Chuyện văn hoá golf chỉ là một phần trong cuộc chơi của các golfer, còn chuyện về kỹ năng chơi cũng là một vấn đề. Với cách chơi golf theo kiểu “cuốc đất… trồng khoai”, nhiều tay golf vụt những nhát gậy không thương tiếc vào thảm cỏ xanh mịn.

Từ một môn thể thao sang trọng lịch lãm với vô số chuẩn mực văn hoá, khi du nhập vào Việt Nam, với không ít người, golf đã trở thành môn thể thao… “cuốc đất” đúng với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Chiều muộn tấp qua sân Long Biên gặp mấy anh bạn bỗng gặp một golfer to béo đang ra sức cầm gậy vụt lấy vụt để, quả trúng quả không, bóng bay tung toé. Thấy tôi đến gần, anh dừng lại phân trần: Tranh thủ quật mấy quả rồi còn ra sân, mấy ông bạn đang đợi. Hỏi thăm mới biết, anh là nghị sỹ “chuyên trách”, khi kỳ họp Quốc hội vừa tan, tranh thủ ra đây “cuốc đất” tý cho đỡ căng thẳng.

Đem chuyện này trao đổi với anh Hoàng Tiến Đỗ, một chuyên gia của sân Golf Tam Đảo, anh cho biết, hiện tượng chơi golf như “cuốc đất” chính là nỗi lo ngại của các sân golf. Bản chất của golf là môn thể thao cao cấp với hàng trăm quy định chưa được luật hoá và đã được luật hoá nhưng khi vào Việt Nam, hệ thống quy định đó bị rơi rụng dần. Tình trạng golfer nửa mùa học hành theo kiểu bắt chước rồi cầm gậy ra sân đã trở nên khá phổ biến.

{keywords}
Ảnh: golf.vn

Sự hiểu biết không đầy đủ về luật lệ và văn hoá golf cũng là nguyên nhân gây ra những cuộc cãi vã trên sân, khiến những cuộc chơi từ chỗ văn hoá đến phản văn hoá. Chuyện golfer đếm thiếu gậy để tự nâng thành tích của mình lên trở thành một hiện tượng phổ biến. Nặng nề hơn, có trường hợp một golfer “tung chưởng” với caddie thậm chí dùng gậy đánh vào đầu caddy khiến cô này phải nhập viện.

Mới đây Hiệp hội golf của Thừa thiên Huế đã ra quyết định đình chỉ thi đấu với một golfer chỉ vì sự gian lận có hệ thống. Ông Đinh Văn Minh, một golfer của thành phố Vũng Tàu cho biết, với những cuộc chơi “trà xanh không độ” thì khỏi bàn, còn khi đã có tý cá cược, gian lận đã trở thành công nghệ. Một golfer bị bạn chơi cạch mặt chỉ vì khi ra sân, anh này chỉ dùng đúng 01 loại bóng, cùng một số như nhau. Khi bóng rơi vào đường biên, không thể tìm thấy thì anh ta moi sẵn một quả dấu sẵn trong bít tất rồi bỏ xuống cỏ: Đây rồi… bằng cách đó, anh ta sẽ tránh được không ít gậy phạt.

Chuyện văn hoá golf chỉ là một phần trong cuộc chơi của các golfer, còn chuyện về kỹ năng chơi cũng là một vấn đề. Với cách chơi golf theo kiểu “cuốc đất… trồng khoai”, nhiều tay golf vụt những nhát gậy không thương tiếc vào thảm cỏ xanh mịn vốn được đầu tư chăm sóc rất kỹ, những mảng cỏ được tung lên nham nhở. Hơn thế là việc vụt bóng bay lung tung khiến tốc độ chơi bị chậm lại, làm ảnh hưởng đến những nhóm chơi sau đó.

Người viết bài này cũng đã dính vào một trận golf kéo dài hơn 05 tiếng chỉ vì nhóm chơi trước đó đánh quá tệ. Không chỉ đánh nhiều gậy, bóng bay lung tung khiến caddie phải mất công tìm bóng mà khi lên green, setup những cú put quá lâu. Khi bày tỏ sự sốt ruột muốn vượt thì được caddie trả lời: Các bác toàn là VIP, các bác không đồng ý đành phải chịu.

Trở lại chuyện của đồng chí nghị sỹ “cuốc đất” như đã nói ở trên, chuyện chơi golf, từ hay đến dở, ai cũng phải trải qua quá trình ấy. Tuy nhiên với golf là môn thể thao mà đòi hỏi sự vận động hợp lý đến từng chi tiết của các bộ phận trên cơ thể, nếu không được học hành bài bản sẽ rất rủi ro.

Rủi ro đầu tiên chính là sự bong gân, thậm chí sai khớp do sự căng cứng quá sức của các cơ. Rủi ro thứ hai là khi đánh quả bóng không như mong muốn, dễ gây ra tai nạn cho những người đứng gần đó. Cùng với đó là sự phá hỏng mặt cỏ của sân như đã nói ở trên.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ với thế giới văn minh. Để có thể chủ động vươn lên và không bị tụt hậu, không có cách nào khác là phải nắm vững luật lệ và tự hoàn thiện mình trong những chuẩn mực ấy. Golf là môn thể thao kỳ diệu giúp cho con người tự hoàn thiện mình một cách tốt nhất, nhưng để nhập môn golf, tiền thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn là hiểu về nó và trang bị cho mình những kỹ thuật cần thiết trước khi cầm gậy bước vào sân thi đấu.

  • Phan Thế Hải