Thật vậy, suy xét một cách nghiêm túc thì màu sắc của những con khủng long trong phim chỉ là suy đoán và tưởng tượng. Vậy chúng ta có thể khôi phục một cách khoa học màu sắc của những con khủng long không?

Những con khủng long có màu gì? Đây chắc chắn là điều mà nhiều người muốn biết, nhưng thật không may, hóa thạch khủng long mà chúng ta tìm thấy đều chỉ là những bộ xương và không có màu sắc bên ngoài.

Để khôi phục màu sắc của khủng long, các nhà cổ sinh vật học đã phải đau đầu suy nghĩ và nghiên cứu trong nhiều thế hệ. Họ đã phải phân tích và nghiên cứu nhiều loài bò sát ngày nay có quan hệ gần với những con khủng long để tìm ra câu trả lời.

Từ những nghiên cứu đó đã đưa ra suy đoán rằng những con khủng long ăn cỏ lớn luôn có màu xám và xanh lá cây, trong khi những con khủng long ăn thịt lớn chủ yếu là có màu taupe - một màu nâu sẫm giữa nâu và xám.

Năm 1996, các nhà cổ sinh vật học đã nghiên cứu một hóa thạch khủng long từ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và phát hiện ra rằng loài khủng long này có lông vũ.

Hóa thạch của Chim rồng Trung Quốc

Ngày càng có nhiều khủng long lông dài được phát hiện và các nhà cổ sinh vật học bắt đầu chú ý và nghiên cứu tới màu sắc của chúng và đưa ra một suy đoán khác hoàn toàn với suy đoán trước đó, chúng có đa dạng màu sắc giống như loài chim ngày nay.

Không lâu sau đó, các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy chìa khóa để khôi phục màu sắc của khủng long, đó là melanosome.

Cách bố trí và sắp xếp các melanosome khác nhau sẽ tạo ra những màu sắc khác nhau.

Vậy melanosome là gì? Chúng là những tế bào sắc tố chuyên biệt, trong đó các melanin – sắc tố da - được tổng hợp và lưu trữ, di chuyển trong cơ thể, một hạt sắc tố trong melanocytes và melanocytes, sự phân phối của những tế bào này được sắp xếp để tạo thành màu sắc.

Melanosome có mặt khắp nơi trong các tế bào melanocytes của lông chim và động vật có vú ngày nay.

Vì màu sắc của lông chim được xác định bởi melanosome, nên màu sắc của các loài khủng long cũng phụ thuộc vào mật độ phân bố của melanosome.

Theo ý tưởng này, chúng ta chỉ cần tìm một hóa thạch lông khủng long được bảo quản tốt, sau đó nghiên cứu melanosome để khôi phục lại màu sắc ban đầu của khủng long.

Loài khủng long đầu tiên được phục hồi màu sắc là loài khủng long lông dài đầu tiên từ Trung Quốc, Chim rồng Trung Quốc - Sinosauropteryx.

Chim rồng Trung Quốc - bức ảnh màu đầu tiên về khủng long

Tên khoa học: Sinizardopteryx

Địa điểm khám phá: Liêu Ninh, Trung Quốc.

Niên đại sinh sống: Kỷ Phấn trắng sớm

Phân loại: Khủng long - Khủng long hông thằn lằn - Khủng long chân thú - Tiểu long

Thời gian phát hiện hóa thạch: Năm 1996

Lông vũ được tìm thấy trong hóa thạch chim Trung Quốc

Chim rồng Trung Quốc trên thực tế không phải là một loài chim, chúng là những con khủng long nhỏ. Hóa thạch của Chim rồng Trung Quốc được phát hiện vào năm 1996 và đây là loài khủng long lông dài đầu tiên được nhân loại tìm thấy.

Sẽ không quá lời khi nói rằng việc phát hiện ra Chim rồng Trung Quốc là một bước tiến đột phá làm thay đổi nhận thức của nhân loại về khủng long trước đây, thay vì lớp vẩy cứng như các loài bò sát ngày nay, khủng long nguyên thủy cũng có thể có lớp lông ở bên ngoài.

Chim rồng Trung Quốc là một con khủng long nhỏ với chiều dài cơ thể khoảng 1 m và trọng lượng cơ thể khoảng 3 kg. Các dấu lông trên hóa thạch cho thấy chim rồng Trung Quốc có lông tơ và lông mềm ở bên ngoài.

Đầu năm 2010, các nhà khoa học từ Trung Quốc, Vương quốc Anh và Ireland lần đầu tiên phát hiện ra melanosome trên hóa thạch lông vũ của loài Chim rồng Trung Quốc.

Sau khi so sánh với các melanosome trong lông chim hiện đại, các nhà cổ sinh vật học đã xác định rằng màu sắc của Chim rồng Trung Quốc là màu nâu hoặc nâu đỏ, trong khi đuôi có màu cam và trắng, giống như một con sóc ngày nay.

Là một con khủng long nhỏ chủ yếu di chuyển trên mặt đất, màu sắc cơ thể của chim rồng Trung Quốc giúp chúng ngụy trang, tránh những kẻ săn mồi to lớn và phục kích con mồi. Điều đó đã khiến cho Chim rồng Trung Quốc trở thành con khủng long có màu đầu tiên mà con người biết tới.

Hình ảnh phục dựng về loài Chim rồng Trung Quốc.

Chim rồng Trung Quốc có màu sắc rất giống với sóc đỏ Á-Âu ngày nay.

Cận điểu long - sở hữu chiếc mào màu nâu đỏ

Tên khoa học: Anchiornis

Địa điểm khám phá: Liêu Ninh, Trung Quốc.

Niên đại sinh sống: Hậu kỷ Jura

Phân loại: Khủng long - Khủng long hông thằn lằn - Khủng long chân thú - Avialae (nhóm khủng long biết bay) - Anchiornithidae

Thời gian phát hiện hóa thạch: Năm 2009

Mẫu vật hóa thạch của Cận điểu long.

Hoá thạch của loài này được phát hiện vào năm 2009. Nó có chiều dài cơ thể chỉ 34 cm và trọng lượng cơ thể khoảng 100 gram, kích thước tương đương với một con chim bồ câu hiện đại. Việc phát hiện được mẫu hóa thạch hoàn hảo này đã chứng minh rằng đây là một loài có lông vũ và sở hữu một chiếc mào nhỏ ở trên đầu.

Hình ảnh phục hồi từ mẫu hóa thạch.

Vào năm 2010, các nhà cổ sinh vật học ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đã phát hiện ra melanosome trong mẫu hóa thạch số BMNHC PH828. Sau khi so sánh với melanosome trong lông chim hiện đại, các nhà cổ sinh vật học đã chứng minh rằng lông mặt của chúng có màu đen.

Phần thân được bao quanh bởi lông màu nâu, mào trên đầu có màu nâu đỏ, lông cánh ở các chi trước và sau chủ yếu là màu đen và trắng, lông của chân sau có màu xám, lông ở lòng bàn chân và ngón chân có màu đen.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy giới tính và độ tuổi của chúng cũng sẽ sở hữu sự khác biệt nhất định về màu lông.

Cận điểu long là một loại khủng long sống trên cây. Màu sắc cơ thể của nó có thể pha trộn tốt hơn với nền rừng và chiếc mào có màu lông sáng có thể được sử dụng để tán tỉnh, thu hút nhau trong mùa giao phối.

Hình ảnh phục dựng lại màu lông của Cận điểu long.

Microraptor - màu đen huyền bí

Tên khoa học: Microraptor

Địa điểm khám phá: Liêu Ninh, Trung Quốc.

Niên đại sinh sống: Hậu kỷ Jura

Phân loại: Khủng long - Khủng long hông thằn lằn - Khủng long chân thú - Avialae (nhóm khủng long biết bay) - Khủng long chạy nhanh

Thời gian phát hiện hóa thạch: Năm 2000

Hóa thạch Microraptor được bảo tồn trong Bảo tàng Tự nhiên Bắc Kinh

Đây là một loài khủng long nhỏ với chiều dài cơ thể từ 0,45 đến 1 m và trọng lượng cơ thể khoảng 1 kg. Đặc biệt loài khủng long này sở hữu một cấu trúc cánh kì lạ khi cả chi trước và chi sai đều mọc lông vũ và có chức năng riêng biệt khi bay.

Năm 2012, các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tìm thấy melanosome trên một hóa thạch Microraptor được thu thập trong Bảo tàng Tự nhiên Bắc Kinh.

Sau khi phục hồi tương phản, Microraptor được nhận định là có màu đen bao phủ khắp cơ thể. Màu đen của Microraptor không phải là màu đen nói chung, bề mặt lông đen có màu cấu trúc ánh cầu vồng, tương tự như màu lông của loài quạ.

Microraptor có màu lông đen ánh cầu vồng tương tự như loài quạ.

Rồng miệng vẹt

Tên khoa học: Psittacosaurus

Địa điểm khám phá: Đông Á

Niên đại sinh sống: Hậu kỷ Jura

Phân loại: Khủng long - Bộ Khủng long hông chim - Giác long két

Thời gian phát hiện hóa thạch: Năm 1923

Hoá thạch của loài Rồng miệng vẹt

Đây là loài khủng long nhỏ, ăn cỏ được phân bố rộng rãi ở phía đông và đông bắc châu Á. Ngoài Trung Quốc, hóa thạch của loài này còn được tìm thấy ở Mông Cổ, Nga và những nơi khác ở Siberia.

Các loài rồng miệng vẹt khác nhau sẽ có kích thước cơ thể khác nhau tùy thuộc vào nơi chúng sinh sống. Rồng miệng vẹt Mông Cổ có kích thước lớn nhất, chúng có thể cao tới 2 m và nặng khoảng 20 kg.

Vào năm 2016, khi các nhà cổ sinh vật học người Anh nghiên cứu hóa thạch của loài này, họ nhận thấy rằng những mẫu hóa thạch ấy cũng có melanosome trong các mô mềm được bảo quản gần như hoàn hảo.

Sử dụng mô hình ba chiều, các nhà cổ sinh vật học tái tạo màu sắc của chúng và phát hiện ra rằng lưng của chúng có màu nâu sẫm, trong khi mặt lại có màu sẫm hơn, còn phần bụng lại sở hữu sắc tố dần dần sáng hơn.

Sự phân bố màu sắc của rồng miệng vẹt hơi giống với những con lừa hoang dã.

Theo GenK