– Ngôn tình Trung Quốc khác với chicklit phương Tây, cũng khác với kiểu viết Gào, Keng.... ở Việt Nam.

Đứng trên quan điểm của những người làm sách ngôn tình thông thường (không thuộc nhóm ngôn tình H văn gợi dục), phóng viên VietNamNet có cuộc phỏng vấn dịch giả Lệ Chi, người sáng lập ra Chibooks - một công ty chuyên về xuất bản sách tiếng Trung.

Dịch giả Lệ Chi

Khi mang sách Trung Quốc về Việt Nam, định hướng của chị là gì?

- Dòng sách TQ mà Chibooks mang về VN sẽ có 2 loại: Một là dòng sách thực sự có giá trị văn học cao, được viết bởi các tác giả hiện đại có tên tuổi của văn học TQ như Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân… mà qua các tác phẩm của họ, độc giả VN có thể thấy rõ một quãng đời sống, xã hội, văn hóa của con người TQ biến động qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Một dòng khác là sách hiện đại cho đối tượng độc giả trẻ, mang dấu ấn đặc trưng như: linglei (Xuân Thụ, Miên Miên…), ngôn tình, đam mỹ… Tôi cố gắng lựa chọn những tác giả, tác phẩm tiêu biểu và đặc trưng nhất.

Chị có thể chia sẻ định nghĩa của sách ngôn tình?

- Sách ngôn tình là dòng sách tình cảm dành cho lớp trẻ, thường kể về những câu chuyện tình cảm yêu đương giữa nam và nữ, thường kết thúc có hậu sau một số trắc trở. “Ngôn tình” có nghĩa là nói chuyện tình cảm.

Chị đánh giá thế nào về điểm mạnh và điểm yếu của các sáng tác ngôn tình? Khả năng dụng ngôn của các tác giả, sức hấp dẫn đến từ đâu và mặt hạn chế đến từ đâu?

- Điểm mạnh của ngôn tình là nó đem lại niềm tin vào sức mạnh tình yêu, giúp người đọc tin tưởng và khát khao vào 1 tình yêu lứa đôi chân thành, lãng mạn, đầy sức sống, đem lại ý nghĩa tích cực cho người đọc.

Điểm yếu của nó là thường phi hiện thực, quá đẹp, quá toàn mỹ để có được những khuôn mẫu, hình tượng nhân vật hoàn hảo như vậy ở ngoài đời, nên cũng có thể khiến người đọc chán nản, tuyệt vọng nếu họ vẫn cố bám theo 1 hình mẫu trong sách ngôn tình. Từ ngữ của các tác giả ngôn tình cũng phụ thuộc vào thể loại sách ngôn tình nào. Có cuốn rất hài hước, dí dỏm; nhưng cũng có cuốn lời lẽ hoa mỹ, sâu lắng…

Sách ngôn tình Trung Quốc khác gì với sách chicklit phương Tây?

- Chicklit là 1 dòng sách lãng mạn phương Tây, tác giả luôn là nữ, các câu chuyện tập trung xoáy vào đời sống của các nhân vật nữ, có thể có chuyện tình yêu hoặc không, chủ yếu phản ảnh cuộc sống hiện đại của nhân vật nữ trong truyện.

Sau 1 số sự cố trong cuộc đời, các nhân vật nữ này đều tự tin lấy lại được cuộc sống thăng bằng và tìm được hạnh phúc, có thể là hạnh phúc trong tình yêu hoặc sự nghiệp, hoặc có thể đơn giản chỉ là họ đã tự quyết định được hướng đi đúng cho cuộc đời mới của họ.

Dòng sách chicklit thường nhằm vào đối tượng độc giả nữ đã trưởng thành, đã đi làm, đã có định hình rõ nét về tư tưởng nên họ ít bị tác động như dòng sách ngôn tình (do dòng sách ngôn tình mở rộng ra đối với nhiều lứa tuổi độc giả). Độc giả dòng sách chicklit có thể đọc dòng sách này để cảm nhận được sự an ủi, tự tin, niềm vui, đặc biệt giúp độc giả nữ thấy mình mạnh mẽ hơn.


Sách ngôn tình khác biệt gì so với các dòng sách tương tự cho phụ nữ?

Sách ngôn tình hơi khác với dòng sách chicklit ở chỗ: đối tượng độc giả đọc ngôn tình rộng hơn. Có ngôn tình cho tuổi teen, có ngôn tình dành cho lứa tuổi lớn hơn, có ngôn tình nhà trường (tức là những chuyện tình cảm xảy ra trong khuôn viên trường học)… tác giả viết ngôn tình có thể là nam hoặc nữ, nhấn mạnh câu chuyện về tình yêu nam-nữ. Sách ngôn tình xuất phát từ TQ và thịnh hành mạnh ở các nước nói tiếng Hoa.

Ngôn tình lại thường ru ngủ độc giả bằng những chuyện tình cảm ướt át, rung động, lãng mạn với nhiều lứa tuổi độc giả rất khác nhau, có cả ngôn tình cho teen hoặc nhiều lứa tuổi, vì vậy họ dễ bị tác động.


Đó cũng là lý do tại sao sách chicklit không tạo nên làn sóng phản đối đầy tiêu cực như sách ngôn tình TQ?

- Thực ra việc độc giả VN có phản ứng tiêu cực về dòng sách ngôn tình TQ có nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất: hiệu ứng đám đông, phản ứng theo dây chuyền, a dua, thấy bạn mình chê thì chê theo chứ thực sự không đọc, hoặc đọc 1 cuốn thấy dở thì cho rằng tất cả đều dở.

Thứ hai: độc giả không chú ý kĩ tới những ký hiệu đánh dấu của các đơn vị xuất bản dành cho loại sách này, để phân loại độc giả phù hợp. Như các kí hiệu bao nhiêu cộng trên sách, là cấm độc giả từ lứa tuổi nào trở xuống… nên có người đọc đến những đoạn hơi ướt át thì cho rằng không phù hợp với tuổi teen, trong khi ngôn tình không phải chỉ dành riêng cho teen. Tuổi teen cũng chỉ là 1 dòng đối tượng độc giả của loại sách này mà thôi.

Thứ ba: do dịch giả dịch chưa hay làm mất ý đẹp của câu văn, hoặc hiểu sai từ, khiến đọc lên bị sượng hoặc thô thiển.

Thứ tư: đơn vị xuất bản không kĩ lưỡng trong việc lựa chọn tác giả tác phẩm ngôn tình xứng đáng để giới thiệu, hoặc biên tập không kĩ, không chịu cắt bỏ những đoạn nhạy cảm không phù hợp với đạo đức, tư duy trong cách sống của con người VN…

Những tác phẩm trào lưu kiểu Gào, Keng ở Việt Nam...  có điều gì giống và điều gì khác sách ngôn tình, họ có bù lấp được cho sách ngôn tình  Trung Quốc ở VN?

- Khác nhiều chứ. Như tôi đã nói, sách ngôn tình chủ yếu là miêu tả các câu chuyện tình cảm lãng mạn, hoặc có trắc trở đôi chút nhưng kết thúc vẫn có hậu và tràn ngập tình yêu. Trong khi sách của 2 người trên không có phân định thành dòng cụ thể. Có cuốn được viết như kiểu tự sự, chiêm nghiệm bản thân, hoặc từ những câu chuyện nhỏ rải rác… không mang chủ đề xuyên suốt về tình yêu như ngôn tình cũng như những tính chất đặc trưng của ngôn tình.

Đọc sách của các tác giả này có lúc thấy rõ sự chua chát, cay đắng, bất cần, hoặc đôi chút nổi loạn, như vậy khác hẳn với tính chất của dòng ngôn tình TQ.

Việc sách của họ có bù lấp được sách ngôn tình TQ ở VN hay không thì thực sự là không. Vì số lượng sách của các tác giả trẻ VN được xuất bản hàng năm không nhiều, hầu như chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mặt khác, tác phẩm của các tác giả trẻ này được sáng tác theo ngẫu hứng của tác giả, chưa tự định hình hoặc xác định rõ sẽ theo hẳn dòng sách nào, nên cũng gây khó khăn cho độc giả trẻ khi họ cần tìm kiếm thể loại sách mà họ muốn nhưng không có, hoặc không biết rõ nên tìm tác phẩm của tác giả VN nào mới đúng loại mình cần.

Chị từng nói ngôn tình phát triển một phần bởi thiếu sách cho độc giả trẻ. Vậy theo chị, sách cho độc giả trẻ cần những yếu tố nào?

- Nhu cầu độc giả luôn đa dạng, đối với độc giả trẻ cũng vậy. Chính vì thế, họ cũng cần có thêm những dòng sách khác như sách có nội dung giúp họ rèn luyện ý chí, hướng nghiệp, giúp họ tự tin, tin tưởng vào tình bạn-tình yêu chân thành; hoặc những sách mang lại kiến thức phong phú về lịch sử, văn hóa, du lịch…

Theo tôi, sách cho độc giả trẻ cần có những yếu tố sau: luôn mang hướng tích cực, giúp độc giả trẻ đọc xong thấy tự tin hơn, yêu đời hơn, lạc quan hơn, hoặc bình tĩnh hơn nhìn lại mình, để từ đó nhận thấy những mặt mạnh và yếu của mình, từ đó mà hạn chế bớt hoặc tăng thêm cho phù hợp; luôn cung cấp tri thức phong phú; đem lại một ý nghĩa nhất định cho người đọc, thậm chí có thể giúp họ định hình được tư duy và lối sống, hoặc chọn được lối sống lành mạnh, hun đúc được ý chí và khát vọng vươn lên của họ…

Xin cảm ơn chị!

Bài sau: Vì sao "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" bị đổi tên?

Hồ Hương Giang