Với cấu tạo cơ thể, môi trường sống và tập tính riêng biệt, những loài động vật hoang dã vẫn luôn là một bí ẩn lớn trong mắt con người. Bộ ba sách khoa học thường thức mới phát hành của Phương Nam sẽ giúp khám phá thế giới bí ẩn của ba loài vật bạch tuộc, hải ly và chim chóc đến từ ba môi trường sống khác nhau: đại dương, đất liền và không trung.

{keywords}
Ba cuốn sách về những loài động vật hoang dã

Trong nền văn hóa phương Tây từ truyền thuyết, văn học cho đến phim ảnh, bạch tuộc thường bị khắc họa như những con quái vật hung tợn chuyên làm đắm tàu và lôi kéo các thủy thủ bất hạnh xuống lòng đại dương.

Thế nên nhà tự nhiên học Sy Montgomery đã viết cuốn sách Tâm tư của bạch tuộc để mở ra góc nhìn mới về loài thân mềm này. Cô kết bạn với những con bạch tuộc có tính cách đặc biệt ấn tượng – Athena hiền lành, Octavia quyết đoán, Kali hiếu kỳ và Karma vui vẻ. Mỗi sinh vật đều thể hiện sự thông minh của mình theo nhiều cách: thoát khỏi vòng vây như đười ươi và không ngừng dùng chiêu lừa những người bạn đồng hành để kiếm thức ăn.

"Nhưng trong số tất cả sinh vật trên hành tinh có năng lực tưởng tượng những thứ trong đầu sinh vật khác, loài thực hiện tốt nhất có lẽ là bạch tuộc... Một con bạch tuộc phải thuyết phục nhiều loài săn mồi và con mồi rằng nó thực sự là thứ gì đó khác. Nhìn xem! Mình là một đốm mực. Không, mình là san hô này! Không, mình là tảng đá cơ! Bạch tuộc phải đánh giá xem liệu con vật kia có tin vào mưu mẹo của nó hay không, nếu không, thử cách khác ngay"(trích đoạn).

Ngày xưa, chim chóc bị xem là loài vật kém thông minh với bộ não bé, “não chim” (birdbrain) là cụm từ dùng để ám chỉ những người ngốc nghếch. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã chứng minh chim chóc có trí tuệ điêu luyện không thua kém các loài linh trưởng. Xuyên suốt cuốn sách Chim chóc chưa bao giờ ngốc, tác giả Jennifer Ackerman phơi bày trước mắt người đọc vô vàn năng lực thần kỳ của loài chim, từ khả năng toán học, âm nhạc, ngôn ngữ cho đến khiếu thẩm mỹ đặc biệt của chúng.

"Não chim có lẽ nhỏ, nhưng rõ ràng là “có võ”. Thật ra, ít có loài nào khác vừa có vẻ cẩn trọng lại vừa hoạt bát và tài năng và được trời phú cho nghị lực bền bỉ đến thế... Chim chóc đã tồn tại trong hơn 100 triệu năm. Chúng là một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất của tự nhiên, phát minh ra những chiến lược sinh tồn mới, kiểu khôn khéo đặc trưng của riêng chúng mà, ít nhất ở một số khía cạnh, dường như vượt xa sự khôn khéo của loài người"(trích đoạn).

Với bản tính nghịch ngợm, hải ly bị đồn thổi là loài gặm nhấm gây hại bậc nhất nước Mỹ và cũng là đối tượng thường bị các thợ săn truy lùng, nhưng ít ai công nhận chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cảnh quan sinh thái hiện đại.

Trong tác phẩm Đế chế hải ly, Ben Goldfarb đưa người đọc chu du khắp các vùng hoang dã của Mỹ chỉ để chứng minh rằng loài gặm nhấm này là những kỹ sư xây đập hàng đầu. Những công trình của hải ly giúp trữ nước, kiến tạo đồng lầy, ngăn chặn lũ lụt, cháy rừng và mang đến môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật khác.

"Hợp tác với hải ly là nhận ra giới hạn quyền thống trị được thần thánh ban tặng của chúng ta, thừa nhận rằng điều tốt nhất chúng ta có thể làm với nhiều cảnh quan thiên nhiên là chuyển sự cứu rỗi chúng cho một loài động vật có vú có tầm nhìn sinh thái khác biệt rất lớn với chúng ta. Điểm đặc trưng của giống loài Homo sapien là tính kiêu ngạo; thế nên việc chuyển giao quyền lực cho hải ly là một hành động thể hiện sự khiêm tốn sâu sắc của loài người chúng ta. Hãy để loài gặm nhấm này hành động" (trích đoạn).

Đ.N

Ra mắt sách 'Mãi mãi một tình yêu'

Ra mắt sách 'Mãi mãi một tình yêu'

'Mãi mãi một tình yêu' gồm các tác phẩm âm nhạc và sân khấu hướng đến kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước chính thức được ra mắt công chúng.