thường.
Thắc mắc tiền điện tháng này phải đóng gấp đôi tháng trước, độc giả Thanh Huyền ở chung cư An Sinh (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Nhà có 4 người, hai vợ chồng đi làm cả ngày, cháu nhỏ đi mẫu giáo, những tháng trước chỉ có mẹ tôi ở nhà, khi trả tiền điện chỉ khoảng 500.000 nghìn đồng. Thế nhưng, đến tháng 6, mẹ tôi đi nước ngoài cả tháng không ở nhà ngày nào vậy mà tiền điện tháng 6 lại lên đến 1.164.000 đồng. Tôi không thể hiểu nổi!”.
Tiền điện không chỉ tăng gấp đôi với những gia đình sử dụng điện bình thường, không dùng thêm bất cứ thiết bị điện nào, mà ngay cả những gia đình khẳng định thời gian sử dụng các thiết bị điện ít đi so với những tháng trước song tháng này, hóa đơn tiền điện vẫn nhảy múa chóng mặt.
Nhiều hộ dân hốt hoảng vì tiện điện tăng chóng mặt. |
Không chỉ xảy ra ở riêng Hà Nội, tình trạng hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng đột biến còn diễn ra ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. “Nhà tôi ở vùng quê, mỗi tháng tiền điện trong khoảng 250.000 đồng, quanh năm suốt thàng chỉ lên xuống 20.000 là cùng, nhưng tự nhiên tháng rồi lên tận 500.000 đồng. Ông bà tá hỏa nói là từ cha sanh mẹ đẻ tời giờ chưa bao giờ xài 500.000 đồng tiền điện. Nghe mà tôi cười không nổi”, độc giả Dân Quê phản ánh.
Không khác gì với các trường hợp trên, anh Phan Hoàng Long bức xúc: “Trường hợp gia đình tôi ở TP. Hà Tĩnh cũng giống như các bạn. Tôi rất bức xúc và đã đâm đơn kiện. Kết quả, có một lời xin lỗi qua thư và khấu trừ tiền điện ở tháng kế tiếp. Ngoài ra không có một cá nhân hay tập thể nào bị xử lý cả. Đây là cách làm việc của cơ quan Nhà nước sao? Thật ngậm ngùi và chua chát quá”.
Nhân viên ghi số điện cố tình đọc lệch?
Choáng vì tình trạng tiền điện bất ngờ tăng gấp đôi, phần lớn độc giả đều cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do phía điện lực.
Độc giả Toanvinhnguyen cho rằng: “Nhân viên ghi số điện cố tình đọc lệch, ví dụ tháng này dùng hết 300 số, thì chỉ cần đọc 200 số, 100 số còn lại sẽ bị cộng dồn vào tháng sau. Tất nhiên 100 số này sẽ chịu giá cao kinh khủng chứ không phải là giá thường. Đây là mánh của bên điện lực các bạn ạ”.
“80% các vấn đề này sẽ nằm ở bên ghi tiền điện. Ví dụ trung bình một tháng - mỗi nhà dùng 300 số điện, bên điện lực họ chỉ ghi có 250 thôi, như vậy 6 tháng sau, số điện phải nộp sẽ là: 300+50x6 = 600 số điện. Số điện tăng gấp đôi nhưng số tiền nộp sẽ tăng gấp 3 - và ăn chênh lệch ở khoản này! Số ít nhà thì bị ghi ngược lại. Tức là, tháng này đang dùng 300 số, đồng hồ điện đang báo ở 5.000 số chẳng hạn - họ ghi là 600 số điện. Nếu có thắc mắc, khi kiểm tra lại thì vẫn chỉ là 5.000 - chứ không phải là 5.300 số. Trong trường hợp này thì có thể kiện phía điện lực. Còn trường hợp đầu thì bó tay”, độc giả Tran Anh phân tích.
Do vậy, phần lớn độc giả đều yêu cầu ngành điện lực phải vào cuộc xem xét, kiểm tra lại tình trạng này để có câu trả lời thỏa đáng cho người dân.
Vì thế, “cần thay đổi ngay phương thức mua bán trong việc sử dụng điện vì nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của toàn xã hội. Trước mắt cần thanh tra ngay lập tức và thật khách quan việc tăng giá đột biến (phổ biến gấp 2 lần) trong tháng này để xác định nguyên nhân chính xác và giả quyết triệt để, thấu đáo vụ việc”, độc giả này viết.
Bảo Hân (tổng hợp)