Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã khiến con người nhìn nhận và xem xét về sự phát triển công nghệ trong tương lai, đặc biệt là ứng dụng robot vào trong cuộc sống hàng ngày nhằm hạn chế việc tiếp xúc giữa con người với nhau.

{keywords}
Một robot bốn bánh do LG sản xuất có thể di chuyển trên địa hình gồ ghề, phù hợp cho việc sử dụng trong cả môi trường trong nhà và ngoài trời.

Mặc dù công nghệ robot đã được nhiều quốc gia và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm ngay cả trước đại dịch xảy ra. Nhưng đại dịch kéo dài được xem như một “chất xúc tác mạnh” để đưa ứng dụng robot vào trong cuộc sống được nhanh hơn.

Trước đây, có khoảng hơn 50% các loại robot đã được sử dụng lĩnh vực sản xuất, nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, sự hiện diện của chúng đang tăng lên trong các lĩnh vực dịch vụ, chẳng hạn như với các công ty giao hàng, nhà hàng, khách sạn, ngân hàng và thậm chí còn đảm nhiệm thêm vai trò là tài xế hay nhân viên cứu hộ.

Ông Park Il-woo, Giám đốc Viện Phát triển công nghiệp Robot Hàn Quốc (KIRIA), cho biết: “Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp trong nước ngày càng phát triển nhiều loại robot dịch vụ để giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Họ đang tận dụng xu hướng không tiếp xúc và nâng cao chất lượng dịch vụ với nhiều robot hơn”.

Cho đến nay, ngành công nghiệp chế tạo robot ở Hàn Quốc có thể được chia thành hai lĩnh vực: công nghiệp và sử dụng dịch vụ, trong đó robot công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Các robot dịch vụ thực hiện các nhiệm vụ hữu ích giúp cho con người không chỉ trong môi trường công nghiệp mà còn giúp làm công việc gia đình, hướng dẫn khách hàng tại các cửa hàng, hỗ trợ khách hàng gửi tiền tại các ngân hàng và sắp xếp hàng hóa lên kệ. Bên cạnh đó, robot còn giúp các chuyên gia y tế trong quá trình phẫu thuật và tham gia vào quá trình chữa cháy.

Trong số các công ty đang cố gắng phát triển các hoạt động kinh doanh robot tại Hàn Quốc, Tập đoàn LG đang dẫn đầu và đã nhanh chóng giới thiệu một loạt các loại robot khác nhau. Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Tập đoàn LG vào năm 2018, Chủ tịch Koo Kwang-mo đã đặt lĩnh vực kinh doanh robot là một trong những dự án hái ra tiền của tập đoàn cùng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị điện tử ô tô.

Ngày 13/7 vừa qua, LG đã công bố một robot 4 bánh giao hàng mới có thể hoạt động cả trong nhà và ngoài trời.

Một quan chức của LG cho biết: “Robot mới sẽ mang lại một sự thay đổi lớn cho ngành hậu cần vì nhiều loại nhiệm vụ khác nhau trong việc vận chuyển hàng hóa sẽ được đơn giản hóa khi robot được thương mại hóa”.

Bên cạnh LG, Tập đoàn xây dựng Hanwha E&C của Hàn Quốc gần đây đã bắt tay với công ty điều hành ứng dụng giao đồ ăn Woowa Brothers để tạo ra các robot có thể xử lý việc giao hàng tại một khu chung cư mà tập đoàn này đã xây dựng ở Seoul.

{keywords}
Một robot, do Hanwha E&C chế tạo, giao thức ăn cho cư dân của chung cư Forena Apartments ở Seoul, ngày 12/7.

Trong khi đó, Tập đoàn Hyundai Motor cũng đã gây kinh ngạc cho ngành công nghiệp ô tô vào tháng 12 khi thông báo rằng Chủ tịch Chung Euisun sẽ mua lại cổ phần kiểm soát của công ty robot Boston Dynamics có trụ sở tại Mỹ với giá 880 triệu USD.

Tập đoàn ô tô Hyundai cho biết quyết định này được đưa ra nhằm tăng cường khả năng kinh doanh phương tiện di chuyển trong tương lai của họ vì công nghệ của công ty Mỹ sẽ được sử dụng để phát triển các tính năng lái xe tự lái và an toàn. Để đạt được những mục tiêu này, tập đoàn ô tô sẽ đầu tư 60,1 nghìn tỷ won vào năm 2025.

Đầu năm nay, Tập đoàn ô tô Hyundai đã giới thiệu một robot dịch vụ khách hàng, DAL-e, tại phòng trưng bày xe hơi của họ ở phía nam Seoul. Được trang bị các công nghệ mới nhất của tập đoàn, bao gồm AI, nhận dạng khuôn mặt và hệ thống giao tiếp tự động, robot đóng vai trò như một lễ tân hướng dẫn khách tham quan xung quanh phòng trưng bày.

{keywords}
Nhân viên Hyundai Motor tạo dáng với robot dịch vụ khách hàng DAL-e của hãng xe hơi tại một đại lý ở Seoul, ngày 25/1.

Tương tự, Công ty viễn thông lớn nhất của Hàn Quốc là KT Telecom cũng đã xác định robot sẽ là động lực tăng trưởng mới. Năm ngoái, KT Telecom đã đầu tư 50 tỷ won vào Hyundai Robotics, một bộ phận của Tập đoàn Công nghiệp nặng Hyundai có thị phần lớn nhất trên thị trường robot công nghiệp ở Hàn Quốc.

Sau khi đầu tư, KT Telecom đã ra mắt dịch vụ “Robot công nghiệp trong nhà máy thông minh 5G”, kết hợp mạng 5G, công nghệ điện toán đám mây và hệ thống tự động hóa nhà máy thông minh. Đối với robot dịch vụ cá nhân, KT cũng dự kiến sẽ tung ra robot “thú cưng”.

Lee Sang-ho, người đứng đầu bộ phận kinh doanh robot AI của KT Telecom cho biết, ngành công nghiệp robot đã phát triển như một công cụ hỗ trợ cho các công ty mở rộng hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn, xe cộ, màn hình và tàu. Trong lĩnh vực dịch vụ, robot đang giúp các công ty dễ dàng giao tiếp với khách hàng hơn. Trong sản xuất, robot sẽ ngày càng có khả năng xử lý các công việc nguy hiểm, bẩn thỉu.

Nói về tương lai của ngành công nghiệp chế tạo robot, ông Lee Sang-ho cho biết, ngành này sẽ phát triển thành một lĩnh vực hỗ trợ giúp các công ty nuôi dưỡng các lĩnh vực kinh doanh hàng đầu của họ.

Theo dữ liệu công bố vào tháng 3 của KIRIA, doanh thu từ ngành công nghiệp robot của Hàn Quốc đã lên tới 5.300 tỷ won (4,6 tỷ USD) vào năm 2019, trong đó, robot công nghiệp chiếm 52,5%, tiếp theo là các bộ phận và phần mềm robot chiếm 34,8%, robot dịch vụ cho thị trường doanh nghiệp với doanh nghiệp chiếm 6,4% và robot dịch vụ cá nhân chiếm 6,3%.

Trong khi đó, công ty phân tích thị trường toàn cầu Strategy Analytics dự báo giá trị của thị trường robot dịch vụ toàn cầu sẽ đạt 122 tỷ USD vào năm 2024, so với 31 tỷ USD vào năm 2019.

Phan Văn Hòa (theo Koreatimes)

Ấn Độ sử dụng robot trong cuộc chiến chống Covid-19

Ấn Độ sử dụng robot trong cuộc chiến chống Covid-19

Tại Ấn Độ, quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai thế giới, một số ít bệnh viện đã bắt đầu sử dụng robot để kết nối bệnh nhân với người thân của họ và hỗ trợ nhân viên y tế ở các tuyến đầu chống dịch.