Mới đây, Học khu Thống nhất San Francisco (SFUSD) thông báo sẽ không dạy môn Đại số cho học sinh lớp 8 nữa. Theo quy định mới của San Francisco về giảng dạy môn Toán học, học sinh sẽ không được học đa thức cho đến khi vào THPT.
Theo quy định trước đó, chỉ những học sinh giỏi toán mới được bỏ môn Đại số và Hình học.
Quyết định mới này vấp phải sự phản đối của các phụ huynh.
SFUSD khẳng định rằng quy định mới này vẫn đảm bảo rằng tất cả học sinh cấp hai khi vào cấp ba đều có nền tảng toán học giống nhau, nhiều phụ huynh cho rằng tiêu chuẩn mới làm biến đổi chương trình giảng dạy. Một phụ huynh tức giận đã viết bình luận trên mạng: "Có nhiều cuộc bàn luận về việc trẻ em Mỹ bị tụt hậu về toán và khoa học, vậy mà giờ đây SFUSD lại có bước tiến mới làm ngăn những học sinh giỏi toán tiếp tục tiến bộ?"
Trên thực tế, ở San Francisco, “cuộc chiến” có nên cho trẻ học Đại số từ lớp 8 hay không không phải là điều mới mẻ. Các chuyên gia giáo dục từ lâu đã coi Đại số là một môn "canh cổng" nhằm phân biệt những học sinh giỏi toán, có thể vào đại học, với những em học bình thường.
Câu hỏi rằng học sinh nên học Đại số từ lớp 8 hay lớp 9 dường như chỉ là vấn đề nhỏ, nhưng nó động đến vấn đề nền tảng trong chính sách giáo dục là: liệu việc các nhà trường tạo điều kiện cho những em giỏi toán thì có nghĩa là bỏ lại các em khác phía sau?
"Nếu bạn quay trở lại thời 15 đến 20 năm trước đây, nhiều học sinh thậm chí còn không được phép đăng ký học lớp Đại số", Jim Ryan, giám đốc điều hành thuộc SFUSD nói. "Các em vào cấp ba, và học những môn như toán cơ bản, toán đại cương, và toán tiêu dùng, như vậy là đủ để tốt nghiệp."
Nhưng đến những năm 1990, toàn cầu hóa và uy lực kinh tế của châu Á khiến việc "tụt hậu" trong giáo dục ngày càng trở thành mối quan tâm của giới chính trị. "Khắp thế giới, các học sinh cấp hai học môn Đại số và Hình học", ông Bill Clinton phát biểu năm 1998. "Trong khi đó ở Mỹ, chỉ 1/4 học sinh học Đại số trước khi vào cấp ba."
Và trong các khóa học của những năm 1990 và thế kỷ tiếp theo, sự đẩy mạnh đăng ký môn Đại số diễn ra ở các trường cấp hai và cấp ba khắp nước Mỹ. Năm 1990, dưới 1/5 học sinh lớp 8 tham gia các khóa học Đại số. 20 năm sau, tỷ lệ này lên tới gần một nửa.
Trên thực tế, bằng chứng về hiệu quả của việc học sớm môn Đại số vẫn còn rất mù mờ.
Những con số thống kê cho đến nay có vẻ không đứng về phía những người ủng hộ việc học Đại số từ nhỏ.
Đáng ngạc nhiên là các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tiếp cận sớm với môn Đại số thực sự liên quan đến việc giảm điểm toán trung bình của học sinh trong nghiên cứu.
Điều này không có nghĩa là Đại số bằng cách nào đấy “đầu độc” những bộ óc non nớt. Trên thực tế, giáo sư Thurston Domina ở Đại học Bắc Carolina chỉ ra rằng, tính riêng từng cá nhân học sinh thì cũng thu được lợi ích từ việc học môn Đại số từ nhỏ.
"Nếu bạn hỏi tôi rằng “Có muốn cho đứa con học lớp 8 học môn Đại số không?” thì câu hỏi gần như chắc chắn là “Có”. Ở độ tuổi nhỏ, trẻ sẽ phát triển hơn nếu được đưa vào một lớp học “thách thức” hơn. Điều quan trọng ở đây là cách nhà trường thay đổi chương trình giảng dạy, cấu trúc lại lớp học để đáp ứng việc bắt buộc tất cả học sinh học môn Đại số.
Môn Đại số có ích cho học sinh, nhưng còn phải bàn đến chương trình giảng. Rồi môi trường lớp học. Rồi giáo viên. Đó là những yếu tố hỗ trợ cho việc học ở một lớp tiên tiến", Domina nhận định.
Vào mùa xuân năm ngoái, giám thị Katy Tang đã gửi một bức thư mở tới vị quản lý của SFUSD phàn nàn về “chính sách toán một-chương-trình-cho-tất-cả”.
Và bây giờ, sau 1 năm, Tang cho biết cô vẫn phản đối tiêu chuẩn mới và vẫn nhận được phản ánh của phụ huynh liên quan đến chất lượng giáo dục của con em họ.
"Rất nhiều thư từ tôi nhận được chỉ chia sẻ sự thất vọng của phụ huynh", cô Tang kể. "Họ cũng rất mình khi con em mình sắp thoát khỏi hệ thống học tập này, hoặc họ tìm cách cho con em thoát ra khỏi đó."
Tuần trước, SFUSD thông báo sẽ cho phép các học sinh mới vào cấp hai được phép chọn các mảng nhỏ thuộc các khóa học toán từ Đại số đến Hình học. Tuy nhiên, các học sinh tiên tiến lớp 8 vẫn không được bỏ qua trình tự học của chương trình.
Giám thị Tang nói rằng cô thấy giá trị của việc khuyến khích học sinh học các tài liệu phức tạp, nhưng chỉ đúng với một tỷ lệ nhất định học sinh mà thôi.
(Theo Xuân Vũ/ Dân Trí)