Trở lại Mỹ, CIA đã bắt tay với Đơn vị Hóa học của Quân đội tại Trại Detrick, bang Maryland để nghiên cứu và phát triển thêm về các loại thuốc hóa học tác động lên não.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Các nhà khoa học và điệp viên chiến trường đã được chọn lọc từ vô số nhà vi khuẩn học và hóa học cấp cao của quân đội. Những người này sau đó được bổ nhiệm vào trong một đơn vị được gọi là Bộ phận Tác chiến Đặc biệt, trực thuộc CIA.
Hình minh họa từ một poster của phát xít Đức. Ảnh: Business Insider. |
Các chuyên gia làm việc bên trong một cơ sở bí mật là Tòa nhà số 439. Tòa nhà một tầng này không khác gì với các tòa nhà khác ở trại Detrick. Hầu như không có ai bên ngoài Bộ phận Tác chiến Đặc biệt biết về công việc ‘Tối mật’ đang diễn ra bên trong tòa nhà này.
Một trong những điệp viên này là Tiến sĩ Harold Batchelor, nhà khoa học của Mỹ có nhiệm vụ tham vấn với bác sĩ và là người từng làm cho quân y của Phát xít Đức – Tiến sĩ Kurt Blome. Một điệp viên khác của bộ phận này là Tiến sĩ Frank Olson – cựu quân nhân và là nhà vi khuẩn học chuyển sang làm điệp viên. Olson bất ngờ qua đời vì nhiễm độc LSD, và suýt nữa thì làm hại cả CIA vào năm 1953.
Batchelor và Olson đều được bổ nhiệm vào chương trình ở Trại Vua (Đức). Tiến sĩ Blome là giám đốc vật lý tại trại này. Theo những tài liệu và phỏng vấn từ cộng sự cũ của Olson là Norman Cournoyer, nhiệm vụ của những nhà khoa học này là sử dụng các kỹ thuật phi truyền thống để thẩm vấn các tù binh Liên Xô, sau khi đã đầu độc họ bằng LSD.
Tháng 4/1950, Frank Olson nhận được hộ chiếu ngoại giao. Bản thân Olson không phải là nhà ngoại giao, nhưng tấm hộ chiếu này cho phép ông mang các thứ đồ đặc biệt trong một chiếc cặp ngoại giao và không bị hải quan khám xét. Frank Olson bắt đầu các chuyến đi tới Đức, bay tới Frankfurt và tới ngay Trại Vua.
Trong một tài liệu chính thức hiếm có còn sót lại từ chương trình này, Phó Giám đốc Tình báo Allen Dulles đã gửi một mật thư cho Richard Helms và Phó Giám đốc CIA chịu trách nhiệm Lên kế hoạch là Frank Wisner liên quan tới các loại kỹ thuật đặc biệt có thể áp dụng cho tù nhân Liên Xô.
“Trong cuộc trao đổi giữa chúng tôi vào ngày 9/2/1951, tôi đã phác thảo với các anh về khả năng tăng cường các biện pháp thẩm vấn bằng cách sử dụng thuốc, thôi miên, gây sốc… và nhấn mạnh vào các khía cạnh phòng thủ cũng như cơ hội tấn công trong lĩnh vực khoa học y học ứng dụng này” – Dulles viết.
“Trong tệp tài liệu mật ‘Các kỹ năng thẩm vấn’ do Bộ phận Y tế của tôi chuẩn bị sẽ cung cấp cho các ngài thông tin cần thiết và phù hợp”. Dulles giải thích Trại Vua là địa điểm hoàn hảo để tiến hành những thử nghiệm triệt để này. Những địa điểm ở nước ngoài thường được dùng cho thẩm vấn Artichoke sau khi mà các chính phủ nước ngoài ‘cho phép một số hoạt động mà chính phủ Mỹ không chấp thuận (như bệnh than)’.
Chuyến đi kế tiếp của Frank Olson diễn ra vào ngày 12/6/1952. Frank Olson từ sân bay quân sự Hendon (Anh) tới Frankfurt và tới ngay Oberursel. Tại đây, các cuộc thẩm vấn Artichoke được tiến hành tại một căn nhà an toàn là Haus Waldorf.
“Từ 4-18/6/1952, một nhóm IS&O [Điều tra CIA và Nhân viên An ninh]… đã áp dụng các kỹ thuật thẩm vấn Artichoke lên hai trường hợp tại một ngôi nhà an toàn” – trích thư báo Artichoke gửi cho Giám đốc CIA Dulles và một trong rất ít thư báo chưa bị hủy của Richard Helms khi ông này còn là giám đốc của CIA. Hai người bị thẩm vấn tại ngôi nhà ở Trại Vua này ‘được xếp hạng là các điệp viên vào loại chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm và bị tình nghi làm việc cho tình báo Liên Xô’.
Những điệp viên này bị tình báo Đức quốc xã (Tổ chức Gehlen) bắt, sau này do CIA điều hành. “Trong vụ thứ nhất, việc kết hợp sử dụng các liều thuốc nhẹ và biện pháp thôi miên sẽ dẫn tới tình trạng thôi miên hoàn toàn” – trích bản ghi nhớ. “Tình trạng thôi miên này kéo dài khoảng hơn một giờ 40 phút thẩm vấn và sau đó (người bị thẩm vấn) sẽ quên hoàn toàn”.
Kế hoạch tăng cường chương trình thẩm vấn này đáng ra sẽ còn tiếp diễn, bao gồm việc đánh thuốc các điệp viên, thẩm vấn và khiến họ hoàn toàn quên quá trình đó. Thay vào đó, chương trình lại gây ra những vấn đề gây tranh cãi và mở ra một trong những chương trình khét tiếng nhất của CIA thời Chiến tranh Lạnh, là MKULTRA.
LSD là thứ thuốc gây ra bệnh hoang tưởng và tình trạng khó đoán, khiến mọi người nhìn thấy những thứ không thật sự tồn tại. Thứ thuốc này đã có thể trở thành một câu chuyện hoang đường kỳ lạ cho thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong một báo cáo của CIA được giải mật và chia sẻ trong Quốc hội Mỹ nhiều thập kỷ sau đó, vào năm 1977, có nói về những nỗi sợ hãi của tình báo Mỹ về các kế hoạch của Liên Xô.
Mỹ sợ rằng Liên Xô có thể sử dụng LSD để chống lại Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh: “Liên Xô mua một lượng lớn LSD-25 từ Công ty [Dược phẩm] Sandoz [nguồn cung LSD duy nhất vào lúc đó]… nghe đâu đủ dùng cho 50 triệu liều”. CIA tin rằng Liên Xô có thể đầu độc hàng triệu người Mỹ bằng LSD thông qua hệ thống cung cấp nước trong một cuộc tấn công bí mật kiểu tình báo.
Thông tin sau đó cho thấy nhà phân tích của CIA viết báo cáo này đã mắc lỗi số thập phân khi tính toán liều lượng LSD mà Liên Xô mua. Thực tế, Liên Xô chỉ mua LSD của hãng Sandoz một lượng thuốc đủ cho vài ngàn thử nghiệm – nhỏ hơn rất nhiều so với con số 50 triệu liều mà CIA báo cáo ban đầu.
Tựu chung lại, mưu đồ với LSD là một kế hoạch kỳ dị diễn ra trong một khoảng thời gian kỳ lạ. Chiến tranh Lạnh trở thành một chiến trường hiện hữu trong chính lối nói ‘lá mặt lá trái’. Khi đó, mưu mô, mánh khóe, xảo trá trở thành cái có thật. Còn sự thật lại ấp ủ trong những liều huyết thanh. Sinh ra từ những đống tro tàn của Thế chiến II, Operation Paperclip được ươm mầm từ chính khán phòng phản chiếu sự thật này. Khi chương trình này sinh trưởng, bản thân nó đã tạo ra những con quỷ dữ của riêng mình.
Lê Thu (theo The Daily Beast/ Business Insider)