Trước khi vào viện khoảng 5 tháng, anh C. cãi nhau với vợ. Sau mâu thuẫn, vợ đã bỏ về nhà ngoại và nộp đơn ly hôn. Trước hành động dứt khoát muốn chia tay của vợ, bệnh nhân rơi vào trạng thái buồn chán, không muốn nói chuyện, giao tiếp với ai.
Nam bệnh nhân cho biết, trong suốt thời gian này, bệnh nhân không thể tập trung làm việc, trong đầu chỉ lo nghĩ tới việc ly hôn. Đây cũng chính là lý do khiến nam bệnh nhân nhìn cuộc sống bi quan, ảm đạm, ngủ khó vào giấc.
Người nhà bệnh nhân cho biết, một đêm anh C. chỉ ngủ được 3-4 tiếng, ngủ không sâu giấc, ăn kém ngon miệng. Để giải tỏa những cảm xúc trên, anh đã pha cần sa với tinh dầu thuốc lá điện tử để hút cả đêm, rồi ngủ gục trên giường, bỏ cả làm việc. Mẹ bệnh nhân phát hiện đã bắt bỏ hút thuốc nhưng anh không nghe, gia đình phải đưa vào Viện Sức khỏe Tâm thần khám, điều trị.
Theo bác sỹ điều trị, nam bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa. Tiền sử bệnh nhân trước đây có dùng thuốc lá giấu bố mẹ khi đang học cấp III để giải tỏa áp lực học tập. Lên đại học, bệnh nhân đã tiếp cận được với thuốc lá điện tử.
Lúc đầu bệnh nhân chỉ dùng thử cho biết, tuy nhiên, sau hút cảm thấy thoải mái nên chuyển hẳn sang hút thường xuyên. Vào cuối năm đại học, bệnh nhân buồn chán chuyện tình cảm nên đã hút thuốc lá điện tử trộn cần sa.
Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm ở công ty tư nhân, công việc căng thẳng nhiều, để hoàn thành KPI, bệnh nhân hút thuốc lá điện tử có tinh dầu pha thêm cần sa 20-25 lần/ngày. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện những rối loạn tâm thần, mất ngủ, dễ cáu giận, đập phá đồ.
Bác sỹ cho biết, đây là lần nhập viện thứ 2 của anh N.V.C. Sau khi được dùng thuốc, can thiệp trị liệu tâm lý về tác hại của thuốc lá điện tử và cần sa, kết hợp tư vấn gia đình, chỉ qua 4 ngày điều trị, khí sắc bệnh nhân đã cải thiện, đỡ buồn chán, hợp tác điều trị, ăn ngủ tốt hơn.
BSCKII. Vũ Văn Hoài, Phòng Sử dụng chất và Y học Hành vi (Viện Sức khỏe tâm thần) cho hay, sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở người trẻ.
Lý do chính khiến người dùng sử dụng thuốc lá điện tử là tò mò, hương vị ngon hơn thuốc lá, ý định cai thuốc lá hoặc giảm hút thuốc lá…
“Việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây các hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tâm thần cho người sử dụng, có thể dẫn đến tử vong”, bác sỹ Hoài khuyến cáo.
Bác sỹ Hoài lưu ý thêm, trong thuốc lá điện tử có chứa nicotine dạng lỏng có nồng độ cao. Việc sử dụng nicotine nồng độ cao có liên quan đến ngộ độc đe dọa tính mạng và tử vong.
Sử dụng nicotine kéo dài và thường xuyên thường dẫn đến nghiện và có các triệu chứng cai sau khi sử dụng, bao gồm nhức đầu, trầm cảm, khó chịu, lo lắng, tăng cảm giác thèm ăn và suy giảm khả năng tập trung.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc lá điện tử rất dễ nghiện thêm các chất gây nghiện khác như cần sa. Hút tinh dầu cần sa bằng thuốc lá điện tử đã trở thành một trong những hình thức tiêu thụ cần sa phổ biến nhất trong giới trẻ. Việc sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine làm tăng khả năng sử dụng cần sa gấp 3,5 lần.
Đồng quan điểm, TS.BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang là xu hướng của giới trẻ hiện nay.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm thần và thể chất của người sử dụng, đặc biệt khi họ dùng kèm tinh dầu cần sa thì tác hại vô cùng nghiêm trọng...
Với những nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tâm thần của thuốc lá điện tử, các bác sỹ khuyến cáo, khi thấy người thân hoặc bản thân bị lệ thuộc vào thuốc lá điện tử dẫn đến ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, người nhà nên đưa người bệnh đến bệnh viện có đơn nguyên sức khỏe tâm thần để khám và tư vấn điều trị.
An Hà (tổng hợp)