Ngày 3/10, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức nghiệm thu đề tài “Đánh giá tình hình động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiên tai”.

Công trình nghiên cứu độc lập này khẳng định động đất cực đại có thể vượt khả năng chịu đựng của thân đập...

Công trình nghiên cứu “Đánh giá tình hình động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiên tai” do Hội Khoa học kỹ thuật VN (VUSTA) đặt hàng và được nhóm nghiên cứu của PGS.TS Cao Đình Triều (Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý VN) thực hiện. Dù ông Trần Việt Hùng - phó chủ tịch VUSTA - cho rằng không nhất thiết kết luận của công trình là quan điểm của VUSTA, nhưng không khí buổi nghiệm thu đã rất “nóng” bởi những ý kiến lo ngại cho Sông Tranh 2.

Động đất cực đại: không chỉ 5,5 độ Richter

PGS.TS Cao Đình Triều nhấn mạnh nghiên cứu được thực hiện hoàn toàn độc lập. Ông Triều chia các trận động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 ra làm ba đợt: đợt một bắt đầu từ tháng 11/2011, rộ lên vào cuối năm khi nước hồ được dâng lên cao; đợt hai vào tháng 3, tháng 4/2012 và gây hoang mang nhất vì có rò rỉ nước ở thân đập; đợt ba vào cuối tháng 8 đầu tháng 9/2012.

Đáng chú ý, ông Triều nêu rõ: nếu như tại đợt một, cường độ động đất cực đại chỉ có 3,4 độ Richter thì đợt hai đã từ 3,4-3,8 độ Richter; đợt ba vừa rồi cường độ đã lên đến 4,1 độ Richter. Từ đó ông Triều nói động đất ở Sông Tranh 2 phức tạp, có xu thế cấp độ mạnh tăng dần.


PGS.TS Cao Đình Triều trình bày về đề tài nghiên cứu động đất ở thủy điện Sông Tranh 2

Ông Triều cũng công bố nếu như đợt động đất thứ nhất ghi nhận có mười trận thì đợt hai máy gia tốc trên thân đập ghi được tới 36 trận, trong đó trận thứ 36 có dao động cao nhất... Ông Triều cũng tiết lộ hiện các trạm quan trắc địa chấn của Viện Vật lý địa cầu gần thủy điện Sông Tranh 2 chỉ có hai trạm, một ở Huế, một ở Bình Định “nên rất khó khăn trong ghi nhận động đất, đôi khi không ghi được vì xa quá”... Điều này lý giải tại sao số trận động đất do người dân cảm nhận được lớn hơn nhiều so với số trận theo quan trắc của Viện Vật lý địa cầu.

"Không thể tưởng tượng tại sao lại chọn địa điểm xây thủy điện Sông Tranh 2 tại vị trí hiện tại. Sông Tranh 2 chỉ là một tiếng chuông cảnh báo, VUSTA cần có văn bản gửi Thủ tướng để nói rõ về các nguy cơ".

GS Nguyễn Trường Tiến (chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình VN)

Vấn đề quan trọng nhất, liên quan đến an toàn của đập là Viện Vật lý địa cầu khẳng định động đất kích thích khu vực thủy điện Sông Tranh 2 sẽ không quá 5,5 độ Richter (thủy điện Sông Tranh cũng được thiết kế dựa trên cấp động đất này), nhưng nhóm nghiên cứu lại cho biết không phải vậy.

Cụ thể, ông Cao Đình Triều nói nhóm nghiên cứu xác định hai bước: trước tiên, tính chung cho miền Trung, cụ thể là khu vực Trung Trung bộ (nơi nhà máy Sông Tranh 2 tọa lạc), nhóm nghiên cứu khẳng định khả năng động đất mạnh nhất có thể đạt 5-6,6 độ Richter. Với khu vực trực tiếp liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2, nhóm nghiên cứu phân tích: khi nước tích cao, nước thẩm thấu vào đới đứt gãy, cường độ động đất cực đại có thể đạt tới 5,9 Richter ở trung tâm lòng hồ và đến 6,1 độ Richter ở khu vực đập chính cũng như hạ lưu, chứ không chỉ là 5,5 độ.

Nằm trong đới đứt gãy địa chất

Khẳng định khu vực thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong đới đứt gãy địa chất, ông Cao Đình Triều tính toán dù tỉ lệ xảy ra rất thấp nhưng không thể loại trừ đập bị sự cố, thậm chí bị vỡ do thiết kế, thi công hoặc tai biến địa chất như nứt, trượt lở, sụt đất...

Trưng những bức ảnh cụ thể vùng thủy điện Sông Tranh 2, ông Triều cho rằng có hiện tượng trượt lở đất mạnh khu vực thượng lưu Sông Tranh 2. Trong bản trình bày của nhóm nghiên cứu có ghi rõ bài học đập Vaiont (Ý). Đập này không vỡ, nhưng khi động đất, 300 triệu m3 đất đổ xuống lòng hồ tạo cột sóng vượt đỉnh đập, làm chết 2.600 người ở hạ lưu.

Ông Triều cho biết đã xác định đới đứt gãy chạy qua vùng thủy điện. Khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có nền đá granit, đặc trưng của đá này là dễ bị cà nát, giập vỡ mạnh. Nếu xảy ra động đất lớn, việc trượt lở đất, nứt đất có thể xảy ra gây lấp dòng chảy. Từ kết quả nghiên cứu trên, ông Cao Đình Triều đề nghị phải để ý đến kịch bản xấu nhất để có chỉ dẫn khi vỡ đập xảy ra, “ngay cả khả năng chỉ 1/triệu cũng cần phải tính”...

Ông Cao Đình Triều còn cảnh báo: VN đang xây thủy điện theo nhiều cấp, tức một dòng sông có nhiều bậc thủy điện, điều này có thể dẫn tới nguy cơ bị vỡ đập liên hoàn. Như ở Trung Quốc năm 1975, mưa lũ đã khiến đập Bản Kiều vỡ, và cứ thế đập trên vỡ tạo lũ quét gây vỡ đập dưới...

Theo ông Triều, thủy điện Sông Tranh 2 tương đối giống đập Koyna (Ấn Độ), trước khi làm hồ chứa không hề có động đất, khi tích nước bắt đầu có các rung động vừa, tần suất và cấp độ tăng lên. Đến ngày 10-/2/1967 có động đất xảy ra trong vùng hồ, tạo ra cột nước cao tràn đập làm chết khoảng 200 người, hơn 80% ngôi nhà trong tỉnh lỵ nơi có hồ chứa bị phá. Ấn Độ đã phải chi 70 triệu USD cho nghiên cứu ở đây, rất nên hợp tác nghiên cứu với Ấn Độ về vấn đề của thủy điện Sông Tranh 2.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần điều tiết mực nước chậm khi tích nước, không nên để mực nước thăng giáng lớn. Khi quy hoạch nên giữ, tránh tai biến nhân sinh khác xung quanh lòng hồ, bởi không chỉ hồ thủy điện mà các hoạt động khai thác mỏ cũng có thể gây động đất kích thích.

Chọn địa điểm sai lầm

Tham gia nghiệm thu đề tài của Hội Khoa học địa lý với tư cách phản biện, PGS.TSKH Phan Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói chất lượng thông tin và số liệu đầu vào của đề tài có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, ông Quýnh đưa ra những câu hỏi: Làm sao cường độ động đất cực đại 5,5 độ Richter lại được dự báo cho cả thủy điện A Vương, Đắc My và Sông Tranh 2? Thủy điện Sông Tranh 2 dù tích nước hay không đều vẫn có hàng chục trận động đất kích thích. Mực nước hiện tại mới 140m đã có động đất kích thích 4,1 độ Richter, nếu lũ về, nước đạt cao trình 172m thì có khả năng xảy ra động đất cường độ bao nhiêu?

Trao đổi ngoài lề với báo chí, ông Phan Văn Quýnh bày tỏ quan điểm về việc chọn địa điểm đặt thủy điện Sông Tranh 2 là một sai lầm, bởi khu vực có nền đá granit có đặc điểm bị phong hóa rất mạnh, đá gặp nước một thời gian sẽ nứt, vỡ chứ không chỉ mòn như đá vôi. Vì vậy, nguy cơ nằm ở nền móng thủy điện Sông Tranh 2 vì được đặt trên nền đá granit. Ông Quýnh cảnh báo cách làm của VN là cứ chọn địa điểm, sau đó mới thuê các nhà khoa học nghiên cứu để “làm đẹp”.

Ông Lê Đình Thắng, Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình, cũng lên tiếng mạnh mẽ: nếu nghiên cứu VUSTA đặt hàng là đúng thì thủy điện Sông Tranh 2 chỉ được xây dựng với khả năng chống động đất 5,5 Richter là không ổn. Thực tế khả năng động đất có thể từ 5,5 - 6 độ Richter, cần tính đến gia cố đập.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, đề tài “Đánh giá tình hình động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiên tai” được bắt đầu nghiên cứu vào năm 2011, khi có những trận động đất kích thích xảy ra ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Những người tham gia dự án gồm các cán bộ thuộc Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý VN, công trình đã hoàn thành và được nghiệm thu ngày 3/10/2012.

(Theo Tuổi trẻ)