Máu đã đổ xuống cho cánh sóng phủ ngoài biển khơi
Ông Hoàng Trí Công, Giám đốc Viettel Bình Thuận (Trước đây là Phó Giám đốc Kỹ thuật Viettel Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, trong thời gian làm việc ở Viettel cho đến nay thì những kỷ niệm triển khai sóng di động ra nhà giàn DK1 là những kỷ niệm mạnh mẽ nhất, ấn tượng nhất. Nhưng trong quãng đời trai trẻ được làm những việc khó, những việc nhiều ý nghĩa cho đất nước, cho người dân là những kỷ niệm không phai mờ.
Ông Hoàng Trí Công nhớ lại thời điểm năm 2008 khi Viettel bắt đầu triển khai phủ sóng di động cho nhà giàn DK1. Để triển khai được phủ sóng di động ở các nhà giàn Tập đoàn đã là việc với Quân chủng Hải Quân để thống nhất chủ trương, Viettel Bà Rịa Vũng Tàu làm việc với Hải quân Vùng 2 để triển khai thực hiện. Sau khi Tư lệnh Hải quân vùng 2 phê duyệt kế hoạch thì mới triển khai tập kết vật tư, thiết bị để đem ra lắp đặt ở nhà giàn. Việc làm này phải được chuẩn bị tỷ mỷ và khoa học bởi vì khi ra ngoài biển mà thiếu sót bất cứ một thứ gì thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ kế hoạch. Những công việc tưởng chừng như rất đơn giản như chia thiết bị thế nào, thứ tự bốc ra sao, đưa lên giàn thế nào, trong trường hợp thời tiết xấu thì làm thế nào,…đều được lên kế hoạch chi tiết, nói chung tất cả kịch bản diễn ra giống y như đơn vị tác chiến.
“Ngày đầu xây dựng trạm phủ sóng ở khu vực nhà giàn thì tôi chưa tham gia trực tiếp ở đó chỉ làm việc với Tổng công ty Mạng lưới và ban thông tin Vùng 2 để thiết kế trạm, nhưng sau này các đợt xử lý sự cố, Swap thiết bị thì tham gia cùng anh em triển khai tại các nhà giàn này. Hành trình đi từ Hải đoàn 129 ra đến nhà giàn DK1 mất khoảng hơn 600 km, trung bình đi mất khoảng 48 tiếng nếu thời tiết thuận lợi, còn nếu thời tiết xấu thì sẽ lâu hơn. Nói chung ra ngoài đấy bọn tôi sợ nhất thời tiết xấu, thời tiết xấu thì vô cùng xấu, đi một lúc là say sóng. Nhiều khi nghĩ cũng thương anh em, được lệnh là lên đường, đi là cứ đi. Lúc đi ra nhà giàn gặp biển động, có anh em giảm 7 Kg vì không ăn được gì cả, nhiều khi đang nằm trên giường do sóng đánh mạnh nên bị rơi xuống sàn tàu, cứ lênh đênh trên biển mà cũng không được cập vào giàn vì ảnh hưởng đến sự an toàn của nhà giàn và của tàu Hải Quân. Cho dù trước lúc đi các bước được tập huấn, chuẩn bị rất là kỹ, nhưng khi triển khai có nhiều tình huống không ngờ tới nên phải liên lạc vào bờ nhờ anh em tìm mọi cách hỗ trợ” ông Hoàng Trí Công nhớ lại.
Khi tàu Hải Quân chở thiết bị ra đến nhà giàn, thiết bị được chia nhỏ ra rồi được chuyển lên một cái tàu nhỏ. Vật tư, thiết bị mỗi trạm nặng khoảng 4 tấn và để chuyển lên giàn các thiết bị này mất khoảng 2 ngày. Vận chuyển từ tàu nhỏ lên đến nhà giàn cao khoảng 40 mét dùng tời bằng tay, mỗi lần kéo lên khoảng 100 kg. Ngày đấy lắp một trạm trên nhà giàn DK1 thì chỉ khoảng 4 đến 7 ngày, còn lắp và chỉnh chảo VSAT thì mất khoảng 3 ngày.
Ông Công nhớ lại, khi đi ra xử lý sự cố lỗi thiết bị tại nhà giàn DK1, thì có một anh em trong đoàn bất ngờ đau ruột thừa gặp đúng vào ngày thời tiết xấu. Khi đó anh em tính toán không thể đưa kịp vào đất liền được nên tức tốc phải xin ý kiến ban tác chiến Vùng 2 đưa ra đảo Trường Sa cách đó gần 200 Km. Rất may mắn anh em đã đưa kịp đồng đội vào đảo Trường Sa và ca mổ được tiến hành xuôn sẻ.
Công tác tại nhà giàn DK1 trong điều kiện thời xấu thì sự hy sinh luôn rình rập. Anh Dương Văn Bắc thâm niên hơn chục năm trong binh chủng Hải quân có một con nhỏ và vợ là giáo viên mầm non. Khi anh Bắc xuống kiểm tra định kỳ hệ thống vật cản dưới sàn cập tàu không may trượt chân ngã xuống biển, sóng đánh người đập vào chân giàn làm dập phổi, mặc dù đã được trực thăng đưa vào bờ cấp cứu nhưng anh Bắc đã không qua khỏi, ông Hoàng Trí Công bùi ngùi nói.
Khi các chiến sỹ nhà giàn trở thành người vận hành hệ thống di động
Ngày nhà giàn DK1 được phủ sóng di động, anh em chiến sỹ trên nhà giàn mừng lắm. Nhưng khi những chiến sỹ đi ra nhà giàn không ai mang theo điện thoại vì chẳng biết bao giờ nơi đây được phủ sóng. Lúc đó, anh em chiến sỹ nhà giàn phải mượn điện thoại của anh em kỹ thuật Viettel để gọi về cho người thân. Nhiều chiến sỹ trên nhà giàn đã rất xúc động khi nghe được tiếng nói của người thân với người ở điểm tiền tiêu đầu sóng ngọn gió của tổ quốc.
Từ khi Viettel phủ sóng ở nhà giàn DK1, ngư dân cũng đã dần quen và họ sử dụng dịch vụ trên biển ngày 1 nhiều hơn, có lúc cao điểm các trạm phủ sóng khu vực nhà giàn phục vụ tới 2.000 ngư dân. Phần lớn ngư dân ở đây là các tàu đánh cá ở Vũng Tàu, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định.
Khi lắp đặt xong trạm phủ sóng, nhưng để hành thông suốt liên lạc là vấn đề khó khăn không hề kém. Thường thường một năm các cán bộ kỹ thuật của Viettel sẽ ra nhà giàn khoảng 2 lần bảo dưỡng. Nhưng khi có sự cố, không xử lý từ xa được bắt buộc phải ra đó xử lý trong thời gian ngắn nhất.
Ông Hoàng Trí Công cho biết, để hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt, anh em kỹ thuật Viettel phải đào tạo chiến sỹ trên nhà giàn DK1 cách vận hành hệ thống này. Vì vậy, mỗi khi có chiến sỹ mới ra nhà giàn DK1, các cán bộ kỹ thuật của Viettel phải đào tạo trước trong phòng lab. Việc đào tạo này cho các chiến sỹ mới được tiến hành tỷ mỷ đến khi thuần thục mới đưa ra nhà giàn DK1. Thậm chí các chiến sỹ còn được đào tạo gặp sự cố thì chỉ cần cắm vào chạy thế nên hạn chế thời gian gián đoạn rất nhiều khi gặp phải sự cố.
“Tôi nhớ có nhiều lần trạm ở nhà giàn gặp sự cố, sau khi quan sát trên màn hình giám sát, trực tiếp là trực ban và cả Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới gọi điện xuống chỉ đạo chúng tôi nhanh chóng khắc phục sự cố. Lúc đó, bọn tôi đã phải tìm mọi cách để có thể liên lạc được với anh em chiến sỹ ở nhà giàn bằng cách gọi điện sang giàn bên cạnh và kết nối liên lạc qua hệ thống bộ đàm AIRCOM. Qua các bước kiểm tra thì phát hiện máy nổ hỏng cũng có lần do gió mạnh quá làm lệch chảo VSAT. Sau khi anh em chiến sỹ trên nhà giàn kiểm tra xong và được hướng dẫn cách xử lý các sự cố đến giờ đã thành thạo vận hành hệ thống này rồi” ông Công chia sẻ.
Ngắt mạch câu chuyện về phủ sóng ở nhà giàn, Hoàng Trí Công kể sang chuyện khác. “Anh biết không khi anh em Viettel hồi mới ra lắp trạm ở nhà giàn còn khổ lắm. Anh em chiến sỹ ở đó chỉ tắm bằng 1 chậu nước, tắm xong phải tiết kiệm lấy nước đó đi tưới rau. Bây giờ Đảng, Chính phủ cũng quan tâm nhiều hơn đến vùng đấy, vừa rồi được đầu tư như giàn dầu khí, nước nôi cũng thoải mái. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel chỉ đạo tăng cường nâng cấp hệ thống để anh em chiến sỹ nhà giàn có thể dùng Dcom đọc báo được hàng ngày. Được đọc báo chí tiếp cận thông tin hàng ngày đời sống anh em chiến sỹ trên nhà giàn cải thiện rất nhiều. Nếu mà lượng hóa thì chắc phải sướng hơn mười mấy lần. Anh em chiến sỹ nhà giàn thường bắt cá phơi khô mỗi khi có tàu về lại lại gửi vào cho mấy anh em Viettel làm quà. Mỗi lần Tết đến anh em Viettel lại nhờ tàu Hải quân vùng 2 gửi quà là mấy thùng bia, ít trái cây, ít bánh kẹo cho anh em chiến sỹ nhà giàn ra để biếu các chiến sỹ ngoài đấy. Nói chung tình cảm anh em chiến sỹ và anh em Viettel rất gắn bó và nồng ấm” Hoàng Trí Công kể.