- Sáng 12/10, đoàn công tác của UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã lên xã vùng cao Trà Linh để tổ chức ứng cứu và kiểm tra tình hình vụ sạt lở núi vào nhiều nhà dân tại địa bàn thôn 1 xã Trà Linh.

Theo báo cáo khẩn của UBND xã Trà Linh, do mưa lớn liên tục trong những ngày qua đã xảy ra tình trạng lũ quét tại nhiều nơi khiến sạt lở núi nghiêm trọng.

Thông tin ban đầu cho biết, một quả núi đã bất ngờ đổ sập vào 11 ngôi nhà của người dân đồng bào dân tộc Xê Đăng sống dưới chân núi thuộc địa bàn thôn 1 của xã vào ngày 10/10.

'Do dự báo trước tình trạng nguy hiểm, nên chính quyền địa phương đã di dời số hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở trước khi mưa lũ, nên không gây thiệt hại về người' - Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Chính cho biết.

Một điểm sạt lở núi tại Nam Trà My, Quảng Nam


Thiệt hại ban đầu từ vụ sạt lở vẫn chưa thể thống kê. Tuy nhiên, theo ông Chính khẳng định đã có 4/11 ngôi nhà dân bị hàng nghìn m3 đất đá từ núi cao vùi lấp hoàn toàn.

Đến  chiều 11/10, thông tin vụ sạt lở núi mới được cấp báo về huyện bằng việc cử cán bộ xã cắt rừng về huyện báo cáo.

Đây là điểm đã từng cảnh báo gây sạt lở nặng, chính quyền địa phương đã báo cáo UBND huyện lập dự án di chuyển số hộ dân này ra khỏi nơi nguy hiểm. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được triển khai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Lê Ngọc Kích cho biết, huyện đã cử đoàn công tác lên xã Trà Linh để tổ chức ứng cứu và chỉ đạo tại chỗ bà con nhân dân tại xã vùng cao này ứng phó với bão lũ và sạt lở núi.

Ninh Thuận: 4 người bị nước cuốn chết

Đợt mưa do ảnh hưởng của 6 cơn bão tại huyện miền núi Bác Ái (Ninh Thuận) nhiều đợt lũ xuất hiện bất ngờ đã cuốn trôi 4 người dân. Mưa lũ cũng đã gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân, các công trình thủy lợi, đường sá...

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Thuận, có 6 căn nhà bị sập, hư hỏng và gần 1.500 ha lúa, hoa màu của dân bị ngập úng trong đợt mưa kéo dài 10 ngày qua, nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn cũng bị nước lũ tràn qua mặt đường gây sạt lở nặng.

Tuyến quốc lộ 27A đoạn đèo Ngoạn Mục, nước mưa đổ xói làm trôi đất đá công trình đang thi công dang dở xuống mặt đường.




Sạt lở trên đèo Ngoạn Mục. QL 27 A

Nước lũ cũng đã gây ngập cục bộ khu nhà máy thủy điện Sông Pha, làm 5 tổ máy phát điện nhà máy này ngừng hoạt động tạm thời.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Thuận đã kiểm tra từ ngày 01- 11/10, toàn tỉnh Ninh Thuận có tổng số 4 người chết do lũ cuốn.

Ngoài 2 vợ chồng anh Pinăng Phong và chị Katơr Thị Xánh ở xã Phước Tân (Bắc Ái, Ninh Thuận) nước cuốn (ngày 4/10); thì tối 10/10 một phụ nữ (chưa rõ danh tính) ở huyện này bị nước lũ cuốn chưa tìm thấy thi thể, một cháu bé 3 tuổi ở thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn bị nước lũ cuốn chết đã vớt được thi thể.

Ông Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hiện nay, hồ Sông Sắt đang tiến hành xả lũ 2 cửa x 1,7 m, với lưu lượng khoảng 50 m3/giây; hồ Tân Giang xả lũ 3 cửa x 30 cm, với lưu lượng 32 m3/giây; hồ CK 7 tràn 0,25m, với lưu lượng 17,05 m3/giây.

Đài KTTV tỉnh dự báo, từ nay đến cuối năm Ninh Thuận là rốn lũ muộn. Để đảm bảo an toàn cho các công trình hệ thống thủy lợi, không để xảy ra trường hợp xả lũ gây ngập ở vùng hạ lưu.

Công ty cũng đang theo dõi sát sao diễn biến mực nước các hồ chứa, vận hành điều tiết nước một cách hợp lý; đồng thời bố trí người trực 24/24 giờ để có phương án điều tiết và xả lũ khi cần thiết.

Vũ Trung - Võ Tấn