- Sợ gia tài không có người thừa kế, sợ con cái khổ trăm bề khi thiếu anh, thiếu em, nhiều gia đình giàu có đang bằng mọi cách để có thêm đứa thứ 3, thứ 4 thậm chí phấn đấu đến con số 7.

TIN BÀI KHÁC:


Mặc váy bầu hết thời tuổi trẻ

Câu chuyện nhà nghèo lắm con đã không còn lạ ở nhiều vùng quê, nhưng nay quy luật ấy đang đổi chiều. Sinh nhiều con giờ là mốt của nhà giàu.

Chị Thanh Hương (32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết từ khi lấy chồng từ năm 23 tuổi đến nay, thời trang của chị chỉ có váy bầu… Mỗi lần sinh xong, háo hức giảm cân, lấy dáng, sắm sang quần áo để chuẩn bị đi làm… nhưng rồi lại phải cất hết vào tủ vì đứa trước chưa kịp lớn, đứa sau lại chuẩn bị tòi ra. Đến giờ chị đang mang bầu đứa thứ 4, nhưng chồng chị, anh Nguyên, vẫn chưa muốn dừng lại.


Nhiều gia đình kiên quyết sinh thêm con dù đã đủ nếp, đủ tẻ (Ảnh minh họa. Nguồn: dongnai.org)

“Anh bảo nhà người ta kinh tế khó khăn đã đành, nhà mình có công ty riêng, cuộc sống đề huề, khá giả có gì mà phải ngại. Đông con đã có giúp việc chăm, em đâu phải động chân động tay gì mà lo vướng víu. Con cái là của để dành, càng đông càng vui”. Nghe chồng nói vậy, chị Hương cũng thấy thuận tai, nên hai vợ chồng chị đang vạch ra kế hoạch 5 năm tới cố sinh thêm 1 đứa nữa dù nhà đã có đủ nếp, đủ tẻ.

Nhà anh Tiến Long (Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã có 2 cô công chúa xinh xắn. Chồng làm kiểm toán nhà nước, vợ làm giáo viên tiểu học, cuộc sống dư giả, hạnh phúc của gia đình anh là mơ ước của nhiều người. Nhưng anh bảo nhà mà không có con trai nối dõi thì chưa xong nhiệm vụ với tổ tiên vì anh là con trai độc nhất trong nhà. Do vậy anh bàn với vợ, bằng giá nào cũng phải sinh được quý tử, nếu không thì mất mặt với họ hàng lắm, có đi đâu cũng chẳng dám ngẩng cao đầu, mỗi khi về quê toàn phải ngồi mâm dưới, đi nhậu với bạn bè cũng bị chúng nó bêu riếu…

Anh Long thể hiện rõ quyết tâm “Có khai trừ, có phạt thì cũng chỉ phạt một vài năm, ai phạt cả đời, còn con mình là… con cả đời. Hy sinh đời bố để củng cố đời con cũng là việc nên làm”.

Nhiều nhà chưa có quý tử thì thèm khát, ao ước có người nối dõi, nhưng nhà anh Hưng (Đống Đa, Hà Nội) dù đã có 1 trai, 1 gái, thằng lớn năm nay chuẩn bị vào lớp 7 nhưng anh vẫn muốn có thêm con trai để… dự phòng. “Bây giờ tệ nạn đầy rẫy, tai nạn giao thông liên miên, có mỗi một thằng, lỡ có sao thì đất đai, công ty nhà tôi biết để lại cho ai. Mình cũng phải tính về lâu về dài. Có anh có em, khi có công có việc chúng nó cùng nhau gánh đỡ cũng hơn”, anh Hưng giải thích.

Thế mới biết thời buổi này, không chỉ có chủ các công ty tư nhân, công ty nước ngoài mới khao khát có nhiều con, mà đến chính những cán bộ nhà nước, giáo viên… cũng mong muốn có thêm con vì lo… không có người thừa kế.

Không đầu bù tóc rối nhưng cũng bải hoải tay chân

Vẫn biết những gia đình có điều kiện, nuôi con sẽ bớt vất vả hơn vì có giúp việc gánh vác. Tuy nhiên ai trong hoàn cảnh của chị Hương thì mới biết, chị chẳng sung sướng chút nào.

Chị kể, mỗi tối phải mất hàng tiếng đồng hồ mới cho lũ trẻ ăn xong bữa. Ông chồng thì cứ ăn xong là chui vào phòng làm việc, trước khi buông bát không quên ra chỉ thị cấm các con không được đứa nào làm phiền. Thế là một mình chị quay mòng mòng với lũ trẻ, dù nhà đã có tới 2 giúp việc, một lo cơm nước, một lo chăm bẵm trẻ con, nhưng chỉ có đứng chỉ đạo với phụ giúp chị cũng đã thấy mệt.


“Con nào cũng không quan trọng, quan trọng là cách nuôi dạy chúng thế nào” (Ảnh: Yeutretho)

Lấy chồng ngót nghét 10 năm, nhưng mỗi lần nghĩ lại cuộc sống của mình chị vẫn không khỏi tủi thân. “Bao năm nay tôi rất ít khi sánh bước cùng chồng đi tham dự tiệc tùng này nọ. Phần vì bận chăm con, phần vì thấy bản thân mình tiều tụy quá, sắc vóc nhão ra, cơ thể chảy sệ nên rất mất tự tin dù đã được chồng sắm sang cho bộ mỹ phẩm cả chục triệu đồng. Mỗi khi đi du lịch, trong khi người ta thảnh thơi dạo chơi tắm biển thì mình phải ở trên bờ ngó hết đứa này rồi lại trông đến đứa kia. Mệt lả người”.

Theo tâm lý của những nhà giàu, có thêm con thì cũng chỉ ảnh hưởng chút xíu đến túi tiền hoặc nếu định lên chức thì bị chậm hơn chút, còn ngoài ra không tác động gì nhiều đến cuộc sống chung của gia đình.

Trong khi đó với trường hợp cán bộ, đảng viên, giáo viên vi phạm luật dân số, biện pháp áp dụng mới chỉ là phạt cảnh cáo, tạm ngừng đừng lớp, khai trừ đảng hoặc kéo dài thời gian nâng lương. Theo nhận định của nhiều người, chế tài này quá nhẹ, nên nhiều gia đình sẵn sàng… chịu phạt để được sinh con thứ 3.

Tuy nhiên khi đứng trên góc độ sức khỏe, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc sinh nở nhiều lần sẽ khiến phụ nữ mau già và xuống sắc nhanh. Sau mỗi lần một đứa trẻ chào đời, cơ thể người mẹ sẽ “xuống cấp” nhanh chóng: rạn da, mỡ thừa nhiều hơn, cơ bụng lỏng lẻo, cơ quan sinh dục dễ viêm nhiễm hơn… Sinh nở càng nhiều lần, tử cung càng giãn mỏng và người mẹ càng gặp nhiều nguy cơ.

Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, càng nhiều con, cha mẹ càng có nguy cơ béo phì, mắc các bệnh tiểu đường và bệnh mạch vành.

Nắm rõ được những nguy cơ này, nên dù nhà chỉ có 2 cô con gái, nhưng chị Thu Phượng (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) vẫn kiên quyết sẽ không sinh thêm. Chị khẳng định: “Con nào cũng không quan trọng, cái quan trọng là cách mình nuôi dạy chúng thế nào”.

Minh Anh