Liên hoan có sự tham gia của 13 đội múa Rồng đến từ các quận, huyện gồm Ba Đình, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Trì, Đan Phượng và Thanh Oai.
13 đội múa Rồng đến từ các quận, huyện. |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền chia sẻ, theo truyền thuyết dân gian, Rồng là linh vật tượng trưng cho sự oai hùng, mạnh mẽ và linh thiêng. Quyết định dời đô từ vùng đất Hoa Lư về thành Đại La, vùng đất địa linh nhân kiệt, Kinh đô Đại Việt xưa, sau đổi tên gọi là thành Thăng Long tức “Rồng bay lên”, đã cho thấy tầm nhìn sáng suốt, niềm tin và hy vọng về một dân tộc phát triển hùng cường của vua Lý Công Uẩn.
Hình tượng Rồng thời Lý tượng trưng cho sự linh thiêng, oai hùng, khí thế mạnh mẽ vươn lên đã thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến - nơi tinh hoa dân tộc hội tụ, lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước, phát triển thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam.
13 đội múa Rồng đua tài quanh hồ Hoàn Kiếm |
Cũng theo Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, Liên hoan là dịp để các nghệ nhân, diễn viên các đội múa Rồng truyền thống đã qua tuyển chọn, đến từ các quận huyện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn.
Tại Liên hoan, mỗi đơn vị tham gia trình diễn một tiết mục, thời lượng từ 5 - 7 phút, trong đó có sử dụng một hoặc nhiều mô hình Rồng kết hợp múa Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng) trên nền nhạc, lời bình suốt quá trình biểu diễn để truyền tải chủ đề, thông điệp cụ thể.
Đặc biệt với quy định các tiết mục múa Rồng không hạn chế kỹ thuật biểu diễn, nhiều đội đã sử dụng các kỹ xảo phức tạp, hấp dẫn và điêu luyện như xếp hình, phun mưa, nhào lộn…
Bên cạnh đó, hình thức trang trí của các đội cũng đã tái hiện các sự kiện lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc. Sau màn biểu diễn, các đội múa Rồng đã diễu hành trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm chào mừng người dân và du khách.
Mỗi đơn vị tham gia trình diễn một tiết mục, thời lượng từ 5 - 7 phút. |
Căn cứ vào chất lượng các màn biểu diễn, BTC đã trao các Giải Xuất sắc, Giải A, Giải B và Giải C cho các chương trình đạt kết quả tốt trong Liên hoan và một số giải phụ cho đạo diễn tiết mục, thiết kế rồng đẹp, tinh xảo.
Một số hình ảnh tại Liên hoan nghệ thuật múa Rồng - Hà Nội 2020:
Tình Lê
Ảnh: Quang Vinh
Trưng bày hơn 100 tác phẩm thư pháp, thư hoạ tại Văn Miếu
Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, chiều 2/10, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai mạc Triển lãm và liên hoan thư pháp với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội”.