Kết quả kinh doanh quý mới nhất của Samsung lại tiếp tục gây thất vọng, bất chấp lễ ra mắt hoành tráng của bộ đôi smartphone đầu bảng mới Galaxy S6 và S6 Edge.

{keywords}

Có vẻ như kỳ vọng mà Samsung dành cho S6 vẫn vượt quá năng lực thực tế của chúng. Theo kết quả tài chính Q2, lợi nhuận Samsung tiếp tục giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp mà lợi nhuận Samsung đi xuống, đồng thời doanh thu cũng giảm từ 52,35 nghìn tỷ won xuống còn 48,54 nghìn tỷ.

Lời giải thích do chính Samsung đưa ra là "sức cầu thị trường chững lại và chi phí marketing tăng cao để hỗ trợ các đợt phát hành sản phẩm mới" đã khiến cho tầm ảnh hưởng của bộ đôi S6 lên tình hình kinh doanh của hãng bị thu hẹp.

Dù Samsung không công bố doanh số cụ thể, song hãng nghiên cứu Strategy Analytics ước tính rằng, trong vòng 1 năm qua, lượng smartphone Samsung xuất xưởng đã giảm từ 95,3 triệu máy xuống còn 89 triệu chiếc. Còn Wall Street Journal thì chỉ ra rằng, lợi nhuận của mảng di động Samsung đã giảm tới 37,6% so với thời điểm này năm ngoái.

Bên cạnh đó, việc Samsung đánh giá sai sức cầu dành cho bộ đôi bom tấn S6 cũng ảnh hưởng trực tiếp vào kết quả doanh thu. S6 Edge có giá bán đắt hơn S6, nhưng màn hình cong độc đáo và thiết kế bắt mắt của nó lại thu hút được người dùng. Theo một bài báo của WSJ hồi đầu tháng, Samsung ước lượng sức cầu của S6 Edge so với S6 sẽ chỉ là 1:4, tức là cứ 4 con dế S6 bán được thì mới có 1 con dế S6 Edge tiêu thụ. Thế nhưng trên thực tế, S6 Edge đắt khách hơn rất nhiều và nguồn cầu gần như tương đương với S6. Hậu quả là Samsung bị động, lượng hàng S6 thì tồn kho trong khi nguồn cung S6 Edge ra thị trường lại không đủ để đáp ứng các đơn đặt hàng.

Một chuyên gia công nghệ là Ben Thompson nhận định rằng, Samsung đã không còn giỏi trong việc nhận biết sở thích của người dùng như trước đây nữa. "Người dùng chỉ mua những con dế Android cao cấp nhất, trong trường hợp này chính là Edge. Bất cứ ai quan tâm về giá sẽ không tiết kiệm 100 USD và mua S6 bản thường, mà họ sẽ tiết kiệm 500 USD để mua một con dế Android tầm trung "ngon, bổ, rẻ", Thompson phân tích.

Mặc dù vậy, tin an ủi cho Samsung là sức cầu vượt xa nguồn cung đối với S6 Edge. Rõ ràng, người dùng vẫn muốn sở hữu điện thoại Samsung và những con dế mà Samsung đầu tư đúng mức vẫn đủ sức lôi cuốn đông đảo người dùng. Nhưng rõ ràng, vấn đề khan hàng là hoàn toàn có thể tránh được nếu tính toán chính xác.

Ở phân khúc bình dân, Samsung đang phải đối mặt với sức ép chưa từng có từ những cái tên như Xiaomi hay Huawei (hãng vừa mới giật mất danh hiệu nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới từ tay Microsoft). Việc Samsung lựa chọn hệ điều hành Android khiến cho hãng gặp khó trong việc tạo bản sắc riêng, phân biệt với các đối thủ giá rẻ này. Xiaomi, rồi Huawei đang bán những con dế có cấu hình chỉ kém hơn Samsung chút đỉnh với giá tiền chỉ bằng một nửa, nên nhanh chóng ăn xói vào thị phần của đại gia di động Hàn Quốc.

Trong lúc đó, ở phân khúc cao cấp, Apple tiếp tục vươn lên những đỉnh cao mới. Nhờ vào thành công nổi trội của iPhone 6, Táo khuyết đã công bố một quý lãi nhất từ trước tới nay, với 47,5 triệu iPhone xuất xưởng chỉ trong vòng 3 tháng.

Tất nhiên, Samsung vẫn có lợi nhuận và S6 Edge vẫn hút khách. Điều này trái ngược với tình cảnh của HTC, một thương hiệu smartphone cao cấp khác, đang lỗ tới 166 triệu USD trong quý II/2015 và con dế đầu bảng HTC One M9 thậm chí chẳng được ai đoái hoài đến.

Chỉ có điều, Samsung từng kỳ vọng S6 sẽ giúp hãng xoay chuyển tình thế, rút ngắn khoảng cách so với Apple nhưng kịch bản này đã không thể trở thành hiện thực mà thôi.

T.C