Sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) sẽ là khu vực đầu tiên được tiến hành xử lý ô nhiễm chất độc dioxin do quân đội Mỹ để lại trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam.

Hợp phần xử lý dioxin tại sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) là một trong những nội dung của Dự án “Xử lý ô nhiễm dioxin tại các vùng nóng” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Dự án này được triển khai tại Việt Nam trong thời gian 4 năm (từ 2010) với tổng ngân sách 4,9 triệu USD. Cơ quan thực hiện là Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (Bộ Tài nguyên Môi trường) với sự phối hợp chặt chẽ của UNDP tại Hà Nội và một số cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng.

Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Mục tiêu của dự án là xử lý triệt để ô nhiễm dioxin trong các sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát (từ năm 2010 đến 2015), trong đó có một số mục tiêu cụ thể: Xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát, nghiên cứu xác định lại quy mô và mức độ ô nhiễm dioxin (đặc biệt là 13 hồ nước trong sân bay Biên Hòa); nghiên cứu lựa chọn công nghệ xử lý chất da cam/dioxin; hỗ trợ Bộ Quốc phòng xây dựng dự án tổng thể xử lý ô nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa; hỗ trợ dự án xử lý ô nhiễm dioxin trong sân bay Đà Nẵng với kinh phí của Chính phủ Mỹ.

Sân bay Phù Cát được quân đội Mỹ sử dụng làm nơi tập kết máy bay đi phun rải chất diệt cỏ trong thời gian chiến tranh. Do quá trình nạp, rửa máy bay trước và sau khi phun rải đã làm cho một số vùng trong sân bay bị ô nhiễm dioxin.

Tại sân bay Phù Cát có bốn khu vực bị nhiễm dioxin: khu kho chức (Z3), khu đệm (khu lan tỏa), khu bể sa lắng (cống lọc) và khu Z9 (khu đông nam và đông bắc sân bay).

Lượng đất ô nhiễm dioxin (5.400m3 đất) sẽ được chôn lấp trong một hố chìm có mái rời và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của một hố chôn chất thải nguy hại đặc biệt. Đây được đánh giá là phương án khả thi, tiết kiệm được nhiều chi phí xây dựng hạ tầng, có quan trắc và giám sát môi trường, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro, tiết kiệm đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong sân bay.

Khu chôn lấp ở rất xa khu dân cư có diện tích 5.600m2, ở độ cao 30m về phía Đông Bắc sân bay và cách đường nội bộ 60m. Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học – Bộ Quốc phòng) thực hiện kỹ thuật thiết kế.

Thời gian của dự án xử lý dioxin tại sân bay Phù Cát là sáu tháng (từ cuối năm 2011 đến giữa năm 2012). Khi dự án hoàn thành, sân bay Phù Cát sẽ được đưa ra khỏi danh sách các điểm nóng ô nhiễm dioxin.

  • Kiên Trung