- Dưới ngọn đèn đường, chị Tươi cho con bú như thể đó là giây phút thiêng liêng nhất cuộc đời. Nhiều người khen chị khéo chăm con.

Rong ruổi kiếp nhặt rác nuôi con thơ

Nửa đêm, ngã năm Hàng Bông – Cửa Nam, các hàng quán chỉ còn những bộ bàn ghế nằm chỏng chơ, ngõ phố tối om. Vừa dựng được chiếc xe cào cào cũ  vào vườn hoa, chị Tươi vội vã cho con bú, vừa ngấu nghiến ăn hộp xôi nhận được từ nhóm từ thiện khi tối.

Chị Tươi hiện đang lang thang, nhặt rác. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chị không mang theo đứa con hai tuổi rưỡi trong một chiếc thùng xốp chằng sau xe đạp, rong ruổi khắp phố phường Hà Nội mưu sinh qua ngày.

Nhiều người dành cho chị những ánh nhìn không mấy thiện cảm, nhưng với chị, nhặt rác cũng là một nghề. Người đàn bà ngoài 30 gục mặt xuống, cố che đi những giọt nước mắt: “Ở đâu họ cũng đuổi, vì sợ mất mỹ quan thành phố. Hoàn cảnh phải ra đường, chứ đi đâu, về đâu bây giờ”.

Chị Tươi sinh năm 1981, quê ở chợ Chanh (Lý Nhân, Hà Nam). Năm 2007, sau khi dứt tình với người chồng trước (quê Bắc Ninh) – bố của bé Tạ Thị Uông Hiền, chị lên Hà Nội chấp nhận sống một cuộc đời phiêu dạt. “Hắn cờ bạc, rượu chè, chẳng quan tâm đến vợ con, nên em cũng chẳng níu giữ”. Thế rồi, duyên trời run rủi cho người đàn bà một con đi thêm bước nữa.

Ôm bé Tây Đen vào lòng, chị kể: “Em làm bạn với bố cháu cũng là dân nhặt rác. Em và hắn đến với nhau sau lần em cứu hắn khỏi một cơn bạo bệnh”. Thế nhưng, hạnh phúc đến nhanh và cũng vụt qua nhanh. Chị theo chồng về Nam Định ra mắt gia đình chồng trong niềm hạnh phúc của một nàng dâu tương lai. Nhưng mẹ chồng gạt phắt, không chấp nhận một “mụ gái nạ dòng”, laị “đầu đường xó chợ”.

Chị cay đắng quay về Hà Nội với đứa con đang mang trong bụng. Giọng chị đều đều: “Đến giờ con đã được 2 tuổi rưỡi thì bố cũng đã có voowj và một con trai”. Chị biết được điều này vì người nhà anh thường xuyên từ Nam Định lên thăm và nhiều lần đã đề nghị chị về chung sống. Nhưng chị kiên quyết nuôi con một mình, bất chấp phải lang thang khắp đường phố, vì “họ không thực lòng muốn vậy, chỉ vì em sinh ra con của hắn mà thôi”.

Phiêu dạt kiếm ăn khắp các nẻo phố, triền miên sống cảnh “màn trời chiếu đất”, tưởng như thời gian với chị Tươi là vô nghĩa, nhưng chị Tươi vẫn không quên thói quen ghi chép lại ngày làm việc và ngày về quê của mình. Cứ 3 tháng về thăm con 10 - 15 ngày. Mỗi ngày rong ruổi trên Hà Nội, chị đều để ra 50.000 – 100.000 đồng để tích cóp tiền gửi về nhà, đong gạo nấu cơm cho con.

Chị Tươi nói có tháng chăm chỉ làm lụng, chị cũng được 4 triệu gửi về quê để đong thóc đong gạo chăm con. Ông bà ngoại ở quê đã già yếu, lại đang nuôi đứa lớn, nên khó lại càng khó thêm”, chị Tươi xót lòng khi để đứa con gái đầu lòng (bé Tạ Thị Uông Hiền, 7 tuổi) ở nhà để ông bà ngoại chăm.

{keywords}
Đêm dần buông, bé Tây đen ngủ ngon trong vòng tay của mẹ. Nhớ lại ngày hai mẹ con cất bước lên Thủ đô, chị Tươi khóc: “Thú thật với các bác, ở quê không chồng mà chửa không ở được” (Nguồn: Facebook Anh Le)

Chú Hà (quê Hà Nam) - lái xe ôm ở ngã năm Cửa Nam người tự xưng là đồng hương của chị Tươi chia sẻ: "Cháu nghĩ sao mà chị ấy nuôi nổi đứa bé? Có khi "thu nhập" một ngày của chị ta còn ăn đứt thu nhập của chú, ngày chạy mấy cuốc xe đấy". Chú lý giải, cũng bởi chị này hiền lành, tử tế, không xin cái gì của ai bao giờ, những nhìn cảnh mẹ con chị “màn trời chiếu đất”, người ta thương. Tối nào chị ấy cũng được nhận một túi quà, bên trong là gì tôi không biết, khi thì đồng quà tấm bánh, khi hộp cơm. Người ta rút tiền cho chị vì lòng thương. Đứa bé lớn lên từ lòng thương của những người qua đường".

“Mất con, em biết sống sao?”

Dưới ngọn đèn đường, chị Tươi cho con bú như thể đó là giây phút thiêng liêng nhất cuộc đời. Nhiều người khen, chị chỉ nhặt rác mà khéo chăm con.

Ai hỏi, chị cũng đều hồ hởi chia sẻ bí quyết chăm con: “Hai tuổi rưỡi, cháu vẫn chỉ có sữa mẹ, chẳng chịu ăn bất cứ gì khác. Cháo dinh dưỡng ngon mấy cũng không ăn. 4 – 5 ngày không có sữa mẹ, cháu gầy rộc. Trời thương con, thương em, cho con em tốt sữa”. Chị Tươi tự hào vì Tây đen rong ruổi cùng mẹ, chạy tung tăng, chẳng ốm bao giờ.

{keywords}
Cứ khi con đói, chị Tươi đều cho con bú. Chẳng lời ru nào ngọt ngào bằng sữa mẹ, đứa trẻ lại ngủ ngon lành, mặc kệ những con muỗi vo ve bên chân, mặc kệ những hiểm nguy rình rập nơi phố phường. Vì “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, chị Tươi đã chọn cho con mình (Ảnh: Đỗ Dung)

Hai mẹ con chị Tươi gầy nhẳng, đen nhẻm lang thang khắp các con đường Hà Nội và hình ảnh chiếc thùng xốp ghi to và in đậm: “Có trẻ nhỏ. Hãy cẩn thận. Xin cảm ơn!” đã trở nên quen thuộc đối với người dân các khu phố. Chị lo Hà Nội, xe cộ nguy hiểm, nhiều thanh niên “đi láo”, dễ đâm vào con trẻ.

Người ở phố đều nói mẹ con chị Tươi “thoắt ẩn thoắt hiện” trên những con phố. Khi chị ở phố Lý Nam Đế, khi ở phố Lê Duẩn, Hàng Cót, bốt Hàng Đậu, đường Thanh Niên,… Chỉ khi nào sắp bước sang ngày mới, chị mới trở về “tổ ấm” nhỏ của mình nơi vườn hoa ở bốt Hàng Đậu.

“Em đâu có dám ở một chỗ bao giờ. Phải chuyển chỗ liên tục. Đêm em cũng đâu dám ngủ nhiều. Thỉnh thoảng phải thức giấc vì sợ người ta bế mất con đi”, chị Tươi tâm sự.

Giọng chị Tươi chợt đanh thép, cứng cỏi khi nhắc đến một thứ “kĩ năng sống” mà chị đã đúc kết được trong những năm tháng lang thang, rong ruổi, “màn trời chiếu đất”: “Đã ở ngoài đường là phải khôn khéo, hiền lành và mềm mỏng. Nếu không sẽ rất khó sống”.

Người phụ nữ bán bò bía trên đường Thanh Niên kể: “Mẹ đi nhặt rác mà nuôi con khéo lắm, đứa bé nhanh nhẹn, láu lỉnh và dễ thương vô cùng. Đứa trẻ đen nhẻm, ngồi trong chiếc thùng xốp đục hai lỗ chằng chịt dây dợ quấn trên chiếc xe cào cào cũ kĩ, thỉnh thoảng lại vịn vào thùng đứng dậy. Mẹ cứ dỗ mãi, đứa trẻ mới chịu ngồi xuống”.

Thấy đứa trẻ ngồi trong thùng xốp, nhiều người ác ý nói chị bắt cóc con nhà người khác rồi cho vào thùng xốp, rồi tha đứa trẻ đi lang thang cùng, lợi dụng lòng tốt của người qua đường để xin ăn qua ngày. Lại có người nói chị đầu óc không bình thường, bị kẻ xấu dụ dỗ rồi sinh ra đứa trẻ. Đứa bé gái hai tuổi rưỡi này, từ khi mới ra đời đã mang tiếng là đứa trẻ không cha.

“Thân gái dặm trường”, bản năng của một người mẹ khiến chị Tươi lường trước và sẵn sàng chiến đấu với những hiểm nguy có thể rình rập con, bảo vệ con đến tận cùng. Những ngày trời mưa tầm tã hay mùa đông giá rét, trong khi bao người chăn ấm đệm êm, chị Tươi một mình ôm con trong một cây ATM thu mình trên con đường Lý Thường Kiệt.

“Có những hôm ngủ thiếp đi trên đường Nguyễn Chí Thanh. Lúc đó là nửa đêm, có một người phụ nữ ăn mặc rất đẹp, dúi vào tay chị một cục tiền, chực bế đứa trẻ ra khỏi vòng tay mẹ. Rồi có một chị cho chị chai nước, chị Tươi soi kĩ thấy một lỗ xilanh, “biết có chuyện chẳng lành nên mình tránh đi cho con mà thôi”, chị Tươi kể.

Để bảo vệ con, nên chị chỉ chọn những đường chính làm nơi “náu mình”: “Cứ ở các trục đường chính và khu vực cửa ngõ, chỗ nào to nhất thì em nằm. Nơi đó em bị công an đuổi, nhưng lại là nơi an toàn nhất cho con. Các bác hình sự sẽ bảo vệ hai mẹ con em. Vì em được các bác chiếu cố để kiếm ăn và nuôi con trên vỉa hè này”.

Chị dự định tới khi bé Tây Đen lớn sẽ cho con về quê học hành, để kiếm một công việc ổn định. Chị hiểu: “Có trẻ con nhếch nhác, họ không có ưa”.

Ngày đầu tiên lên thủ đô, chị đã từng lau dọn nhà cửa cho một nhà chủ ở Tây Hồ, mức lương 40.000 đồng/ngày. Nhưng công việc chỉ kéo dài một ngày vì phải vừa làm vừa trông con: “Tây đen nghịch ngợm, chạy đi chạy lại, lỡ ngã, mất con em biết sống sao. Đã đương nghèo lại thêm nghèo thêm. Con là trên hết. Tất cả phải từ từ”.

Chị đã từng đi mò cua bắt ốc để thêm chút thu nhập: “Ốc ở trên Hồ Tây nhiều lắm, gạ những người bán gánh, ngày cũng được 10.000 – 15.000 đồng/kg. Những lúc như thế, chị Tươi khóa cổ tay con vào bờ rào để giữ an toàn cho con.

Với chị Tươi, hạnh phúc của một người mẹ là được chứng kiến con mình khỏe mạnh, lớn khôn. Chị nói: “Em được con lớn, đẹp mỹ miều, 7 tuổi mà như thiếu nữ, cao ráo, da trắng nõn nà. Còn con bé Tây đen (Tạ Thị Huyền), khôn lắm, thấy mấy ông bà Tây là bai bai xin tiền ngay. “Mà láu lắm, tiền xin được không đưa ngay cho mẹ mà len lén đút túi quần hay gấu áo. Chỉ chỉ vào túi quần, cháu nói: “Tiền này để cho chị đi học”.

Nói đoạn, chị rơm rớm nước mắt nhớ con. Có lần 4 tháng chị mới về quê, bà ngoại kể ở nhà con bé Hiền cứ bảo: “Mẹ với em Tây đen đi lâu thế này chắc lại bị bắt vào Đồng Dầu, bị công an lùa rồi”. Bà ngoại lại ôm cháu vào lòng, vỗ về: “Mẹ con còn phải đi kiếm cơm, kiếm gạo để về với bé Hiền đấy”. Nhớ tới cảnh hai chị em bé Tây đen quấn quýt bên nhau, gương mặt chị chợt rạng rỡ: “Hạnh phúc nhất là có hai đứa con này thôi”.

Khi những con đường Hà Nội chìm sâu vào giấc ngủ thì cũng là lúc chị Tươi chở đứa con của mình trở về “tổ ấm” nhỏ. Chẳng lời ru nào ngọt ngào bằng sữa mẹ, đứa trẻ lại ngủ ngon lành, mặc kệ những con muỗi vo ve bên chân, mặc kệ những hiểm nguy rình rập nơi đường phố. Vì “nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất”, chị Tươi đã chọn cho con mình.

Chị “mắc màn” cho con bằng một tấm bạt, chằng từ ghế đá công viên lên chiếc xe đạp cũ, nói là để tránh gió lạnh cho con. Người mẹ vẫn chong mắt thao thức canh giấc ngủ cho con, mặc kệ tiếng còi xe tải chở hàng gầm rú, thảng hoặc lại pha thêm tiếng còi rít liên hồi từ những chiếc xe cảnh sát lao nhanh trong đêm truy lùng tội phạm.

Chị đang nghĩ về tương lai – một tương lai hạnh phúc nơi mà mỗi tối trở về, hai đứa trẻ sẽ được quay quần bên mái ấm có đủ cha mẹ...

Đỗ Dung