- Trong tuần rét đậm, các cháu học sinh tiểu học Hà Nội lại phải đến trường trong rét mướt.  Đến trường đã lạnh, bố mẹ phải chở con về còn lạnh hơn. Nhà trường cho các cháu nghỉ vì lạnh dưới 10 độ, nhưng phụ huynh không biết gửi con đi đâu. Bốc hỏa lên đầu mà vẫn lạnh. Chẳng biết nên gọi là “được nghỉ” hay “phải nghỉ học” nữa đây?

Giá rét kéo dài đến bao giờ?
Cắn răng chịu rét tập làm "hot girl"
Chịu giá rét, teen run rẩy học cách... lãng mạn
Sắm ôtô đưa con đi học dịp giá rét
Thế nhưng, vẫn chưa cực bằng mấy cháu co ro cúm rúm đứng ở cổng trường như trẻ vô thừa nhận. Mà đúng là “vô thừa nhận” thật, vì bố mẹ vội đi làm, vừa trút con xuống là phóng đi luôn, không nhìn thông báo.

Cũng có trường tinh thần trách nhiệm cao, nên dù có vài cháu bố mẹ để thả  ở cổng trường cũng phải trông giữ và cơm nước qua trưa.

Chuyện đâu có mới mẻ.  Năm trước, cũng đã om lên việc nghỉ rét. Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép các phòng GD, các trường được quyền quyết định cho học sinh nghỉ nếu nhiệt độ dưới 10 độ C. Năm nay quy định cụ thể hơn là 10 độ C ấy của “ bản tin dự báo thời tiết, Đài PTTH Hà Nội, lúc 6h30 hàng ngày.”

Thông báo rõ ràng như thế, nhưng cũng có cái khó cho phụ huynh và nhà trường.

Đó là bản tin thường thông báo nhiệt độ dao động trong một khoảng nhất định, ví dụ như từ 8 – 13 độ C. Vậy, biết lấy nhiệt độ tối thiểu hay nhiệt độ tối đa?

Có người đưa ra sáng kiến, mỗi phụ huynh ra cửa hàng thiết bị dạy học mua một chiếc nhiệt kế, loại ngành GD cung cấp về các trường thời kỳ thay sách, treo ngoài cửa. Phụ huynh nhòm vào đó là có thể tự ra quyết định. Nhà trường cũng đặt một chiếc để kiểm tra. Thế là chung một hệ quy chiếu.

Loại nhiệt kế này trong kho thiết bị nhiều lắm, gỡ mạng nhện, lau sạch và bổ sung cho nó thêm một giá trị sử dụng.

Đoàn kiểm tra nếu thấy chắc khen hết lời.  Tưởng sáng kiến kinh nghiệm, nào ngờ một thầy dạy vật lý la hoảng, chết, chết, gay lắm, không làm vậy được, không làm vậy được!  
Cái nhiệt kế ấy chỉ là mô hình tượng trưng thôi, sao đi so với những tính toán khoa học của trung tâm dự báo thời tiết được?

Ở đó, họ còn phóng mắt ra khơi xa báo gió mùa biển động giúp ngư dân tránh bão. Trong khi đó cái nhiệt kế ở trường nhúng vào nước sôi mà kiên nhẫn lắm mới nhích lên được 80 độ kia kìa.
Tập thể dục ngay trong lớp học để tránh rét. Ảnh: Phạm Thinh. VTC

Chuyện tưởng nhỏ nhưng phức tạp ra trò! Hà Nội được sưởi ấm bằng tắc đường và động cơ xe nhả khói còn rét thế này, học sinh ở Ba Vì và mấy xã của tỉnh miền núi Hòa Bình mới thành công dân thủ đô chắc rét lắm?

Chẳng biết “dự báo thời tiết khu vực Hà Nội” đã cập nhật thông số khí tượng vùng này chưa?

Nếu cứ đưới 10 độ nghỉ học, chắc các em chơi luôn qua tết. Đỉnh Tản Viên Sơn hơn 1200 m đâu phải chuyện đùa!

Mỗi trường có đặc điểm riêng, một quy định cứng nhắc áp dụng cho tất cả là phi thực tế, thiếu khả thi và không tuân theo quy luật.  
Tại sao dưới 10 độ C thì cho nghỉ học mà không phải là 9 hay 11 độ C?

Nơi nào có đủ điều kiện như phòng học kín gió, đủ sáng, các cháu đến trường đủ ấm, không xa… thì dưới 10 độ C học có sao đâu?

Những lúc như thế này sao chẳng thấy nhà trường hỏi ý kiến phụ huynh?

Đã được đánh tiếng giao quyền chủ động thì trường nên bàn với tập thể phụ huynh.

Với bài toán có nhiều biến thì phải xem nó trong nhiều trường hợp, các thầy quá thạo.

Hàng trăm cái đầu dễ dàng tìm ra đáp số cho bài toán có nhiều tham số này.

Biết thế, nhưng nhiều trường ở ta được tiếng là chịu khó lắng nghe sự chỉ đạo và chỉ làm theo chỉ đạo.

Tuyệt đối hóa nó dẫn đến thụ động thì nguy. Phần tư thế kỷ trôi qua mà di chứng một thời làm theo mệnh lệnh, phân phối theo định xuất vẫn thấp thoáng đâu đây.
     
  • Ngô Thiệu Phong