Đất từ miệng hố ào ào trút xuống, chôn cả người chết lẫn người sống. Nhiều tù binh gượng sức bới đất ngoi lên tìm không khí để thở. Đám quân cảnh lập tức xông đến bổ thẳng xẻng vào đầu cho chết, rồi lấp đất kín.
Những vụ sát hại tập thể
Trong hành trình tìm kiếm những hố chôn tập thể tù nhân cộng sản ở Phú Quốc,
đã có nhiều đại lễ cầu siêu được tổ chức trọng thể và xúc động. Các lãnh đạo cao
cấp của Đảng và Nhà nước, cùng hàng vạn người dân thành kính đã tham gia bày tỏ
niềm xúc động và xót thương vô hạn.
Trong số 40.000 tù nhân cộng sản ở địa ngục trần gian này, có tổng cộng hơn
4.000 người đã phải hứng chịu cái chết tức tưởi, xót lòng. Nhưng đau xót hơn
nữa, là cho đến tận hôm nay, khi đất nước đã hòa bình được ngót 40 năm, mà mới
chỉ có 1.067 hài cốt của các tù binh cộng sản trong nhà lao Phú Quốc được tìm
thấy.
Đồng chí Lê Văn Đường và Lê Văn Kia bị bắn chết tại nhà lao Phú Quốc |
Phần lớn số hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trong các hố chôn tập thể. Các liệt
sĩ được đưa về nghĩa trang, được thờ phụng. Dù hầu hết những liệt sĩ này vẫn là
vô danh, nhưng họ còn may mắn hơn 3.000 liệt sĩ khác.
Theo ông Vũ Minh Tằng, sau mỗi cuộc tàn sát tù binh, chúng khênh xác tù binh
chất lên máy bay rồi ném ra biển cho cá mập ăn. Chính cai ngục Bảy Nhu vẫn
thường dọa anh em tù binh rằng sẽ giết hết rồi ném xác xuống biển.
Cô Vũ Thị Minh Nghĩa vừa gẩy đất tìm xương cốt các liệt sĩ vừa rưng rưng nước
mắt. Cô bảo, từ các cuộc khai quật hố chôn tập thể này, có thể thấy rằng, bọn
cai ngục Phú Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tàn sát tập thể, giết hại hàng
trăm tù binh.
Hài cốt tù binh cộng sản tìm thấy ở Phú Quốc |
Hộp sọ vẫn còn dính những chiếc đinh |
Chúng đào sẵn những hố sâu cả chục mét, rộng cả trăm mét vuông trong rừng để
chôn các chiến sĩ cách mạng. Cứ sau mỗi cuộc tàn sát, chúng ném xác tù binh
xuống, rải hóa chất cho nhanh phân hủy, rồi lấp một lớp đất. Vài hôm sau, có
cuộc tàn sát mới, chúng lại ném xác tù binh xuống. Mỗi hố chôn tập thể có vài
lớp xương cốt tù binh là vì thế.
Từ những cuộc khai quật hài cốt ở các hố chôn tập thể, lật lại lịch sử, tìm gặp
các nhân chứng, chúng tôi thực sự hãi hùng trước sự tàn sát tù binh cộng sản của
bọn cai ngục máu lạnh.
Cuộc “hủy diệt” đẫm máu diễn ra vào một buổi sáng đầu tháng 7/1965 vẫn còn in
đậm trong tâm trí các cựu tù binh Phú Quốc. Hôm đó, địch cho tập hợp toàn bộ tù
binh thành một hàng dài rồi bắt chào cờ ba sọc, bắt hô “Đả đảo Đảng cộng sản
Việt Nam”.
Kiềm sắt dùng để siết hai ngón chân cái của tù binh, tìm thấy cùng với một bộ hài cốt vô danh |
Những người lính kiên trung gan vàng dạ sắt đứng lặng như tượng, không ai giơ
tay chào cờ, cũng chẳng ai lên tiếng. Nhiều đồng chí còn hô vang khẩu hiệu:
“Đảng cộng sản muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”. Người thì hô vang: “Đả
đảo Mỹ - Diệm”.
Điên tiết, bọn cai ngục như chó dại xông đến đánh đập bằng báng súng, dùi cui.
Uất quá, các tù binh vùng lên đánh trả, bất chấp mạng sống. Tiếng súng vang rền.
Khi khói súng tan, các tù binh nằm sõng xoài trên đất, máu chảy lênh láng. Cả
thảy 78 tù nhân đã hi sinh.
Cũng vào mùa mưa năm đó, bọn cai ngục đối xử quá tàn tệ, tra tấn giết hại mấy
chục tù nhân, nên Đảng ủy phát động tuyệt thực để yêu cầu cai ngục chấm dứt việc
hành hạ.
Hố chôn tập thể 513 tù binh Phú Quốc mới được khai quật. Những hố chôn tập thể đã tố cáo tội ác diệt chủng của bọn cai ngục. |
Những lần trước, tuyệt thực vài hôm thì địch buộc phải nhân nhượng giải quyết. Nhưng lần này đã kéo dài đến ngày thứ 11 mà chúng mặc kệ.
Đúng lúc đó, có một phát đoàn chữ thập đỏ quốc tế đến kiểm tra. Bọn cai ngục xuống nước năn nỉ tù binh chấm dứt tuyệt thực, nhưng tù binh không nghe, yêu cầu chúng phải thực hiện đúng công ước Geneve về chính sách đối đãi với tù nhân chiến tranh, thì mới chấp nhận thôi tuyệt thực.
Cáu tiết, bọn cai ngục dùng dùi cui, súng ống nhằm những tù binh bệnh tật, đói lả, tiều tụy đánh đập. Uất quá, một số anh em nổi dậy cướp súng đánh lại chúng.
Hình ảnh nhà lao Cây Dừa, tức nhà lao Phú Quốc |
Bị đánh trả bất ngờ, bọn quân cảnh bỏ chạy ra ngoài. 4 khẩu đại liên trên
chòi canh xối đạn như mưa vào phòng giam.
15 phút sau, tiếng súng ngưng, hơn 100 xác tù nhân được khênh ra ngoài, máu chảy
ngập ngụa phòng giam. Các tù nhân được chúng khênh lên xe, chở vào trong
rừng, ném xuống hố chôn nào chẳng rõ.
Trong ký ức các tù binh cộng sản Phú Quốc, thì cuộc tàn sát khủng khiếp nhất của bọn cai ngục diễn ra vào sáng 6/5/1972.
Hôm đó, chúng bất ngờ cho tập hợp toàn thể tù nhân phân khu B8 ra ngoài sân trống để lục soát toàn phân khu sau khi nghe tin mật báo trong phân khu đang có cuộc đào hầm vượt ngục.
Chúng cho người lùng sục khắp phân khu, săm soi từng tấc đất, bới móc từng xó xỉnh. Anh em tù nhân ngồi chầu trực suốt mấy tiếng đồng hồ dưới cái nắng nóng như đổ lửa. Vừa đói, vừa khát.
Cuộc lùng sục kéo dài đến tận trưa mà không mang lại kết quả gì. Mãi đến 11 giờ địch mới cho anh em tù nhân trở vào phân khu rồi đưa lương thực, thực phẩm đến cho họ nấu nướng. Số lượng tù nhân quá đông, lại nấu bằng chảo gang lớn nên đến tận chiều anh em mới được ăn bữa sáng.
Do ăn chậm, nên bọn giám thị và quân cảnh kéo vào trong trại đánh đập tù nhân. Uất ức quá, anh em vùng lên đánh lại. Bọn chúng sợ hãi bỏ chạy. Những tên bên ngoài nổ súng yểm trợ.
Đạn rít veo véo, cát bụi mịt mù. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn, 248 tù binh bị trúng đạn, người chết, người thương. Đây là cuộc tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhà tù Phú Quốc.
Hàng rào thép gai dựng nhiều lớp quanh các phân khu trại giam ở nhà lao Phú Quốc |
Trong quá trình đi kiếm nhân chứng, thu thập tư liệu, chúng tôi đã gặp gỡ
Thiếu tướng Lê Phú Cường, cựu tù nhân Phú Quốc. Qua câu chuyện kể của ông, sự
thật kinh hoàng về một vụ giết người hàng loạt bằng cuốc xẻng, cán búa, dùi cui,
báng súng AR15… rồi chôn tập thể vào mùa mưa năm 1970 đã được hé lộ.
Tác giả của vụ thảm sát dã man ấy là tên đồ tể hạng bự khét tiếng, thiếu tá Mã
Sinh Quy, người Nùng, tiểu đoàn trưởng quân cảnh số 7.
Hôm đó, đảo Phú Quốc trời tối sầm, giông gió nổi lên. Tên Quy huy động hàng trăm trại viên quân kỷ, là lính quân đội Sài Gòn bị kỷ luật vào rừng đào một cái hố rộng. Đào xong, hắn đuổi đám lính này về trại.
Hình ảnh tìm kiếm hài cốt dưới hố chôn tập thể |
Trên 100 lính quân cảnh từ tiểu đoàn quân cảnh số 7 từ khắp các đại đội cùng
hắn lăm lăm lưỡi lê, súng ống đến các trại giam. Hắn tuyển chọn đủ 100 tù binh,
gồm những người bệnh tật, ốm yếu.
Hắn lùa các tù binh ra miệng hố mà đám trại viên quân kỷ vừa đào. Chẳng nói
chẳng rằng, hắn hét to: “Giết”. Tức thì cả bọn quân cảnh như bầy sói dữ, vác
cuốc, xẻng, búa lao đến cứ thế nhằm đầu tù binh mà bổ. Tù binh nào chống cự liền
lĩnh trọn loạt đạn.
Những chiếc búa, rìu, xẻng bổ thẳng vào đầu, khiến máu đỏ tóe loe.
Nhiều tù binh nhảy xuống hố tránh rìu, xẻng. Chúng khênh xác quẳng xuống hố, đè
lấp cả người sống.
Cô Minh Nghĩa và các hài cốt liệt sĩ mới tìm thấy trong hố chôn tập thể |
Đất từ miệng hố ào ào trút xuống, chôn cả người chết lẫn người sống. Nhiều tù binh gượng sức bới đất ngoi lên tìm không khí để thở. Đám quân cảnh lập tức xông đến bổ thẳng xẻng vào đầu cho chết, rồi lấp đất kín.
Trong buổi cầu siêu cho 4 ngàn liệt sĩ, gồm cả linh hồn 3 ngàn liệt sĩ vẫn còn nằm trong lòng đất hoang lạnh, hoặc mãi mãi dưới biển sâu, cô Vũ Thị Minh Nghĩa rưng rưng xúc động: “Hàng ngàn người tù xấu số đã bị ném xuống Vịnh Thái Lan làm mồi cho cá dữ và đáy biển sâu, nên việc đưa họ trở về là không thể. Việc kiếm tìm cho đầy đủ cơ số hàng nghìn người đã chết vì địa ngục trần gian nhà tù Phú Quốc là một nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhưng không thể hoàn thành”.
(Theo VTC News)