|
Một ngôi trường mang tên Thoại Ngọc Hầu? |
Tôi nghĩ, chắc chắn không ít trẻ em và cả người lớn đã thắc mắc như vậy. Gọi Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại là Thoại Ngọc Hầu là cách gọi dân gian, kiểu khẩu ngữ, không thể hiện sự tôn trọng thân thiết, đặc biệt là đối với tiền nhân. Thiết nghĩ giáo dục là phải mẫu mực, nề nếp và chính xác, chứ không phải ăn nói thế nào cũng được. Nói năng kiểu đó làm sao dạy học sinh lễ phép và kính trọng?
Mà nào phải nói chỉ Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại là “nạn nhân” của sự tùy tiện như vậy. Tên trường và tên đường hiện nay đầy dẫy sự kinh thường danh nhân hoặc rập khuôn cách gọi của người Trung Quốc.
Nào là Nguyễn Tiểu La (Tiểu La Nguyễn Thành), Đề Thám (Đề Lĩnh Hoàng Hoa Thám), Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn), Thủ khoa Huân (Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân), Tú Xương (Tú Tài Trần Kế Xương), Tán Thuật (Tán Tương Nguyễn Thiện Thuật), Đội Cấn (Đội Lính Trịnh Văn Cấn)…
Rồi còn cách gọi lạ lùng kiểu Ký Con (Đoàn Trần Nghiệp, vốn là thư ký, nhỏ con), Đồng Đen (hỗn danh của anh hùng Nguyễn Văn Kịp), Út Tịch (anh hùng Nguyễn Thị Tịch)…Một dân tộc tự chủ, một nền văn hóa độc lập không thể có cách viết, cách gọi lai căng như vậy.
Có mấy bạn sinh viên nước ngoài học tiếng Việt ở Trường ĐH Sư phạm và ĐH Khoa học xã hội và nhân văn hỏi tôi: “Sao gọi Hồ Chí Minh là Bác Hồ, Tôn Đức Thắng thì gọi là Bác Tôn mà những người khác thì gọi thì gọi theo tên. Sao Bill Clinton thì gọi là cựu tổng thống mà Võ Chí Công lại gọi là nguyên Chủ tịch nước…”. Thú thật, tôi đã hỏi nhiều người, người thì lắc đầu cười, người thì suy diễn theo cách của mình, chẳng giống ai.
“Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Đó không chỉ là mong ước mà còn là mệnh lệnh của tổ tiên. Nói năng tùy tiện kiểu đó thì người Việt cũng không hiểu được chứ nói gì người nước ngoài. Nhiều người bảo tôi lý sự, lắm chuyện, việc nhỏ đâu chết ai. Thưa vâng, không chết ngay mà chết dần mòn. Đừng xem thường việc nhỏ. Lỗ nhỏ làm đắm thuyền . Cái gì làm được thì làm ngay. Cái gì sửa được thì bắt đầu từ việc nhỏ. Mong lắm thay!
- Nguyễn Văn Mỹ