Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày. Đây là thời điểm thuận lợi để người dân cả nước vui chơi, du lịch.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà du khách lo lắng về tình trạng "chặt chém" tại các điểm du lịch khi lượng người đổ về đông, các dịch vụ ăn uống, giải trí, lưu trú… cũng nhân cơ hội này tăng giá bắt chẹt khách.

Nỗi lo đó là có cơ sở khi gần đây, nạn 'chặt chém' du khách vẫn tồn tại, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ.

Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 một vài năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc du khách bị "chặt chém". Những vụ việc này đã tạo ra nỗi ám ảnh và khiến nhiều hành khách ngán ngẩm, bức xúc.

Du khách bị “chặt chém” phí ghế ngồi tại bờ biển Sầm Sơn

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2018, nhiều du khách đi du lịch Sầm Sơn ngỡ ngàng vì bị thu phí ghế ngồi trên bãi cát bờ biển với giá 30.000 đồng/chiếc.

Chị T.H. (Hà Nội) phản ánh, vào sáng ngày 29/4/2018, gia đình chị 4 người ra bờ biển Sầm Sơn ngồi uống nước, sau khi được nhân viên nhà hàng giới thiệu khung giá, mỗi quả dừa có giá 50.000 đồng, chị H. chọn mua 2 quả rồi cùng gia đình ngồi 2 ghế lưới của nhà hàng được kê trên bãi cát dọc bờ biển uống.

{keywords}
Giá mỗi chiếc ghế lưới kê bên bờ biển Sầm Sơn được thu với giá 30.000 đồng.

Song lúc gọi thanh toán thì mới biết nhân viên nhà hàng tính tổng tiền lên đến 160.000 đồng, kèm thêm thông tin lý giải, số tiền 60.000 đồng là thu phí ghế ngồi.

Thắc mắc vì sao đã uống nước mất tiền ở quán còn bị tính thêm tiền ghế, chị H. được nhân viên nhà hàng cho hay, đây là giá chung, bất kể uống thế nào thì cũng phải trả thêm tiền ghế ngồi vị trí bãi cát sát biển, còn nếu không muốn mất tiền ghế thì vào trong kia.

Việc này không chỉ diễn ra với gia đình chị H. mà bất kể du khách nào tới đây cũng bị thu phí ghế ngồi như vậy.

Ngoài việc thu tiền ghế ngồi một cách vô lý, những đồ ăn, thức uống ở khu du lịch Sầm Sơn còn bị tính giá "cắt cổ"... Tại đây, một quá dừa có giá 50.000 đồng, một chai nước suối bình thường chỉ khoảng 5.000 đồng thì bị đội giá lên đến 20.000 đồng, một quả dưa chuột có giá 15.000 đồng, một quả ổi 20.000 đồng.

Không chỉ đồ ăn, thức uống, mà giá các dịch vụ khác tại bãi biển Sầm Sơn cũng tăng chóng mặt. Trong  dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2018, một du khách tên Phương phản ánh với báo chí giá giữ xe máy tại bãi biển này lên tới 50.000 đồng/lượt.

Chặt chém ở Thủ đô dịp nghỉ lễ 30/4

Theo ghi nhận của PV báo Dân Việt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2018, lượng du khách đổ về các khu vui chơi, du lịch tại thủ đô Hà Nội tăng lên đột biến. Nhiều người dân tranh thủ cơ hội này để "chặt chém" du khách.

Tại công viên Thủ Lệ, mặc dù UBND phường Ngọc Khánh đã bố trí thêm nhiều bãi gửi xe xung quanh công viên Thủ Lệ với biển ghi rõ: Điểm trông giữ xe đúng quy định phục vụ nhân dân, giá vé 5.000 đồng/xe máy và 3.000 đồng/xe đạp nhưng vẫn có những bãi giữ xe tự phát mọc lên gần khu vực cổng vào công viên ở đường Bưởi và thu phí cao hơn so với quy định.

{keywords}
Tại phố đi bộ hồ Gươm, nhiều du khách bị chặt chém tại các bãi gửi xe.

Ngoài ra, tình trạng chặt chém còn xuất hiện tại các khu dịch vụ ăn uống trong và ngoài công viên Thủ Lệ. Các quán nước ghi biển thông báo nước mía 10.000 đồng/cốc nhưng uống xong, chủ quán lại tính 15.000 đồng/cốc.

Trong khi đó, tại phố đi bộ hồ Gươm, nhiều du khách cũng phản ánh bị chặt chém tại các bãi gửi xe. Xung quanh khu vực này có nhiều bãi giữ xe tự phát với mức giá 20.000 đồng/xe máy. Thậm chí một bãi giữ xe ở phố Cầu Gỗ còn thu phí 30.000 đồng.

Các gánh hoa quả dầm xung quanh Bờ Hồ cũng nhân dịp này tăng giá vô tội vạ. Một túi hoa quả dầm có giá lên đến 100.000 đồng trong khi ngày thường là 50.000 đồng.

Nạn chặt chém phòng khách sạn gây bức xúc

Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm 2017, tình trạng chặt chém du khách diễn ra ở nhiều tỉnh, thành. Trong đó, nạn chặt chém phòng khách sạn gây nhiều bức xúc cho du khách nhất.

Zing cho biết, trong hôm diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế năm 2017 tại Đà Nẵng, dịch vụ khách sạn đã tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Phòng ở khách sạn càng cao thì giá càng đắt. Tại các nhà nghỉ, giá phòng cũng đồng loạt tăng gấp 4 lần so với bình thường vào đêm 30/4/2017.

Cũng theo Zing, ngày 30/4/2017, một khách thuê nhà nghỉ tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) đăng video tố bị tăng giá phòng lên gấp 5 lần ngày thường.

{keywords}
Nhiều dịch vụ chặt chém trong ngày nghỉ lễ 30/4.

Tiền Phong cũng phản án nạn chặt chém phòng khách sạn tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) dịp 30/4, 1/5 năm 2017. Có nhà nghỉ ra giá phòng cao bằng khách sạn 5 sao.

Tại Vũng Tàu, giá phòng ngày thường của khách sạn dao động chỉ từ 500– 1 triệu đồng/phòng, nhưng dịp lễ dịp 30/4, 1/5 năm 2017 đội giá lên từ 1-2 triệu đồng/phòng.

Dịch vụ trông giữ xe "chặt chém" du khách

Không chỉ phòng khách sạn, dịch vụ trông giữ xe máy cũng thừa cơ chặt chém du khách dịp lễ dịp 30/4, 1/5 năm 2017.

Ghi nhận của PV Kiến Thức vào ngày 1/5/2017, tại một điểm trông giữ xe máy nằm đối diện trường Đại học GTVT có đặt tấm bảng ghi: “Điểm trông giữ xe đúng quy định của UBND phường Ngọc Khánh”, nhưng giá vé đều bị xóa đi. Khi khách đem xe vào gửi bị chém quá lên 2.000 đồng (lấy 5.000 đồng/lượt), trong khi số tiền in trên vé ghi 3.000 đồng/lượt.

Ngoài ra, xung quanh công viên Thủ Lệ còn xuất hiện thêm hai điểm trông giữ xe máy khác cũng thu phí 5.000 đồng/lượt.

Theo ghi nhận của PV VTC News, nhiều bãi gửi xe ở khu vực Giáp Bát (Hà Nội) đã tự ý tăng giá lên mức "cắt cổ" dịp 30/4, 1/5 năm 2017.

Tại khu vực xung quanh bến xe Giáp Bát (Hà Nội), nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi mặt bằng kinh doanh sang dịch vụ trông giữ xe máy. Theo khảo sát của phóng viên, cửa hàng trông xe gần bến Giáp Bát, giá vé xe máy cho một ngày trông tại đây được người chủ thét lên tới 40.000 đồng/xe/ngày.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)