- Dù là một y tá trường học nhưng do thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, thai phụ này đã gặp biến chứng sản khoa nghiêm trọng. Do sản phụ phát hiện bệnh rất muộn nên không thể qua khỏi…
Sản phụ bị nhiễm độc thai nghén
Bệnh nhân Phạm Thị N. (28 tuổi, xóm Trung Tân, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) từ ngày 2/1 trong tình trạng bị suy đa tạng.
Trước đó, chị N. đã được mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bác sỹ Phạm Thế Thạch, khoa Hồi sức tích cực cho biết chị N. bị nhiễm độc thai nghén. Trong suốt quá trình mang thai, dù là một y tá ở trường học nhưng chị chỉ đi siêu âm mà không khám tổng thể hay khám định kỳ, do đó không phát hiện mình bị nhiễm độc thai nghén.
Bệnh nhân Phạm Thị N. khi còn đang điều trị tại khoa
Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) - Ảnh: C.Q
Đến tuần thứ 35, khi toàn bộ da trên cơ thể dần chuyển vàng, chân phù nề nặng thì chị mới đi khám và được bệnh viện địa phương chuyển ra bệnh viện Phụ sản Trung ương để xử lý.
Tại đây, chị đã được thăm khám, làm các xét nghiệm chụp chiếu cần thiết. Cuối cùng, các bác sỹ kết luận chị nhiễm độc thai nghén, buộc phải mổ lấy thai sớm, nếu không sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của cả mẹ và con.
Sau khi mổ và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ đã tiến hành lọc máu, chạy thận để thay huyết tương cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được cấp cứu liên tục nhưng sau 11 ngày vẫn hôn mê, tiên lượng rất xấu.
Đến ngày thứ 12, gia đình xin cho bệnh nhân về. Bệnh nhân tử vong ngày 12/1.
Căn bệnh nguy hiểm
Theo bác sỹ Thạch, bất kể người phụ nữ nào mang thai cũng có nguy cơ bị nhiễm độc thai nghén (dù tỉ lệ là nhỏ).
Nhiều trường hợp do bị nhiễm độc thai nghén đã phải đình chỉ thai, nếu để lâu, bệnh diễn biến nặng thì có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn con.
Đối với bệnh nhân N., khi phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã rất nặng. Lúc này thai đã 37 tuần tuổi và bệnh nhân đã có các biểu hiện lâm sàng bên ngoài rất rõ ràng (da vàng, chân tay phù nề).
Đó cũng là lý do khiến bệnh của chị diễn tiến quá nhanh, dù đã được sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất trong hồi sức.
Theo bác sỹ Thạch, cách phát hiện nhiễm độc thai nghén là tiến hành thăm khám định kỳ, với các xét nghiệm không quá phức tạp, tốn kém như xét nghiệm nước tiểu (để xem có đạm trong nước tiểu hay không), kiểm tra huyết áp và kiểm tra chức năng gan, thận.
Nhiễm độc thai nghén gây biến chứng sản khoa rất nghiêm trọng. Trong 3,5 năm qua, tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) đã có 61 trường hợp phải cấp cứu do có liên quan đến biến chứng sản khoa (trong số đó có 1/4 trường hợp do nhiễm độc thai nghén), hầu hết đều ở tình trạng rất xấu.
Cẩm Quyên