Luật sư của Apple tuyên bố Samsung đã cố tình sao chép iPhone do không thể hình dung ra cách đối phó và cạnh tranh với đối thủ. Chính vì lẽ này, Apple đòi Samsung phải trả cho cho hãng 2 tỷ USD tiền "bồi thường tổn thất".
Tranh minh họa phiên tòa xử mới nhất trong cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Samsung. Trong ảnh là luật sư McElhinny đang trình bày. |
Mở màn phần tranh luận, ông Harold McElhinny, một trong những luật sư chính đại diện cho Apple trong vụ kiện vi phạm bằng sáng chế chống lại Samsung, cho rằng Samsung đã nhận ra hãng này "đơn giản là không thể có được một sản phẩm cạnh tranh thành công với iPhone". McElhinny đã dẫn ra một số tài liệu nội bộ của Samsung, trong đó có một trang ghi lại các lời bình luận của J.K.Shin, Chủ tịch mảng di động của Samsung, rằng đại gia Hàn Quốc đang phải hứng chịu "một cuộc khủng hoảng về thiết kế" và cần phải tìm ra cách đáp trả Apple sớm nhất.
"Những bằng chứng trong vụ việc này cho thấy Samsung đã sao chép iPhone và nhiều phát minh mới khác của Apple", ông McElhinny kết luận.
Gần 2 năm sau khi Apple và Samsung đối mặt trong một cuộc chiến bằng sáng chế phức tạp, rối rắm, nảy lửa, hai hãng này đã quay trở lại chính án đường đó tại San Jose, California, để một lần nữa tranh luận về chuyện bản quyền trước thẩm phán liên bang Lucy Koh. Apple tiếp tục buộc tội Samsung vi phạm 5 bằng sáng chế liên quan đến iPhone, cần câu cơm chủ lực của Táo khuyết tại thời điểm này. Về phần mình, Samsung cũng muốn Apple phải trả 7 triệu USD vì vi phạm 2 bằng sáng chế do Samsung nắm giữ.
Theo lời McElhinny thì Samsung đã bán được hơn 37 triệu thiết bị phạm luật. Nếu như hai bên đàm phán trước về phí license, Samsung sẽ phải trả trung bình 33 USD mỗi thiết bị, tức 2 tỷ USD cho tổng thiết bị - để đổi lấy quyền sử dụng 5 bằng sáng chế này. Đây là một mức phí "cực kỳ cao", theo đánh giá của các chuyên gia.
Thừa nhận rằng con số "tổn thất" mà Apple đưa ra là cao nhưng McElhinny giải thích rằng "do thành công của những tính năng này trên thị trường, cũng như tầm quan trọng của iPhone đối với Apple nên Apple không chấp nhận bán phí license thấp hơn cho những bằng sáng chế này". Ông cũng hy vọng đến cuối phiên tòa, bồi thẩm đoàn sẽ "hiểu được lý do Apple lại đòi bồi thường vụ này nhiều là vì Samsung đã vi phạm trên quy mô rất rộng".
Theo ước tính của Apple, có khoảng 10% người dùng Samsung lẽ ra đã mua iPhone nếu như những sản phẩm "na ná, tương tự" của Samsung không xuất hiện. McElhinny cũng lưu ý rằng trong các tài liệu nội bộ khác của Samsung, đại gia Hàn Quốc tin rằng "phần mềm là động lực giá trị mới" và các tính năng mà Apple nắm quyền sở hữu lại giữ vai trò quyết định một sản phẩm thành công. Chẳng hạn như tính năng tìm kiếm toàn cầu đã bị tắt đi sau khi Apple khởi kiện Samsung nhưng không lâu sau lại được kích hoạt lại vì người dùng "kêu" quá nhiều.
Bill Lee, một luật sư khác của Apple nói rằng hai bằng sáng chế mà Samsung cáo buộc Apple vi phạm thực ra là những bằng sáng chế được mua sau khi Apple đã kiện Samsung. Các kỹ sư Apple hoàn toàn không hay biết gì về những bằng sáng chế này tại thời điểm họ phát triển iPhone.
Các luật sư của Apple sẽ có 90 phút để trình bày vấn đề từ góc độ Apple, sau đó đến lượt Samsung đáp trả trong cũng chừng đó thời gian.
Phiên xử mới nhất trong cuộc đấu pháp đình lắm chương nhiều hồi giữa Apple và Samsung diễn ra từ hôm qua, với bồi thẩm đoàn gồm 10 người, 6 nữ và 4 nam, được chọn ra từ 140 ứng cử viên tiềm năng. Dù bồi thẩm đoàn gồm những người đang sống và làm việc tại thung lũng Silicon nhưng đa số họ đều không có xuất xứ từ công nghệ. Chẳng hạn một người đang là cảnh sát, người khác là giáo viên đã nghỉ hưu mê nhảy salsa và một người nữa là trợ lý kiểm toán.
Cả Apple lẫn Samsung đều cáo buộc đối phương sao chép các tính năng được sử dụng trong những sản phẩm ăn khách của mình, và nhiệm vụ của bồi thẩm đoàn là quyết định bên nào thực sự vi phạm, cũng như số tiền phải nộp phạt là bao nhiều.
Trong số các thiết bị tranh cãi có iPhone 5 và Samsung Galaxy S3.
T.C