Rượu “độc” tăng cường sinh lực đến đâu chưa thấy, nhưng hàng loạt các vụ cấp cứu trong thời gian gần đây, thậm chí có cả tử vong đã là lời cảnh báo: “Coi chừng uống rượu bổ bị… bổ ngửa”.

Các tin liên quan

Thực phẩm bắt đầu 'ngấm' giá xăng dầu


Ở Việt Nam, việc có một bình rượu thuốc ở nhà đã trở thành quen thuộc và thậm chí còn là trào lưu. Từ rắn, bìm bịp, tắc kè, ong, bò cạp… đến các loại lá rễ cây, củ quả, thang thuốc Minh Mạng, Tần Thuỷ Hoàng, vua săn voi… được đồn đại thành hàng “độc”. Nhưng...

Rắn ráo, rắn nước, rắn… nhựa cũng thành hổ mang

Lương y Nguyễn Văn Nghĩa sống tại TP.HCM là học trò của GSTS Đỗ Tất Lợi - một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng của VN, trong một lần phỏng vấn đã thốt lên: “Chưa có dân nước nào như dân mình, con gì, cây gì cũng ngâm rượu làm thuốc tăng cường sinh lực, tráng dương, bổ thận. Rượu thuốc có hai thành phần: Rượu và thuốc, thế nhưng chẳng ai quan tâm đến phần thuốc như con dao hai lưỡi mà cứ vô tư xài xả láng phần rượu”.

Đáng lẽ ngâm rượu thuốc phải hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn thì lại toàn hỏi những người không biết gì về dược lý, thậm chí làm theo lời truyền miệng. Ngặt nỗi, tại nước ta, rượu thì quản lý chặt, nhưng rượu thuốc lại có vẻ xuề xoà và ít bị soi chất lượng. Nhiều cán bộ quản lý thị trường thừa nhận, kiểm tra rượu thì dễ nhưng kiểm tra cái gì ngâm ở “trỏng” mới lao khổ trần ai.

Một con rắn, tay gấu, khỉ, chim quý đưa vào nhà hàng nếu bị phát hiện kiểm lâm sẽ phạt… gắt gao. Thế nhưng, những thứ đó nếu được ngâm trong rượu thì lại “đá” qua cho quản lý thị trường chỉ để kiểm tra… nguồn gốc rượu! Rắn hổ mang chúa, gấu… đã được liệt vào sách quý và cần bảo vệ nghiêm ngặt cả hàng chục năm nay, tuy nhiên, mỗi khi vào nhà hàng lớn nhỏ ở TP.HCM, lúc nào cũng thấy hàng chục bình rượu chứa đủ thứ động vật quý trưng bày ở vị trí bắt mắt khách. Chẳng biết thực hư về độ tin cậy của các loại rượu thuốc hay những loại động, thực vật dùng để ngâm có đảm bảo được 100% là thật hay không, tuy nhiên, nhiều chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra cho những tín đồ ham mê dược tửu vì những cú lừa không giống ai.

{keywords}

 Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, kể lại chuyện mình là nạn nhân vừa xảy ra mới đây. Sau khi tiếp nhận một vụ án dân sự ở Bình Phước và cãi thắng kiện, trước Tết Nguyên đán vừa rồi, vị thân chủ đã đến tận nhà tặng món quà quý. Đó là bình rượu ngâm rắn hổ chúa rất lớn, màu rượu nâu ngà đục, có mùi thơm và rắn vẫn còn tươi roi rói, mang phùng đều, gân nổi rõ. Mười người khách đến nhà chơi thì cả mười đều khen rắn đẹp hiếm gặp! Theo lời thân chủ, bình rượu này được mua ở trong rẫy, nơi có nhiều người dân tộc sinh sống với giá rất mắc. Rượu được nấu tại chỗ nên đảm bảo không có cồn công nghiệp. Lâu nay, chỉ thấy rắn hổ mang trên phim ảnh và báo chí mà chưa được mục sở thị “dung nhan” thực tế nên vị luật sư này cứ yên chí cho là hàng “độc”. Mỗi khi có khách tới chơi, quý lắm thì chủ nhà rót một ly mời và kể lể về xuất xứ.

Đến khi bình rượu vơi đi, nhưng chú rắn vẫn nghển cổ, đầu vươn cao thẳng đứng như thách thức với thời gian, thấy lạ, vị luật sư lấy kẹp gắp rắn ra khỏi bình thì hỡi ôi, đích thị… 100% bằng nhựa dẻo. Sau tết một tháng, ông gặp lại thân chủ của mình và kể chuyện bình rượu rắn rởm. Vị thân chủ vừa ngượng vừa tiếc vì bị lừa với bình rượu rắn hổ chúa nhựa giá gần chục triệu đồng.
Những bình "dược tủư" mà chính những người uống không biết rõ bên trong đó có những gì.

Theo nhiều cán bộ của Chi cục Thú y TP.HCM, tất cả các loại rắn ráo, rắn nước, hổ đất, bông súng, học trò… hiện nay đều được “hô biến” thành những loại rất kêu như: Hổ chúa, hổ mang, mai gầm… với công nghệ làm phình mang, căng chỉ, tút màu. Chính ông Nguyễn Đình Cương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM - trong một lần kiểm tra tại một điểm làm rượu rắn “dỏm” ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12 (TPHCM) đã chứng kiến cảnh toàn bộ rắn nước, rắn ráo được dùng chỉ căng cho mang phình ra, trông giống hệt rắn hổ mang. Bên cạnh số lượng lớn bình rượu rắn “dỏm” đã thành phẩm, còn có hàng ngàn con rắn chết (chủ yếu là rắn nước, rắn bông súng) chuẩn bị được “giải phẫu thẩm mỹ” thành rắn hổ mang ngâm rượu bán ra thị trường.

Càng nhiều loại bổ… càng bổ nhiều(!?)

Không chỉ người ngoại đạo mù tịt với công dụng, cách dùng rượu thuốc, mà ngay cả nhiều người làm trong lĩnh vực y khoa cũng lờ mờ về sản phẩm này. Một người quen của tôi là trưởng khoa của một bệnh viện có tiếng tại TP.HCM, sau tết muốn gặp mặt anh em đã nhắn tin: “Anh vừa ngâm được một bình rượu bìm bịp, tắc kè loại xịn, mấy anh em đến nhà anh lai rai mừng ngày thầy thuốc”. Y hẹn, mấy anh em tụ hội, trong đó có những người đang công tác tại một số bệnh viện lớn trong thành phố. Bên cạnh chai rượu ngoại là một bình rượu thuốc được chủ nhà mang ra giới thiệu đã chuyển màu nâu đục nhưng vẫn có thể thấy được con bìm bịp lớn cộng thêm 2 chú tắc kè ngâm trong đó.

Trong thời gian chờ mồi, đề tài rượu “cường dương, bổ thận” được đưa ra bàn tán một cách sôi nổi. Ai cũng khoe ở nhà có bình rượu ngâm toàn hàng “độc” như: Dâm dương hoắc, nhân sâm Hàn Quốc, sâm K5, ba kích, ngũ gia bì, đỗ trọng, phá cổ chỉ, sâm dây, câu kỷ… cho đến các loại trăn, rắn hổ mang chúa, sừng tê, nhung hươu, hải mã, tắc kè, bìm bịp… Thậm chí, nhiều người còn hồn nhiên khoe đang ngâm tả pí lù thập cẩm các loại động vật quý vào chung một bình với lý thuyết: “Càng nhiều loại bổ thì chắc chắn tác dụng càng lớn”. Chẳng biết có dùng thử hay chưa nhưng người có bình rượu ngâm thập cẩm nói chắc như đinh đóng cột: “Ai mà uống một ly loại này vào sẽ như… võ sĩ giác đấu khi lên giường!”.

Bình rượu “quý” được chủ nhà mở ra và mỗi người chỉ được uống một chung nhỏ. Chẳng biết ngon và khoẻ đến đâu, tuy nhiên, ai uống vào cũng phải nhăn mặt vì mùi tanh nhờn nhợn của vật ngâm bốc lên, mặc dù chủ nhà cho biết đã ngâm bằng rượu ngoại đắt tiền, cộng thêm thang thuốc mua ở chợ dược liệu quận 5. Nhiều người khen rượu ngon nhưng khi chủ nhà hỏi uống thêm hay không thì ai cũng lắc đầu. Một vị khách công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền chợt hỏi: “Bình này ngâm lâu chưa?”. Chủ nhà trả lời: “Ngâm được 20 ngày rồi, đây là nước cốt đầu”. Đến lúc này thì vị bác sĩ đông y chỉ biết buông một câu đùa hàm ý cảnh báo: “Coi chừng chưa bổ đã… bị độc vì mùi đấy”.

Tử vong… vì “dược tửu”

Thói quen sử dụng rượu thuốc với các loại dược liệu “đụng gì ngâm nấy” đã khiến nhiều người bị ngộ độc và tử vong. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đã tiếp nhận 2 trường hợp bị ngộ độc rượu nguy kịch trong tình trạng nôn ra máu. Qua điều tra bệnh sử, trước đó, bệnh nhân P.T.C.T (trú tại Hòn Đất), P.V.Đ (Giồng Riềng) đã nhậu rượu thuốc với một người tên H (ở Châu Thành). Hai tiếng sau khi nhậu, gia đình phát hiện H bất tỉnh và 2 người bạn nhậu có biểu hiện nôn ói nên đã đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Do bị ngộ độc quá nặng, H bị tử vong và hai người còn lại may mắn được cứu sống sau khi chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

BS.Dương Thị Chúc Linh, khoa Hồi sức chống độc – Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang khẳng định: “Hai bệnh nhân này đã bị ngộ độc do uống rượu thuốc”. Nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc rượu thuốc “cường dương” tại huyện Hoài Ân (Bình Định) khiến 21 người gục ngay trên bàn tiệc. Vụ việc xảy ra khi gia đình ông Huỳnh Giống ở thôn Văn An (xã Ân Tín) có đám giỗ và đãi khách món “dược tửu” tự ngâm từ cây ba kích, với lời chú thích là giúp cường dương bổ thận. Chủ nhà đã mua loại cây mọc trên núi được cho là kích ăn, kích ngủ, kích cường dương. Tuy nhiên, nhiều khách tham dự chỉ uống nửa ly đã có cảm giác sau gáy giật liên tục, mắt mờ, mi sụp xuống. Một số khách khác uống đến ly thứ 3 đã gục xuống bàn. Hậu quả sau khi sử dụng rượu “độc” là 20 người đã phải đi cấp cứu, một người thiệt mạng.

DS.Lê Kim Phụng - khoa Y học cổ truyền - Đại học Y dược TP.HCM - giải thích: “Rượu thuốc nghĩa là thuốc để chữa bệnh ở dạng rượu, không phải để uống chơi cho vui nên cần phải uống đúng liều lượng”. Và chúng tôi xin mượn lời của BS.Lương Lễ Hoàng (Trung tâm Oxy cao áp TP.HCM) một cây viết tư vấn nổi tiếng trên các báo để gửi đến những người thích món rượu thuốc: “Thuốc nào cũng thế, muốn đừng thành thuốc độc một cách oan uổng phải được dùng đúng chỉ định. Đừng nghĩ rượu thuốc không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang, có khi chưa bổ đã bị bổ... ngửa!”.

(Theo kienthuc)