- Lần đầu tiên, các tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của VN ở Biển Đông được tập hợp trong một cuốn sách.


{keywords}
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu cuốn sách do ông chủ biên

Cuốn sách dày 3.000 trang tập hợp các tư liệu Hán Nôm viết về lập trường của nhà nước phong kiến VN qua các thời kỳ. “Đây là những tư liệu thuộc về nhà nước quản lý, rất có giá trị khoa học và làm căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền” - PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, thông tin tại buổi giới thiệu cuốn sách sáng 3/6.

{keywords}

Thông tin với báo chí, ông Mạnh cho biết: “Hiện tôi đang giữ trong tay tài liệu SGK dành cho bậc tiểu học của TQ, xuất bản năm 1912, do Bộ Giáo dục nước Trung Hoa dân quốc phát hành, trong đó nêu biên giới của họ chỉ đến đảo Hải Nam chứ không có quần đảo Hoàng Sa”.

Ông Mạnh cũng cho biết, việc nghiên cứu tư liệu đã được các nhà khoa học VN và thế giới tiếp cận, trong đó có cả các học giả người TQ. “Có người (học giả TQ) đã đến ăn cơm đọc sách tại Viện Hán Nôm, đã từng là bạn thân thiết của Viện chúng tôi nhưng sau đó lại có thể nói những điều trái ngược, sai sự thật trên báo chí của họ. Chúng tôi có thể chỉ đích danh những người bịa đặt, vu khống, xuyên tạc lịch sử đó”.

Với những tư liệu Hán Nôm mà Viện nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ, hệ thống và xâu chuỗi theo thời gian lịch sử và chủ đề, cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” trình bày, sắp xếp theo 3 nhóm nội dung chính:

Thứ nhất, nội dung các tư liệu Hán Nôm thể hiện việc hằng năm, nhà nước phong kiến VN phái người người ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ về mang trình tấu triều đình. Những chuyến khảo sát này đã được ghi lại trong các bộ sử của các triều đại như Đại Nam thực lục (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn); Quốc triều chính biên toát yếu; các tài liệu mang tính pháp quy của nhà nước ban hành dưới tên Châu bản…

Thứ hai, nội dung các tư liệu Hán Nôm ghi lại việc nhà nước đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển đảo. Không những cử người ra Hoàng Sa, nhà nước còn cho xây dựng miếu, đặt bia trên đảo Hoàng Sa, điều này đã được ghi rõ trong Đại Nam thực lục...

Cuốn sách sẽ được dịch ra tiếng Anh. Sách sẽ được gửi tới các thư viện trong cả nước, được bán tại các hiệu sách… Sách cũng được gửi tới các nhà nghiên cứu, học giả của TQ để họ tìm hiểu, nghiên cứu.

Nội dung tư liệu Hán Nôm ghi việc giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ở Biển Đông cho các thế hệ người VN cũng được các triều đại phong kiến chú ý.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Mạnh, trong các tài liệu Hán Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu cũng đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa, như sách Khải đồng thuyết ước; Tu thân luân lý khoa…

Những dẫn chứng trên cho thấy, nhà nước phong kiến VN luôn có ý thức bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của VN ở biển Đông. Hai quần đảo này từ rất lâu đã trở thành địa điểm cư trú của cư dân VN sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học VN.

Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, chúng ta có đủ bằng chứng có giá trị, chứng minh một cách thuyết phục về chủ quyền của nhà nước VN đối với hai quần đảo này. Đây là những căn cứ vững chắc về lịch sử, khoa học và pháp lý- PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh nói.

“Đến năm 1906 sách giáo khoa địa lý của TQ là cuốn TQ địa lý học giáo khoa thư viết: "Điểm cực nam của TQ là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18"”, PGS. TS Ngô Văn Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực 3 cho biết. Ông so sánh: “Trong khi đó từ thời Nguyễn, Nhà nước đã đưa kiến thức về quần đảo Hoàng Sa vào sách dạy cho học trò”.

Kiên Trung - Theo VOV