-“Văn hóa chẳng cứu vớt được gì cũng chẳng cứu vớt được ai, nó không bào chữa được. Nhưng đó là một sản phẩm của con người: con người tự chiếu mình vào đó, nhận ra mình trong đó; duy nhất chỉ có nó, tấm gương phê phán ấy cho con người thấy hình ảnh của mình” -  tác giả Jean-Paul Sartre viết trong cuốn sách mới Ngôn từ.

Ngôn từ của tác giả Jean-Paul Sartre là một tự truyện không có những hoài niệm, dẫu ngậm ngùi cay đắng hay cảm động ngọt ngào. Sartre không hoài niệm, ông mổ xẻ, phân tích, giải mã tuổi thơ của mình bằng con mắt sắc sảo, tỉnh táo và đầy trải nghiệm của một nhà văn đứng tuổi, đứng tách hẳn khỏi cậu bé "ngông cuồng" là chính mình ngày xưa - để đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi lớn: Điều gì đã thúc đẩy ông đến với nghiệp văn chương? Sự phân tích, đánh giá rất “lạnh lùng” ấy đã đem lại sắc thái đặc biệt cho Ngôn từ: một giọng điệu nổi bật là hài hước, mỉa mai, chế nhạo (chủ yếu là tự chế nhạo), xen lẫn với những suy tư triết học vừa chặt chẽ logic vừa phức tạp rắm rối nhưng đầy cuốn hút, câu chuyện về tuổi thơ của Sartre trở nên giống một tác phẩm châm biếm, một tiểu thuyết triết lý, hơn là một tự truyện.

{keywords}

Ngay khi vừa ra mắt, Ngôn từ lập tức được đón nhận nồng nhiệt và đã góp phần quan trọng trong việc giải Nobel văn học được trao cho Sartre sau đó ít lâu. Giới phê bình văn học Pháp coi đây là "kiệt tác của tự truyện thế kỷ 20", một sự đánh giá mà thoạt nhìn có vẻ như "quá cỡ" đối với một cuốn sách nhỏ chỉ chừng 200 trang, nội dung chỉ giới hạn ở hơn chục năm đầu đời của tác giả - từ 1905 đến 1917, - khiêm tốn hơn nhiều so với cái dự án quy mô ban đầu của chính Sartre về một tác phẩm "tự truyện xã hội-chính trị" trải dài qua mấy chục năm với nhiều biến cố lịch sử trọng đại.

Báo chí Pháp đã bình luận: Ngôn từ được viết bằng một văn phong sắc sảo, châm biếm, chính xác và không có lấy một chút thống thiết giả tạo", "Với Ngôn từ, Sartre đã kết hợp thành công tiểu thuyết với tự truyện và khiến tác phẩm trở thành một trong những cuốn sách khó đọc bán chạy nhất thế giới”.

Jean-Paul Sartre (1905-1980) đã lấy bằng thạc sĩ triết học vào năm 1929. Đây cũng chính là thời kỳ ông quen Simone de Beauvoir - triết gia, nhà văn nổi tiếng nước Pháp, người đã nhìn thấy ở Sartre một “bản sao đáp lại những mơ ước của mình thời niên thiếu”, đồng thời cũng thừa nhận “bản sao” này hơn mình cả cái đầu. Đó là người đã bất chấp mọi sóng gió, dan díu, ghen tuông và can gián bạn bè, để đi với Sartre đến tận những ngày cuối đời ông.

T.Lê