- Sau tiếng nhạc vang lên thình thình, chát chúa, dưới ánh đèn xanh đỏ chớp nhoáng, cả toán thanh niên nhảy nhót, mắt lim dim, đầu lắc lư theo điệu nhạc xập xình.
Những cái lắc mông, những động tác uốn éo, kèm theo là những tiếng la hét, kêu gào theo điệu nhạc... là những hình ảnh dễ thấy ở đám cưới quê hiện nay.
Cũng từ nhảy đám cưới, khi có đụng chạm, thêm tác động hơi men là thành mâu thuẫn, căng thẳng. "Khách nhảy" từ các làng bên sang "giao lưu" cũng khiến nảy sinh nhiều chuyện. Việc "cà" đánh nhau cũng không hiếm từ "đua" nhảy.
Có nhảy mới là đám cưới?
Không biết từ bao giờ, thanh niên làng đã mang những điệu nhảy hoang dã, cuồng
dại và nóng bỏng ở chốn thành thị, trong những vũ trường, quán bar về những miền
quê để “đua tài”, tỏ mừng vui trong những đám cưới. Mỗi người một điệu, mỗi
người một bài, cứ có nhạc là ai cũng xông lên để nhảy.
Trai làng nhảy nhót tưng bừng với những điệu nhảy hoang dã… |
Gia chủ chu đáo, còn thuê hẳn một dàn nhạc sống để phục vụ và làm nền cho màn nhảy nhót của đám thanh niên làng thêm sung. Sau khi đã ngà ngà say, trong người đã phừng phừng hơi men, nhạc bắt đầu nổi lên là thanh niên trai tráng lao lên sân khấu, nhảy nhót, lắc lư theo điệu nhạc.
Lần về dự đám cưới của anh chị bạn ở Hải Dương, tôi mới thấy thật sự choáng bởi sự náo nhiệt, bốc lửa trong đám cưới này. Một khoảng sân nhỏ đã kê bàn ghế để bà con làng xóm ngồi ăn trầu, xơi nước, nay được dọn sang một bên, nhường lại khoảng sân trống để thanh niên nhảy nhót. Một dàn trống và một tay đàn organ không khác gì dàn nhạc chuyên nghiệp được thuê, nghe đâu cũng ngót nghét bốn triệu cho mấy giờ biểu diễn.
Mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán khi vừa tham gia nhảy, chú rể Giáp vừa nới lỏng cái cà - vạt trên cổ, vừa nói như quát vào tai tôi, để át đi tiếng nhạc: “Có nhảy nhót thế này mới sung, thanh niên làng mới tới góp vui nhiều chứ em. Đám cưới nào họ cũng làm vậy, mình không theo không được, không có nhạc nhẽo, buồn lắm". Nói xong, chú rể lại tươi cười, bước xuống hòa vào đám đông, lại lắc mông, búng tay, đầu giật giật theo điệu nhạc.
Ngồi trên hiên nhà nhìn xuống, bà Doãn, 76 tuổi, là bà ngoại của chú rể móm mém cười, ghé sát vào tai tôi nói: “Bây giờ khác ngày xưa quá, đám cưới cứ phải nhảy nhót tưng bừng thế này mới vui à? Cơ mà xem chúng nó nhảy, chóng hết cả mặt mũi, tai cứ ong ong vì nhạc to quá".
Trên khoảng sân rộng chừng 30m2 ấy , đếm sơ sơ cũng có đến bốn năm chục thanh niên cùng nhảy nhót, khoa tay, múa chân ầm ĩ. Đôi lúc, có cậu còn hứng chí, cởi phăng chiếc áo trên người, để mình trần trùng trục, không ngừng nhảy nhót trước mặt mọi người ngồi dưới.
Khi “nhảy” thái quá…
Cụ Hùng, một cao niên trong thôn nói, cái khó là có chuyện “ngầm đua” đám sau phải vui hơn, “bốc” hơn đám trước mới là nhất tất cả. Mà nếu cứ “Gà đua nhau tiếng gáy” thế này thì tình hình sẽ đến đâu?
Hôm trước, cậu thanh niên đang nhảy cởi áo quay quay là mới, hôm sau mặc quần cộc mới là lạ. Mới đầu hai nam thanh niên nhảy đôi người ngả người cúi, hôm sau bỗng có một nam một nữ nhảy như vậy để cả đám vỗ tay. Muốn thật nổi phải có rượu làm trợ lực, (may sao hiện giờ chủ yếu mới là rượu…)
Có mặt tại đám cưới hôm đó, cô Thoa hàng xóm phải bỏ ra về vì không thể nào chịu được tiếng nhạc to, xập xình như “đánh nhau” thế. Cô Thoa phàn nàn: “ Đây là lúc bà con làng xóm sang ngồi chơi, chia vui, nói chuyện cùng gia đình, chứ có đến để quát vào tai nhau mà nghe, mà nói. Mà tụi thanh niên nhảy nhót có đẹp gì đâu, cứ lố nhố, hò hét, phản cảm quá".
Màn nhảy nhót của đám thanh niên phải kéo dài chừng 2 tiếng, lúc ấy vào khoảng 10h đêm, khi bắt đầu thấm mệt, và cũng là lúc nên cho hàng xóm yên tĩnh để nghỉ ngơi, thì mọi người mới ùa ra bàn uống nước.
Cô bạn gái tên Lanh ngồi theo dõi cảnh nhảy nhót từ đầu, cũng chia sẻ: “Thực ra, hát nhảy một chút trong đám cưới thì mới vui, là điều hoàn toàn đúng thôi. Nhảy cũng không phải xấu, nhưng nếu nhảy đẹp, thì không sao, chứ các anh thanh niên làng cứ lên chỉ có lắc mông, rồi lắc đầu, khua tay, nhìn buồn cười, và cứ phản cảm sao ý".
Vẫn còn chưa hết “sung”, cậu thanh niên tên Tuấn vừa nhún chân, lắc lư theo điệu nhạc, vừa cười tươi nói: “Đâu phải ở thành phố họ mới biết nhảy, mới được nhảy hả chị? Đây là quyền của mỗi người mà, nhảy thế này, đám cưới thêm vui, chú rể cô dâu vui là được rồi".
Bí thư đoàn thanh niên của thôn - anh Chiến thừa nhận: “Đúng là văn nghệ cần cho mỗi cuộc vui, nhưng nếu thể hiện nó một cách thái quá, hay học đòi một cách không đúng thì sẽ trở thành nhố nhăng, đi ngược lại với giá trị thực của nó. Song bọn em cũng cần có những quy định rõ ràng từ trên mới đem ra nói được".
Tìm đến người phụ trách văn hóa xã, ông này khẽ khàng nói: “Nhà báo lo xa quá. Tuy nhiên chúng tôi sẽ ra văn bản điều chỉnh, nhưng còn phải xin ý kiến cấp trên".
Định đi tìm “cấp trên” thì phóng viên được một bác gái cho biết rằng mới đây, con ông chủ tịch xã cũng từng vui cùng bạn quậy tung trời trong một đám cưới. Chuyện thanh niên quê nhảy nhót "tung trời" trong đám cưới tưởng vui hôm nay mà tiềm ẩn những lo buồn nay mai.
Minh Trang
Mời độc giả gửi những câu chuyện đặc sắc về đời sống về hòm thư doisong@vietnamnet.vn. Những bài được đăng sẽ được hưởng nhuận bút theo chế độ của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn ! |