Các công nhân cho biết, họ đã bị lừa gạt tiền lương, bị tịch thu hộ chiếu và bị dọa nạt phải trả những khoản phạt lớn nếu muốn quay lại Nepan trước khi hợp đồng lao động kết thúc. Nhóm công nhân tố cáo cũng nói rằng họ bị ép buộc phải làm việc 14 tiếng và không được nghỉ ngơi đầy đủ nhằm trả khoản phí tuyển dụng lên tới 1.000 bảng Anh. Những công nhân bị yêu cầu phải trả khoản tiền này mới được đảm bảo công việc. 

"Tôi cảm thấy bị tổn thương, không được giao làm công việc như họ hứa hẹn. Tôi phải làm những việc nặng nhọc và không được trả mức lương như họ nói ban đầu" - một công nhân cho biết. 

Theo trang Guardian, họ đã phỏng vấn 30 công nhân người Nê-pan đang làm công nhân cho Samsung và Panasonic. Một phần nhỏ trong số các lao động này được Samsung trực tiếp tuyển dụng còn lại phần lớn là công nhân được thuê bởi một 1 công ty khác vốn là nguồn cung lao động cho Samsung. Với Panasonic, công nhân lắp ráp linh kiện được thuê về bởi các nhà thầu phụ. 

Cả Samsung và Panasonic đều cấm các nhà cung cấp của mình trong việc tịch thu hội chiếu hoặc thu phí tuyển dụng đối với công nhân nhập cư. Tuy nhiên, tất cả công nhân được phỏng vấn nói rằng họ phải trả tới 1.000 bảng Anh cho các nhà tuyển dụng ở Nê-pan để đảm bảo công việc tại Malaysia. Công nhân cũng cho biết hộ chiếu của họ bị tịch thu khi đến Malaysia, điều bất hợp pháp với luật lao động Malaysia.  

Công nhân cho biết điều này khiến họ bị hạn chế sự tự do di chuyển, đồng thời dẫn tới nguy cơ bị chính quyền tại Malaysia bắt giữ. Với việc không có hộ chiếu, công nhân muốn rời nơi làm việc về nhà phải trả mức phạt tương đương 3 đến 4 tháng lương cơ bản. 

Cả Samsung và Panasonic nói rằng họ đang mở các cuộc điều tra nhằm vào các nhà cung ứng của mình sau các cáo buộc nói trên. 

Theo các tổ chức về quyền lao động tại Malaysia, việc sử dụng các công ty cung ứng lao động và nhà thầu phụ là điều khá phổ biến của các công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Malaysia để xuất khẩu. Tuy nhiên, hệ thống này dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng lao động. 

Các công nhân lắp ráp linh kiện cho Samsung nói rằng họ bị các giám sát viên tại công ty cung ứng lao động đe dọa khi họ không hài lòng với công việc và muốn quay về nhà. "Nếu không làm việc hoặc bỏ việc mà không trả tiền phạt, hãy cẩn thận nếu không sẽ phải bỏ mạng tại Malaysia" - một công nhân cho biết.  

Công nhân còn tố họ bị lừa dối về bản chất công việc và điều kiện làm việc. Công nhân bị các cơ quan tuyển dụng ép phải trả các khoản phí bất hợp lý. Một số công nhân nói rằng, mức lương mà nhà tuyển dụng hứa hẹn với họ khi còn ở Nê-pan là cao hơn so với những gì họ nhận được tại Malaysia. 

"Nhà thầu lao động tại Nê-pan dùng cái tên Samsung để lừa đảo mọi người. Chúng tôi đã bị lừa nhưng không muốn những người khác cũng thế" - một công nhân thổ lộ. 

Các công nhân người Nê-pan khác nói rằng họ phải trả 90.000 đến 115.000 rupee cho một agency tuyển dụng lao động do Samsung sử dụng ở Kathmandu. Con số này cao hơn mức phí trần cho tuyển dụng năm 2015 do chính phủ Nê-pan đề ra chỉ là 10.000 rupee. 

"Tôi phải trả 115.000 rupee nhưng cơ quan tuyển dụng chỉ cho hóa đơn 10.000 rupee. Họ nói tôi rằng nếu bị giữ lại ở sân bay hãy nói rằng đây là tất cả số tiền mà tôi phải trả" - một công nhân làm việc cho nhà máy sản xuất lò vi sóng của Samsung cho biết. "Tôi biết rằng cơ quan này đang lừa đảo mình, thế nhưng tôi chẳng biết phải làm gì". 

Một người đại diện Samsung cho biết: "Là thành viên của Liên minh Quyền công dân Ngành công nghiệp điện tử (EICC), chúng tôi tuân thủ đầy đủ các quy tắc ứng xử của EICC và không tìm thấy bằng chứng chứng minh có vi phạm trong quy trình tuyển dụng lao động nhập cư của nhà máy sản xuất tại Malaysia. Khi có bất kỳ khiếu nại nào, chúng tôi sẽ nhanh chóng tiến hành điều tra". 

"Chúng tôi đang mở các cuộc điều tra tại chỗ với các công ty cung ứng lao động mà Samsung đang hợp tác ở Malaysia cũng như điều tra các lao động nhập cư mà công ty cung ứng thuê về. Nếu có bất kỳ vi phạm nào được phát hiện, Samsung sẽ có giải pháp khắc phục đồng thời sẽ ngừng hợp tác với nhà cung ứng". 

Với công nhân làm việc cho Panasonic, một công nhân phản ánh rằng anh ta bị ép buộc phải làm việc 14 tiếng trong nhiều tuần liên tục để trả tiền cho nhà tuyển dụng ở Nê-Pan. Một số lao động nói rằng dù đã làm việc ở Malaysia 15 tháng nhưng còn lâu họ mới trả hết số tiền nợ. Với các công nhân muốn nghỉ việc trước hạn trong hợp đồng, họ bị yêu cầu phải trả khoản tiền tương đương 3 đến 4 tháng lương cơ bản. "Nếu có cách để trở về, tôi sẽ bỏ việc ngay lập tức bởi tôi đang bị cho vào cái bẫy của những khoản nợ. 95% công nhân ở đây cũng sẽ làm như tôi vậy" - một người lao động đến từ Nê-pan chia sẻ. 

Công nhân lắp ráp linh kiện cho Panasonic ở phía nam thành phố Johor Bahru nói rằng thỉnh thoảng họ chỉ nhận được khoản lương 133 bảng Anh/tháng, tức chỉ 1 nửa so với mức lương mà nhà tuyển dụng hứa hẹn. Khoản lương bèo bọt này được áp vào thời điểm việc sản xuất bị chậm lại do lượng đặt hàng giảm xuống. 
"Chúng tôi biết thu nhập của mình ở dưới mức lương trung bình nhưng chẳng thể làm gì khác. Chúng tôi cảm thấy tình hình thật tệ khi mà mình phải trả một khoản nợ lớn. Bạn phải làm việc trong 3 năm để trả hết nợ" - một công nhân thổ lộ. 

Cuộc sống của công nhân làm trong các dây chuyền sản xuất cũng rất khó khăn. Người lao động sống trong những căn nhà tạm bợ trong một khu công nghiệp ở Johor. 14 nam công nhân phải nhồi nhét trong một căn phòng ẩm mốc. Họ phải dùng chung 1 nhà vệ sinh đã nhiều hỏng hóc và chỉ có 2 bồn tắm. Nhà vệ sinh này thì lại nằm đối diện khu vực nấu nướng vốn chỉ có một chiếc bếp ga duy nhất. 

Trong một thông cáo phát đi, Panasonic cho biết sẽ tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ đối với các cáo buộc được báo chí đăng tải. Nếu phát hiện sai phạm, hãng sẽ yêu cầu nhà cung ứng phải có hành động khắc phục ngay lập tức. 

Giới công nhân cũng than phiền về điều kiện làm việc bên trong các nhà máy. "Công việc của chúng tôi rất vất vả" - một công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất lò vi sóng của Samsung phản ánh. "Bạn chỉ có 45 phút trong ca làm việc 12 tiếng để ăn uống, và cứ mỗi 2 giờ bạn chỉ có 7 phút để uống nước". 

Những công nhân làm việc cho Panasonic thì nói rằng họ phải đứng cả ngày mà không được nghỉ giải lao đầy đủ. Một công nhân nói rằng họ chỉ được phép dừng công việc để đi vệ sinh 2 lần trong ca làm việc 12 tiếng.  

Ngành điện tử tại Malaysia, vốn chiếm gần 35% giá trí xuất khẩu của quốc gia này, trong thời gian qua bị nhiều tổ chức thế giới "để mắt" vì tình trạng đối xử với người lao động nhập cư. Năm 2014, một báo cáo của Verité cho biết gần 1/3 lao động ở mảng điện tử tại Malaysia là lao động cưỡng bức. "Các công ty làm việc tại Malaysia phải biết rằng, quy trình điều hành chuẩn cho các nhà thầu lao động là gán nợ và điều này sẽ gây ra các hệ quả. Đưa công nhân từ Nê-pan sang làm việc tại nhà máy ở Malaysia là việc làm mất chi phí. Nếu các chi phí này không tính vào giá những chiếc điện thoại, lò vi sóng, hay loa, thì có nghĩa là nhà sản xuất cũng đang ngầm đồng ý rằng công nhân chính là những người phải trả" - Phil Robertson, Phó Giám đốc tổ chức Human Rights Watch tại châu Á cho biết.