W-cuu-nan-6-1.jpg
Trực thăng của Trung đoàn 916, Sư đoàn 371 huấn luyện thực hành tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Một ngày cuối năm, khi những đám mây còn phủ trắng đục trên đỉnh dãy núi Ba Vì, tại sân bay Hòa Lạc, những chiếc trực thăng Mi-171 và Mi-17 đã được lực lượng kỹ thuật Trung đoàn 916, Sư đoàn 371 chuẩn bị sẵn sàng cho ban bay huấn luyện thực hành câu vớt người bị nạn trên mặt nước cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Dù - tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của Trung tâm Quốc gia Huấn luyện và TKCN đường không (Trung tâm), Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ.

Ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng máy bay đảm bảo mọi hệ số kỹ thuật, Trung đoàn còn chuẩn bị các phương tiện cứu hộ chuyên dụng như nôi câu vớt, bộ đai câu đôi… sẵn sàng cho nhiệm vụ huấn luyện.

Cùng thời điểm, tại khu vực bãi chuẩn bị của cán bộ, giáo viên nhân viên Dù- TKCN đường không của Trung tâm đã tập kết đầy đủ các trang bị như: Áo phao, phao cứu sinh, bộ đai cứu hộ, dây neo cố định phao, carabin, mũ nhảy dù… Các trang bị cứu thương như: Băng ca, cáng cứng, nẹp và túi thuốc quân y các loại cũng được sắp đặt gọn gàng. Các đồng chí đóng giả nạn nhân đã nai nịt gọn gàng trong bộ quân phục công tác, mặc áo phao, mang đầy đủ các thiết bị bảo hiểm, di chuyển lên chiếc xuồng máy tiến về vị trí câu vớt giả định giữa hồ. 

Sau chuyến bay trinh sát khí tượng, đúng 6 giờ 45 phút ban bay huấn luyện được chính thức triển khai. Trên không, chiếc máy bay cứu hộ chuyên dụng Mi-171 mang màu cam nổi bật cho biểu tượng cứu hộ do Thiếu tá Nguyễn Văn Truẩn- Chủ nhiệm bay Trung đoàn 916 khéo léo điều khiển hạ thấp độ cao, từ từ tiến vào khu vực, cách đó không xa chiếc Mi-17 cũng đang lượn vòng sẵn sàng ở tuyến chờ.

Với động tác dứt khoát và đầy kinh nghiệm, các thành viên tổ bay Mi-171 tiến vào khu vực trung tâm, hạ độ cao khoảng 20-25m, chiếc nôi câu vớt được từ từ thả ra, lựa đúng khu vực có người cần cứu hộ, rất nhanh chóng, các nạn nhân (giả định) dưới nước đã có thể bám vào nôi và ngay lập tức được kéo lên máy bay an toàn.

Khi chiếc trực thăng đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ chuyến cẩu cứu đầu tiên, khẩn trương thoát ly khỏi khu vực, chiếc Mi-17 từ tuyến chờ nhanh chóng di chuyển vào khu vực tiếp tục thả cáp, cẩu lượt người tiếp theo an toàn lên máy bay... Sự phối hợp nhịp nhàng, chính xác giữa các bộ phận trên không và mặt nước, các chuyến bay cẩu vớt liên tục được tiến hành thành công, sau những đợt cẩu vớt đơn, các đơn vị tiến hành nội dung cẩu vớt đôi… Sau hơn 1 giờ huấn luyện liên tục, ban bay huấn luyện thực hiện treo cẩu người gặp nạn trên mặt nước đã hoàn thành với gần 20 lần chuyến và cẩu cứu gần 30 lượt người, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện.

W-cuu-nan-4-1.jpg
Huấn luyện sẵn sàng cho công tác TKCN người dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 916 cho biết: Khi nhận được kế hoạch huấn luyện, 2 đơn vị đã có buổi làm việc, thống nhất xây dựng kế hoạch huấn luyện chặt chẽ, khoa học, tỉ mỉ. Để công tác huấn luyện sát với tình hình thực tế, phù hợp với biên chế, tổ chức trang bị, lực lượng giáo viên của 2 đơn vị đã tổ chức lên lớp giới thiệu lý thuyết và huấn luyện mặt đất, trực tiếp trên máy bay, làm động tác mẫu, hướng dẫn kỹ thuật lên, xuống máy bay; kỹ thuật treo cẩu; các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo đảm treo cẩu và cách xử lý các tình huống… cho lực lượng nhân viên Dù – Tìm kiếm cứu nạn

Được biết, phi công và thành viên các tổ bay được lựa chọn tham gia nhiệm vụ đều là những đồng chí dày dạn kinh nghiệm. Để thực hiện các chuyến bay cẩu vớt thành công, ngoài những nội dung chuẩn bị như mọi chuyến bay khác, các phi công và thành viên tổ bay đã tiến hành nghiên cứu kỹ đặc điểm địa hình, điều kiện tĩnh không và các trướng ngại vật tại khu vực treo cẩu.

Ngoài ra, họ còn nắm chắc điều kiện khí tượng khu vực thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là hướng và tốc độ gió, chuẩn bị, kiểm tra kỹ các thiết bị của hệ thống tời cẩu. Khi thực hành bay, trước thời điểm cất cánh, các thành viên tổ bay  tiến hành treo thử thiết bị, kiểm tra công suất của động cơ ở độ cao ngoài khu ảnh hưởng của đệm không khí.

Khi điều khiển máy bay đến khu vực cứu người trên mặt nước, phi công căn cứ vào hướng và tốc độ gió để thiết lập sơ đồ vào treo cẩu, đối chuẩn điểm cứu người, giảm tốc độ và độ cao sao cho trực thăng treo an toàn ở độ cao từ 15-20m trên điểm cứu người. Thời điểm các đồng chí cơ giới sử dụng tời cẩu để cứu người, phi công và cơ giới phải giữ liên lạc thường xuyên, hiệp đồng nhịp nhàng để giữ tốt trạng thái, vị trí và độ cao treo của trực thăng.

Được biết, sau ban bay huấn luyện đầu tiên thành công, Trung tâm và Trung đoàn 916 sẽ tiếp tục thực hiện thêm một số ban bay huấn luyện thực hành câu vớt người bị nạn trên mặt nước, sẵn sàng cho công tác CHCN người dân khi mùa mưa bão đang đến gần.

Bài và ảnh: Bích Phượng