Chính phủ Brazil đã cấm du khách lai vãng tới một hòn đảo ở ngoài khơi thành phố Sao Paolo của nước này, vì đây là nơi trú ngụ của 4.000 con rắn độc nhất thế giới và nọc độc của chúng có thể làm tan chảy da người.
Đảo rắn cực độc ở ngoài khơi Brazil. Ảnh: Wikimedia Common |
Hòn đảo đáng sợ nói trên là đảo Ilha de Queimada Grande, nằm cách bờ biển Sao Paolo khoảng 32km. Đây là nhà của loài rắn vipe đầu hình giáo, màu vàng, cực độc. Trong thực tế, hòn đảo này nguy hiểm tới mức chính phủ Brazil đã cấm viếng thăm nó, tất nhiên sau khi vô số người dại dột đã mạo hiểm tới nơi này trong quá khứ.
Đảo Ilha de Queimada Grande, thường được biết đến với biệt danh "đảo rắn", rất nhỏ hẹp, với diện tích chỉ 430m2. Đây là nơi duy nhất trên Trái đất có loài rắn vipe đầu hình giáo màu vàng, danh pháp khoa học Bothrops insularis, cư trú. Thực tế này được coi là một điều tốt lành, vì 4.000 con bò sát trú ngụ trên đảo được xác định thuộc loài rắn vipe độc nhất thế giới.
Đảo rắn hiện gần như không có bất kỳ du khách nào ghé thăm, tạo điều kiện cho một vài nhà khoa học được cấp quyền tới nghiên cứu những con rắn cực độc mỗi năm. Hải quân Brazil thỉnh thoảng cũng cử đại diện đến nơi này để bảo trì ngọn hải đăng tự động được xây dựng trở lại vào năm 1909.
Tuy nhiên, nhà chức trách địa phương cho rằng, những kẻ săn trộm cũng đã tới hòn đảo để bắt rắn Bothrops insularis vì giá của mỗi con rắn cực độc này lên tới 30.000 USD trên thị trường chợ đen.
Lí do tại sao rắn Bothrops insularis trở nên nguy hiểm đến như vậy hiện vẫn còn là một bí ẩn. Dẫu vậy, nhìn chung, chúng cũng không quá khác biệt so với những loài rắn vipe họ hàng trên đất liền.
Rắn vipe đầu hình giáo, màu vàng trên đảo Ilha de Queimada Grande là loại vipe độc nhất thế giới. Ảnh: Corbis |
Một giả thuyết được đông đảo chấp nhận là, cách đây 11.000 năm, mực nước biển đã dâng cao và chia cắt đảo Ilha de Queimada Grande khỏi Brazil, khiến những con rắn trên đảo chỉ có nguồn thức ăn hạn chế vốn là các con chim di cư. Vấn đề lúc đó là, hầu hết nọc độc của rắn phải mất nhiều thời gian để phát tác, đôi khi tới vài ngày. Điều này đồng nghĩa, vào thời điểm nọc rắn giết chết chim, chúng có thể đã di chuyển tới nơi khác.
Vì vậy, các con rắn đã tiến hóa để có nọc độc vô cùng mạnh, có thể giết chết con mồi gần như ngay tức khắc. Nọc độc của lũ rắn trên đảo này có uy lực gấp 5 lần nọc độc của những loài rắn khác và thậm chí có thể làm tan chảy da người. Một vết cắn của rắn Bothrops insularis chứa đựng 7% nguy cơ tử vong đối với người. Trước khi đảo bị cấm ghé thăm đã có rất nhiều trường hợp người trở thành nạn nhân của loài bò sát đáng sợ này.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)