Năm 2007, thế giới đã chứng kiến một sự kiện kinh tế quan trọng. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ sự suy thoái của thị trường bất động sản Mỹ, sau đó lan rộng và tác động đáng kể đến các ngân hàng và các thị trường tài chính trên thế giới. Sự kiện này gắn liền với cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm tiếp theo.

Năm 2023, dường như những khó khăn càng trở nên khốc liệt hơn. Sau khi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi hoạt động kinh tế - xã hội và để lại hậu quả nặng nề, thế giới tiếp tục phải trải qua cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khi chứng kiến hàng loạt tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột vũ trang dai dẳng, biến đổi khí hậu, lạm phát gia tăng… dẫn đến sự chững lại trong phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, lửa thử vàng, gian nan thử sức. Khó khăn cũng là phép thử đối với sức mạnh và bản lĩnh của bộ máy chính quyền, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Chính trong hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp càng toả sáng hơn bao giờ hết khi nỗ lực không ngừng để thích ứng và đổi mới, tìm ra giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nâng cao uy tín doanh nghiệp, góp phần vực dậy nền kinh tế Việt Nam.

Trải qua một chặng đường dài gần hai thập kỉ (2007-2023), Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã trở thành một trong những hoạt động thường niên quan trọng nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, góp phần quảng bá thương hiệu doanh nghiệp tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế. Ngay từ năm đầu được nghiên cứu và công bố bởi Vietnam Report và Báo VietNamNet, VNR500 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trên cả nước.

Bằng phương pháp xếp hạng khách quan, minh bạch và khoa học với nền tảng là mô hình đánh giá của Fortune500, các doanh nghiệp được xếp hạng trong VNR500 dựa trên nhiều tiêu chí như: doanh thu, lợi nhuận, tài sản, tốc độ tăng trưởng, quy mô lao động, uy tín truyền thông…, trong đó doanh thu chính là tiêu chí quan trọng nhất. Quy tụ những doanh nghiệp lớn nhất và xếp hạng đa ngành, từ ngân hàng, sản xuất, bất động sản, dịch vụ công nghệ và nhiều lĩnh vực khác, nên có thể nói, Bảng xếp hạng VNR500 là công cụ hữu ích để theo dõi sự phát triển của các doanh nghiệp tại Việt Nam, sức mạnh và địa vị của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, qua đó góp phần cung cấp cái nhìn tổng quan hơn về sức mạnh kinh tế của đất nước.

hinh 1.jpg
ROA, ROE, ROS của các doanh nghiệp VNR500 trong giai đoạn 2021-2023. Nguồn: Vietnam Report

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “VNR500 sẽ thành nguồn tư liệu tham khảo cho giới nghiên cứu và hoạch định chính sách để nhìn bức tranh thực của nền kinh tế qua sức khoẻ của từng doanh nghiệp, để cân nhắc đầu tư và chi tiêu đồng vốn đầu tư, từ ngân sách cũng như các nguồn khác.”

Một trong những thành viên trong hội đồng cố vấn nghiên cứu của Vietnam Report, GS. Thomas Patterson (Đại học Harvard) chia sẻ: “Nếu tôi là một nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm thông tin để đầu tư, những thông tin xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam như thế này rất có giá trị trong việc xem xét ra quyết định đầu tư.”

Đặc biệt, 17 năm qua, cùng với việc công bố xếp hạng thường niên, lễ vinh danh và trao chứng nhận cho các doanh nghiệp VNR500 đều được tổ chức trọng thể nhằm ghi nhận và tôn vinh thành tựu của các doanh nghiệp lớn Việt Nam. Không chỉ là sự kiện kết nối các doanh nhân xuất sắc cùng gặp gỡ, giao lưu để tìm kiếm cơ hội hợp tác, Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam còn mang đến những diễn giả tài năng với nhiều gợi ý về giải pháp, chiến lược, chính sách phát triển cho doanh nghiệp trong bối cảnh đương thời như: GS. Joseph S.Nye - cha đẻ thuyết Quyền lực mềm, GS. Robert S.Kaplan - cha đẻ mô hình Balanced, GS. Michael Dukakis - nguyên Thống đốc bang Massachusetts…

Sau những năm đổi mới và thích nghi cùng bối cảnh Covid-19, lễ công bố năm nay có sự tham dự trực tiếp của chuyên gia công nghệ Sharad Sharma - thành viên Cơ quan Tư vấn Trí tuệ nhân tạo Liên Hợp Quốc, nhà lãnh đạo phát triển nền tảng công nghệ đa năng India Stack. Với India Stack, hàng loạt dịch vụ đổi mới đã được triển khai tại Ấn Độ như: UPI (hệ thống thanh toán theo thời gian thực giúp cách mạng hoá thanh toán kỹ thuật số), Aadhaar (hệ thống nhận dạng kỹ thuật số giúp đưa hàng triệu người vào hệ thống tài chính chính thức), Digilocker (nền tảng lưu trữ kỹ thuật số giúp người dùng lưu trữ và chia sẻ tài liệu số)… 

Trong bối cảnh công nghệ đang có những bước tiến mạnh mẽ trên toàn cầu, với sự tham dự của các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, Lễ công bố VNR500 được kì vọng sẽ mang đến làn gió mới trong tư duy chiến lược cho các doanh nghiệp, doanh nhân thời kì đổi mới.

hinh 2.jpg
 Tôn vinh và trao chứng nhận cho các doanh nghiệp lớn có thành tựu xuất sắc

Lễ công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam lần thứ 17 sẽ diễn ra vào ngày 18/1/2024 tại TP.HCM. Trong khuôn khổ sự kiện năm nay, Ban Tổ chức sẽ đồng thời tôn vinh Top 10 Công ty uy tín ngành Dược - Logistics - Du lịch & Khách sạn, Resort - Thức ăn chăn nuôi năm 2023.

(Nguồn: Vietnam Report)