Hiện nay, toàn tỉnh Phú Thọ đã xây dựng được 70 vùng trồng chè tập trung với tổng diện tích hơn 5,8 nghìn hecta, trong đó diện tích chè được cấp các chứng chỉ an toàn đạt gần 3,7 nghìn hecta, đã cấp được hai mã số vùng trồng tại huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ.

Đây là những vùng chè đáp ứng được yêu cầu về sản xuất chè xanh và chè đen phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm chè của Phú Thọ đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…

Toàn tỉnh Phú Thọ có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên một tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ, 15 làng nghề và tám hợp tác xã sản xuất, chế biến chè.

Vùng chè nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hướng tới mục tiêu xuất khẩu chè xanh của HTX chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn.

Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ (xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn) là một trong 63 hợp tác xã (HTX) tiêu biểu trên toàn quốc, đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Phó Giám đốc HTX chè Cẩm Mỹ cho biết, trước đây bà con canh tác theo hình thức truyền thống, cứ thấy chè bị sâu bệnh là phun thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến không đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Sau khi thành lập HTX, tất các thành viên đều được quán triệt, tập huấn. Đến nay, việc sản xuất chè theo truyền thống trước đây đã được chuyển đổi trồng chè an toàn theo phương thức hữu cơ", chị Mỹ cho biết.

Theo chị Mỹ, trong diện tích 30ha chè nguyên liệu, HTX Cẩm Mỹ đã có hơn 15ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 240 tấn chè búp tươi/năm.

HTX Cẩm Mỹ đang phấn đấu đưa toàn bộ vùng sản xuất chè nguyên liệu sang sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm mục tiêu sản xuất chè xanh xuất khẩu. Giá bán chè hữu cơ trung bình từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với chè canh tác truyền thống.

Bắt đầu quy trình chế biến chè xanh, từng búp chè tươi hái về được quạt làm héo

"Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, cộng thêm đất đai cằn cỗi do dư lượng thuốc hóa học nên nhiều đồi chè truyền thống bị cháy hết lá, mất mùa. Tuy nhiên, nhờ trồng chè theo hướng hữu cơ nên cây chè của HTX chè Cẩm Mỹ vẫn đang sinh trưởng khá tốt, chỉ khoảng 10 ngày nữa bà con sẽ hái lứa thứ 3 trong năm", chị Cẩm Mỹ nói.

Để thúc đẩy sản xuất chè hữu cơ bền vững, năm 2021, HTX chè Cẩm Mỹ thành lập Chi hội sản xuất chè xanh với 17 hội viên và liên kết với 4 hộ dân có diện tích chè lớn trong địa phương. Đa số hội viên của Chi hội là người dân tộc Mường.

HTX chè Cẩm Mỹ giúp mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người dân. 

Bà Đinh Thị Lý (dân tộc Mường, ở xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn) cho biết, bà là lao động thường xuyên ở HTX chè Cẩm Mỹ, có thu nhập ổn định với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng.

Hơn 7 sào chè của gia đình bà Lý cũng được HTX hướng dẫn trồng theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, những đồi chè trở nên trong lành, sức khỏe được đảm bảo, giảm chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu hóa học…

Sản lượng chè làm ra của nhà bà Lý được HTX thu mua hết, thu nhập từ cây chè tăng lên gấp 2-3 lần so với trước đây.

HTX Cẩm Mỹ đã có hơn 15ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP.

Năm 2022, HTX Cẩm Mỹ có 2 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Phú Thọ. Doanh thu năm 2022 của HTX đạt 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 340 triệu đồng.

Đến nay, chè thành phẩm của HTX chè Cẩm Mỹ được bán khắp các đại lý, siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai… Hằng năm, HTX tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động là người dân tộc Mường, với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Kim Duyên và nhóm PV, BTV