Theo thống kê của một số sàn giao dịch BĐS, từ đầu năm 2014 đến nay đã có khoảng 20 dự án BĐS công bố chào bán ra thị trường, hầu hết những dự án này đều là các dự án cũ, đang xây dựng dở dang, chủ đầu tư bán những căn hộ còn tồn lại, chỉ một vài dự án mới ra thị trường. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế giao dịch cho thấy, thị trường đang được cải thiện rõ nét, tỉ lệ giao dịch thành công ở các dự án mở bán khá khả quan, người mua nhà “xuống tiền” nhanh.

Tại thị trường Hà Nội, ở phân khúc cao cấp đã có một số dự án được người mua nhà quan tâm giao dịch như Thăng Long Number One tại số 1 Đại lộ Thăng Long của Viglacera hay Star City Lê Văn Lương của Ocean Group,... Hai dự án này đều là dự án đang giao nhà, hoặc sắp giao nhà. Theo công bố của chủ đầu tư, tỉ lệ giao dịch thành công tại Thăng Long Number One đến nay đạt khoảng 90% trên tổng số khoảng 1000 căn hộ.

{keywords}

Khách hàng đã bắt đầu chấp nhận trả thêm tiền chênh để mua được căn nhà ưng ý.

Căn hộ dự án Star City Lê Văn Lương cũng vừa được mở bán đợt mới với giá bán trung bình dao động khoảng 33-34 triệu đồng/m2 (bàn giao thô) diện tích căn hộ từ 50m2 đến hơn 152m2. Ngay ngày đầu chào bán đã có 40 giao dịch thành công...

Tín hiệu tích cực của thị trường BĐS Hà Nội không chỉ thể hiện qua số lượng giao dịch thành công mà còn được nhận định thông qua số liệu về tình hình thu thuế trước bạ và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng BĐS. Thị trường căn hộ chung cư cũng đang chuẩn bị chào đón một lượng lớn căn hộ sẽ hoàn thiện trong năm 2014.

Xuất hiện “tiền chênh”

Nếu như tính đến giai đoạn trước quý IV/2013, lượng tồn đọng của nhiều dự án căn hộ cao cấp vẫn lên tới 60% thì đến thời gian gần đây, nhờ khả năng thanh khoản của thị trường được cải thiện, số lượng căn hộ chưa bán được chỉ còn khoảng 10 - 15%. Đặc biệt, các căn hộ có vị trí đẹp, diện tích phù hợp đều đã có chủ. Chính vì vậy, để mua được căn hộ phù hợp với khả năng và điều kiện của mình, nhiều khách hàng có nhu cầu sử dụng thực đã sẵn sàng chấp nhận trả khoản “tiền chênh”.

Anh Trần Văn Hưng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Giai đoạn trước thị trường trầm lắng nên vợ chồng tôi cứ chờ với hy vọng giá nhà sẽ còn giảm nữa. Sau khi tìm hiểu thị trường đã ở mức giá thực, xem xét một số dự án, chúng tôi mới giật mình các căn hộ có diện tích và mức giá hợp lý với mình đều cơ bản bán hết. Mua to hơn thì vượt quá khả năng tài chính. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định chấp nhận trả thêm một khoản tiền chênh để mua căn hộ phù hợp”.

Tuy nhiên, không phải đơn giản để dự án nào cũng có được khoản tiền chênh. Theo tìm hiểu của phóng viên, những dự án có tiền chênh đều là những dự án của chủ đầu tư uy tín, đảm bảo tiến độ đúng như cam kết, có lợi thế về vị trí và hạ tầng cơ sở đã hoàn thiện.

Mức giá chênh dao động trong khoảng từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, phụ thuộc vào diện tích căn hộ, vị trí, mức độ hoàn thành của từng dự án khác nhau. Còn đối với các chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính để triển khai dự án theo tiến độ, dù liên tục tung các chiêu giảm giá nhưng vẫn không có người mua.

Những khách hàng đã trót đặt tiền vào các dự án “đắp chiếu” đó, chưa biết đến khi nào nhận được nhà, họ đành phải bán cắt lỗ để chuyển sang mua của các chủ đầu tư lớn. Họ sẵn sàng chấp nhận một khoản tiền chênh hợp lý để sớm nhận nhà ở chứ không phải sở hữu nhà trên giấy.

“Chờ đợi mãi mà thấy dự án chẳng thấy tiến triển gì. Hàng tháng gia đình tôi vẫn phải trả một tiền thuê nhà không nhỏ. Vì vậy vợ chồng tôi quyết định bán cắt lỗ căn hộ đã đặt cọc ở đây đi và chuyển sang mua của dự án đã hoàn thành của chủ đầu tư khác. Dù phải trả thêm một khoản tiền chênh nhưng tính ra vẫn hiệu quả hơn là tiếp tục thuê nhà và không biết sẽ phải thuê nhà đến bao giờ.” - Chị Mai Hiền - khách hàng mua căn hộ của dự án Golden Land - Nguyễn Trãi chia sẻ.

Sự xuất hiện trở lại của khoản “tiền chênh” không chỉ cho thấy rõ nét hơn dấu hiệu phục hồi của thị trường BĐS mà còn khiến cho tất cả mọi người tham gia vào thị trường “cùng vui”, từ chủ đầu tư dự án, đến người bán, người mua nhà. Một môi giới lâu năm trên thị trường BĐS cho rằng, khoản “tiền chênh” từ giao dịch mua bán báo hiệu niềm tin của khách hàng đã quay trở lại và hứa hẹn một năm ấm lên của thị trường BĐS. Và với quan hệ tương hỗ, sự phục hồi của thị trường BĐS sẽ góp phần không nhỏ cho sự ổn định của nền kinh tế nói chung.

(Theo Lao Động)