Không nhiều người nhận ra điểm đặc biệt nhất của iPhone 12: đây sẽ là thế hệ iPhone thứ 10 ra mắt mà không có bàn tay dìu dắt của nhà sáng lập Steve Jobs. Trước khi qua đời vì căn bệnh ung thư, Jobs chỉ kịp ra mắt iPhone 4, đánh dấu một bước tiến lớn về thiết kế và hiệu năng của chiếc smartphone mác Táo. Đầu năm 2011, ông nghỉ việc để điều trị và đến tháng 11 thì qua đời, đúng 1 ngày sau khi Tim Cook vén màn iPhone 4s.
10 năm không có Steve Jobs, dù đã chạm tới cột mốc 2 nghìn tỷ USD, Apple vẫn thường xuyên bị chê bai thiếu sức sáng tạo. Quả thật, 10 năm qua Apple đã không thể tạo ra một cuộc cách mạng ngang tầm với iPad hay iPod chứ đừng nói tới iPhone. Những sản phẩm mới như Apple Watch, AirPods không thể thay thế được vai trò của smartphone. Thậm chí, Apple còn để Amazon vượt mặt trong cuộc chiến loa thông minh, biến HomePods trở thành một ngoại lệ hiếm hoi: lần đầu tiên trong nhiều năm, Apple không phải là kẻ đi đầu trong công cuộc gây dựng một thị trường mới.
Nhưng nói như vậy là có phần không công bằng với Apple. Đến giờ, chiếc "modern smartphone" của Steve Jobs mới chỉ tròn 13 năm tuổi đời mà thôi.
Cuộc cách mạng đầu tiên: Từ Apple II đến MacBook Air
Tuổi đời của iPhone liên quan thế nào đến sức sáng tạo của Apple? Nếu nhìn nhận một cách thực sự khắt khe, Steve Jobs thực chất chỉ thực hiện 2 cuộc cách mạng trong cả cuộc đời: cách mạng điện toán cá nhân và cách mạng điện toán di động.
Hãy cùng đi ngược lại lịch sử công ty có logo Táo Cắn Dở. Năm 1977, Steve Jobs và người bạn Steve Wozniak có thành công đầu tiên qua Apple II, một trong những cỗ máy tiên phong cho khái niệm "điện toán cá nhân". Khác với phần lớn những cỗ máy cùng thời, Apple II dễ lắp ráp và dễ sử dụng, thậm chí lại có khả năng hiển thị cả màu sắc.
Đến 1984, khái niệm "máy tính cho mọi người" được Steve Jobs đưa lên một tầm cao mới với Macintosh, chiếc PC thương mại đầu tiên có giao diện trực quan GUI. Chỉ 1 năm sau, mâu thuẫn với ban lãnh đạo khiến Steve Jobs phải rời đi - cùng lúc, Bill Gates cũng đưa GUI đến mọi nhà qua Windows. Đến 1997 ông mới quay trở lại để "hồi sinh" Apple qua chiếc iMac độc đáo, sản phẩm được coi là đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của Internet trên toàn cầu.
3 năm trước khi qua đời, ông để lại di sản cuối cùng cho máy Mac vào năm 2008, khi rút chiếc MacBook Air từ bên trong phong bì. Chiếc Macintosh dễ sử dụng năm nào giờ đã được gói gọn thành một khối kim loại tuyệt đẹp; các kết nối rườm rà được tập trung lại thành một trải nghiệm siêu tiện dụng với touchpad và Wi-Fi.
Các iFan sẽ gọi Apple II, Macintosh 1984, iMac 1998 và MacBook Air 2008 là những sản phẩm cách mạng. Ít ai nhận ra rằng chúng không phải là những cuộc cách mạng thực sự riêng rẽ, mà chỉ là những bản cập nhật lớn, giúp đem đến một trải nghiệm mới tốt đẹp hơn nhưng không thay đổi về bản chất. Đến cuối cùng, Macintosh, iMac và MacBook Air đều chỉ là những sản phẩm kế thừa vai trò của Apple II: những cỗ máy vi tính dành cho từng cá nhân - PC.
Cách mạng di động của Steve Jobs
Sau PC, Steve Jobs chỉ kịp thực hiện thêm một cuộc cách mạng thứ hai: di động. Và cuộc cách mạng này bao gồm cả iPod, iPhone và iPad, vốn là những điểm sáng dồn dập trong 10 năm cuối đời của nhà sáng lập Táo. Một lần nữa, chúng không hẳn là những cuộc cách mạng riêng rẽ mà chỉ là những hình thái có liên quan chặt chẽ đến nhau trong cùng một cuộc cách mạng mà thôi.
Đó là cuộc cách mạng di động. Khi nhìn thấy nguy cơ doanh số iPod có thể bị "nuốt chửng" bởi điện thoại nhiều tính năng, Steve Jobs bắt tay vào công cuộc định nghĩa smartphone của riêng mình. Chiếc iPhone, sản phẩm có thể coi là đã mở đường cho smartphone cảm ứng trở thành hình thái công nghệ (form factor) phổ biến nhất, đã bắt nguồn bằng 3 khía cạnh đơn giản: "iPod. Điện thoại. Máy liên lạc Internet". Một cỗ máy nghe nhạc cầm tay như vậy đã trở thành tiền đề để máy vi tính thu nhỏ vào lòng bàn tay.
Còn iPad đơn thuần chỉ là những chiếc iPhone phóng to. Sự khác biệt duy nhất là màn hình iPad lớn hơn, còn trải nghiệm và thậm chí là phần mềm cũng gần như giống hệt. iPad bùng nổ chỉ vì người dùng cần một thiết bị giải trí có màn hình đủ lớn để xem phim hay đọc báo và thân hình đủ nhỏ để cầm trên tay. Sau khi nhu cầu nhỏ hẹp này được đáp ứng, doanh số iPad đã bão hòa từ rất sớm, thậm chí là trước cả iPhone.
30 năm mới có được một lần
2 cuộc cách mạng của Apple cách nhau bao xa? Nếu chọn Apple II làm điểm khởi đầu cho cách mạng điện toán cá nhân và iPhone là điểm khởi đầu cho cách mạng di động, công ty của Steve Jobs đã mất đúng 30 năm. Ngay cả Steve Jobs và những bộ óc thiên tài tại Apple cũng đã mất đến 30 năm để cách mạng hóa những cỗ máy tính toán, từ trên bàn (hoặc trên đùi) đi vào lòng bàn tay (và túi quần) của người dùng, từ một công cụ tối ưu cho công việc trở thành một công cụ lấy kết nối làm trọng tâm.
Trước đó, 30 năm cũng là khoảng thời gian để thế giới có thể dịch chuyển từ cỗ máy tính điện tử đầu tiên (phát triển trong thế giới thứ hai) sang những chiếc máy "vi tính" đủ nhỏ để sử dụng cho cá nhân - Apple II, Commodore 64, Atari 8-bit hay IBM PC.
Điều này có nghĩa rằng chúng ta sẽ phải chờ ít nhất một thập kỷ nữa nếu muốn chứng kiến "sao đổi ngôi" trong thế giới hi-tech. Và đó là trong trường hợp smartphone có thể bị thay thế...
Còn Apple... Thực tế là Apple vẫn đang sáng tạo - Apple Watch hay AirPods là minh chứng điển hình cho thấy nhà Táo vẫn có khả năng tiên phong mở rộng những chủng loại thiết bị mới. Nhưng tất cả đều chỉ có thể giúp cải thiện trải nghiệm di động quen thuộc của chúng ta chứ chưa thể thay đổi hoàn toàn bản chất của ngành công nghiệp hi-tech theo cái cách mà Apple II hay iPhone đã làm. Đừng vội trách Apple mất sức sáng tạo sau khi Steve Jobs ra di: kể cả nếu ông vẫn ở lại, Apple cũng mới chỉ đi được một nửa chặng đường đến cột mốc tiếp theo mà thôi.
Theo GenK