Trong tương lai, Apple dự tính không còn khai thác khoáng sản để lấy nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất iPhone như trước. Thay vào đó, hãng sẽ lấy nguyên liệu được tài chế từ những chiếc iPhone cũ. Để thực hiện mục tiêu đó, hãng dùng tới một loại robot có nhiệm vụ tháo rời các linh kiện trên các máy iPhone hỏng mang tên Liam. Liam có thể tháo rồi phân loại từng loại linh kiện khác nhau, giúp việc tái chế linh kiện trở nên dễ dàng. Vậy cụ thể nó hoạt động như thế nào? "Táo khuyết" mới đây đã tiết lộ cho chúng ta những thông tin rất thú vị về chú người máy phá hủy iPhone rất độc đáo này.

Video giới thiệu:

Theo đó, Liam trên thực tế là một bộ gồm 29 robot khác nhau được tổ chức theo hàng băng chuyền với 21 trạm (điểm). Cứ mỗi 11 giây, một chiếc iPhone có thể bị phá hủy ra thành 8 mảnh khác nhau. Apple tính toán rằng, mỗi Liam có thể tháo rời 1,2 triệu chiếc iPhone 6 mỗi năm, và hiện hãng đang có 2 hệ thống được đưa vào vận hành - một ở California (Mỹ) và một ở Hà Lan.

Ở cuối quá trình tách lấy linh kiện, Liam sẽ cho ra những chiếc hộp với mỗi hộp chứa một loại linh kiện duy nhất - như hộp đựng ốc, hay đựng pin - như chúng ta có thể thấy ở ảnh dưới.

Apple cũng tiết lộ cách họ đã thiết kế Liam như thế nào. Liam tách linh kiện từ các máy iPhone bị hỏng, tuy nhiên, thách thức mà Apple phải đối mặt ở đây là không phải iPhone nào cũng hỏng theo cách giống nhau. Vậy hãng đã giải quyết khó khăn này như thế nào.

Trên thực tế, hãng đã sử dụng 2 loại tiến trình khác nhau cho việc tháo linh kiện. Loại thứ nhất là công cụ có tên EOAT (end-of-arm-tooling) - dạng thiết bị trên cánh tay máy - bao gồm mũi khoan, ống hút hay dùng đầu mỏ cố định tương tác với chiếc iPhone lúc này cũng đã được cố định vị trí. Loại thứ 2 là một robot trực tiếp xử lý chiếc iPhone để tương tác với các công cụ hoạt động ngoài trong khi thực hiện các chuyển động phối hợp phức tạp. EOAT trên cánh tay robot và các dụng cụ gắn ngoài đều được phát triển riêng cho Liam, cũng như trong hệ thống băng chuyền làm nhiệm vụ chuyển iPhone từ điểm này sang điểm khác.

Việc tháo gỡ một số thành phần của iPhone sẽ khó khăn hơn so với bộ phận khác, ví dụ như pin. Do lo sợ pin bị nổ, Apple đặt iPhone vào một hộp bằng thép có tên "sandbox" trong quá trình pin được tháo ra. Sau đó, hãng sẽ làm nóng pin để làm lỏng phần keo được dùng để cố định pin vào máy, rồi dùng ống hút lấy pin ra. Pin sau đó cần được làm mát trở lại trước khi được lấy ra khỏi hộp kim loại.

Nếu pin vẫn còn quá nóng, Apple sẽ đổ cát vào hộp cho đến khi pin mát mới lấy ra.

Hãng mô tả quá trình này như ảnh dưới.

Lý do Apple đầu tư vào Liam là bởi hãng sẽ dễ dàng tái chế các vật liệu một khi các thành phần của iPhone được tách riêng và phân loại. Hãng công bố một mục tiêu táo bạo rằng sẽ sản xuất toàn bộ iPhone mới bằng các nguyên liệu tái chế này mà không cần đến nguyên liệu thô mới. Tuy nhiên, đến khi nào mục tiêu này có thể thực hiện thành công thì vẫn đang là một câu hỏi chưa có giải đáp.

Dù vẫn đang chỉ là một dự án nghiên cứu và phát triển (R&D), Liam là một bước quan trọng trong hành trình hướng tới việc thiết lập một chuỗi cung ứng khép kín cho Apple" - "Táo khuyết" công bố. Bên cạnh đó, những công nghệ như Liam cũng là dấu hiệu cho thấy, iPhone trong tương lai sẽ được sản xuất một cách tự động hóa nhiều hơn. Bởi về cơ bản, nếu như Liam có thể tự động tách các linh kiện của iPhone ra, thì cũng sẽ có các công cụ tương tự được dùng để lắp ráp linh kiện lại với nhau.