Khẩn trương tiêu úng, cứu lúa

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, thời gian qua trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn từ ngày 14 - 18/7 trùng vào thời điểm triều cường và xả lũ từ các hồ thủy điện, do đó, việc tiêu úng rất khó khăn, gây ngập úng và có nguy cơ gây thiệt hại nặng cho các trà lúa mùa.

Ước tính đến hôm nay, toàn tỉnh có khoảng 35.000ha lúa (50% diện tích) phải gieo cấy lại và dặm tỉa, tập trung ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh...

W-ruộng ngập_4.jpg
Toàn tỉnh có khoảng 35.000ha lúa (50% diện tích) phải gieo cấy lại và dặm tỉa

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong những ngày tới tiếp tục có mưa cùng với mực nước trên các sông lớn, nguy cơ ngập úng trên diện rộng còn tiếp tục diễn ra.

Trước tình trạng này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi, yêu cầu tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn bằng mọi biện pháp khẩn trương tiêu úng, cứu lúa. 

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại lúa, màu ở từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp khắc phục và chăm sóc kịp thời, phù hợp; tuyệt đối không để ruộng bỏ hoang.

Với những diện tích lúa bị thiệt hại nặng không có khả năng phục hồi phải khẩn trương tổ chức gieo mạ bổ sung ngay bằng các giống lúa ngắn ngày theo phương thức mạ nền đảm bảo cấy xong trước ngày 8/8; với những diện tích lúa còn khả năng hồi có thể cấy dặm, cấy dồn bằng mạ dư, mạ dự phòng hoặc tỉa khóm ở những ruộng lúa tốt, ruộng gieo sạ có mật độ dày.

Yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng giống lúa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cho người dân để gieo cấy lại, chăm sóc, bảo vệ lúa mùa an toàn, hiệu quả trong khung thời vụ.

W-Ruộng Nam Định ngập_1.jpg
Vận hành tối đa các trạm bơm để tiêu thoát nước

Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm vận hành tối đa năng lực của công trình để tiêu thoát nước ngập úng cho các diện tích lúa đã gieo cấy, đặc biệt là diện tích lúa mới sạ, mới cấy nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Đồng thời, phối hợp các xã, thị trấn điều tiết nước, đảm bảo mực nước phù hợp cho việc tổ chức cấy lại trên những diện tích lúa bị thiệt hại nặng.

Cấy lại thì xác định vụ mùa này thua lỗ

Cập nhật mới nhất tại huyện có diện tích lúa bị ngập lớn nhất tỉnh, ông Hoàng Quang Tuyến - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết, hôm nay (20/7), lượng nước trong ruộng đã tiêu bớt nhưng không đáng kể. Hiện, mới tiêu nước được cho 500ha trong tổng số hơn 6.200ha lúa bị ngập úng. 

Lúa ngập úng 5 - 7 ngày tỷ lệ mất trắng rất cao. Huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con ngâm lại giống lúa ngắn ngày, gieo mạ nền cứng để cấy lại.

W-Ruộng Nam Định ngập_2.jpg
Đến ngày 20/7, huyện Nghĩa Hưng mới tiêu úng được cho 500ha, trong tổng số hơn 6.200ha lúa bị ngập úng

Bà Hoàng Thị Toan (trú tại huyện Nghĩa Hưng) buồn bã nói: “Mấy ngày qua chính quyền địa phương cùng bà con đã phối hợp bơm tiêu úng suốt ngày đêm. Tuy nhiên, nước ngoài sông còn cao hơn trong ruộng nên có bơm ra cũng không hiệu quả.

Gia đình tôi cấy 4 mẫu ruộng, toàn bộ diện tích đã cấy vẫn ngập sâu. Hôm nay tôi đi kiểm tra thấy lúa bắt đầu bị thối rễ nên xác định là mất trắng, phải gieo mạ để cấy lại. Giờ bỏ ruộng không cấy thì không có cái ăn, mà cấy lại thì xác định vụ mùa này thua lỗ”.