- Phản hồi lại bài viết của bạn Quỳnh Lam sau khi nam sinh Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) quyên sinh, độc giả Nguyễn Tiến hoàn toàn không đồng tình với quan điểm dùng đòn roi để dạy trẻ. Xã hội đang thay đổi rất nhanh, có nhiều thứ không thể rập khuôn theo kinh nghiệm.

Dùng đòn roi liệu có còn hợp lý?

Theo độc giả Nguyễn Tiến, "Ngày xưa đi học, từ sâu trong tiềm thức của mỗi chúng ta mặc nhiên công nhận giá trị, và tính hợp lý của những hình phạt nơi thầy cô giáo", nhưng các em nhỏ "nghi ngờ tính đúng đắn của những ngọn roi, liệu dùng nó có còn hiệu quả hay không?"

Thân gửi bạn Hoàng Ngọc Quỳnh Lam,

Sau khi đọc bài viết "Gửi nam sinh Ngô Quyền và các trò định chết", tôi hoàn hoàn không đồng ý với quan điểm của bạn. Hơn thế, tôi nhận định đây là một hướng tư duy rất sai lầm, có ảnh hưởng không tốt tới việc giáo dục thế hệ trẻ.

Trước khi phân tích vấn đề chính, tôi muốn nói rõ vài điều. Tôi hoàn toàn khâm phục và cảm thấy rất ấn tượng trước suy nghĩ và cách hành động của bạn trong quá khứ, đó thực sự là một tuổi thơ đáng tự hào. Thứ tôi muốn bàn đến chỉ là cách chúng ta nhìn nhận về phương pháp giáo dục trẻ trong điều kiện hiện tại.

Vượt cám dỗ còn khổ hơn chăn trâu

Bạn đã đồng ý với thầy M, ít nhất là về mặt phương pháp. Và để bảo vệ quan điểm đó, bạn cho mọi người thấy một phép so sánh với dẫn chứng là chính cuộc đời bạn.

Nhưng cách lý giải của bạn chính xác là một phép ngụy biện, và cách so sánh rất khập khiễng. Mỗi người trong chúng ta chắc chắn hơn một lần được nghe từ các bậc tiền bối một câu "các con bây giờ sướng". Cha nói câu này với tôi, tôi tin rằng cha mình cũng từng được nghe từ ông nội, và con tôi cũng sẽ được nghe từ tôi.

Bạn nên nhớ, đây chỉ là một phép ngụy biện, một cách so sách của kẻ bề trên. Nó không có tính khoa học và cũng không có tính công bằng.

Tôi đã từng hỏi lại các bậc cha chú xem vì sao họ lại kết luận rằng, thế hệ chúng tôi sướng hơn thế hệ đi trước. Phải chăng là thế hệ chúng tôi tới trường bằng xe đạp còn trước đó cha chú chỉ đi bộ nên họ nghĩ chúng tôi sung sướng hơn họ. Xin thưa với bạn, vấn đề không nằm ở mối quan hệ giữa chiếc xe đạp và đôi dép cao su.

40 năm trước, học sinh chỉ phải chiến đấu với con trâu cái cày, và sau đó 20 năm không còn trâu cũng chẳng còn cày nhưng chúng tôi phải chiến đấu với hàng quán, với trò chơi điện tử. Theo bạn cuộc chiến nào vất vả hơn?


40 năm trước, cha tôi và những người bạn của ông đều đến trường trên những đôi dép cao su, đều lao động vất vả hàng ngày, thậm chí là ăn đói mặc rét, nhưng họ đều giống nhau. Vất vả như nhau, đói rét như nhau, không có sự lạc lõng. Đến giờ nhìn lại họ có thể thấy ngày đó vất vả, nhưng ngay lúc đó, họ có thấy vất vả không.

Còn chúng tôi, 20 năm trước, những chiếc xe đạp đã chẳng giống nhau. Bạn xe Trung Quốc, bạn đi xe Nhật, có bạn còn được đưa đón bằng xe máy, và vẫn có bạn hàng ngày đi bộ đên trường, đó mới là nỗi khổ.

40 năm trước, học sinh chỉ phải chiến đấu với con trâu cái cày, và sau đó 20 năm không còn trâu cũng chẳng còn cày nhưng chúng tôi phải chiến đấu với hàng quán, với trò chơi điện tử. Theo bạn, cuộc chiến nào vất vả hơn?

Tất nhiên, sẽ có những người coi đó là rèn luyện bản lĩnh. Nhưng cái tôi muốn nói là dù có vượt qua hay không thì càng ngày, thế hệ trẻ càng phải gồng mình nhiều hơn để chống lại những cám dỗ. Nó thực sự vất vả hơn việc chăn trâu nhiều lắm.

Tôi vẫn sẽ nói câu "các con bây giờ sướng" cho con tôi nghe. Nhưng tôi biết rằng, đó chỉ là một cách ngụy biện. Và tôi sẽ chỉ dùng nó khi còn phù hợp.

  Học sinh bây giờ thì khác, các em được biết rất nhiều thông tin từ tốt đến xấu thông qua các kênh khác nhau.  Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi đòn roi đã trở thành giá trị lỗi thời

Về cách giáo dục trẻ bằng hình phạt mà một bộ phận nhà giáo vẫn đang áp dụng thì tôi có mấy ý kiến như sau.

Xã hội đang thay đổi rất nhanh, có nhiều thứ chúng ta không thể rập khuôn theo kinh nghiệm.

Tôi cho rằng, tuyệt đại bộ phận các thầy cô giáo đang hàng ngày dùng tâm huyết của mình vun đắp cho tương lai các em. Nhưng có lẽ đám trẻ thay đổi nhanh quá, nên trong cuộc đua này các thầy cô có vẻ đang đuối sức. Cá nhân tôi không dám nói về tính đúng sai trong phương pháp dùng hình phạt. Nhưng với phương pháp này, tôi xin có vài lời khuyến cáo.

Hình phạt chỉ có tác dụng khi người ta tôn trọng giá trị của nó. Khi các em nghi ngờ tính đúng đắn của những ngọn roi, liêu dùng nó có còn hiệu quả hay không? Theo quan điểm của của tôi nó là phản khoa học, là lợi bất cập hại.

Trước hết, trẻ em bây giờ khác xa chúng ta ngày xưa. Ngày xưa đi học, từ sâu trong tiềm thức của mỗi chúng ta mặc nhiên công nhận giá trị, và tính hợp lý của những hình phạt nơi thầy cô giáo. Chúng ta coi đó là công bằng, sai phải bị phạt, và roi vọt là hình phạt hợp lý.

Một phần là do trong quá khứ, chúng ta được thu nhận rất ít thông tin từ xã hội.

Nhưng trẻ em bây giờ thì khác, các em được biết rất nhiều thông tin từ tốt đến xấu thông qua các kênh khác nhau.

Một em bé cỡ 10 tuổi là đã biết được rằng, trên đời có cái gì đó được gọi là quyền trẻ em. Có khi các em không biết cụ thể quyền trẻ em là gì, nhưng cũng lờ mờ đoán được rằng, không phải người lớn cứ muốn đánh thì đánh.

Thêm vào đó là những tiêu cực phát sinh do quá trình vật chất hóa đời sống xã hội như cách giáo dục cực đoan của một bộ phận phụ huynh.

Tất cả những điều đó dẫn đến một thực trạng là học sinh từ cấp trung học cơ sở trở lên không còn coi những hình phạt thô bạo là đặc quyền của người lớn.

Hình phạt chỉ có tác dụng khi người ta tôn trọng giá trị của nó. Khi các em nghi ngờ tính đúng đắn của những ngọn roi, liêu dùng nó thì có còn hiệu quả hay không? Theo quan điểm của của tôi nó là phản khoa học, lợi bất cập hại.

Lời kết, chúng ta dùng khái niệm đúng sai để giới hạn một hành đông. Trong việc giáo dục, trên cả vấn đề đúng sai là tính hợp lý của hành động. Cho dù chúng ta luôn làm đúng theo những chuẩn mực, nhưng thế hệ trẻ vẫn phát triển lệch lạc, thì chuẩn mực đó đáng quăng vào sọt rác. Quan trọng hơn việc phân tích đúng sai của một trường hợp, chúng ta cần hơn những câu trả lời cho câu hỏi: "Cần làm gì cho các em?".

  • Nguyễn Tiến