Một người phụ nữ Australia gốc Hàn phát hiện ra mình là đối tượng của một vụ nhận con nuôi phi pháp, trong đó cha mẹ cô đã bị lừa để từ bỏ đứa con mới lọt lòng của mình, đài SBS của Australia cho biết.
TIN BÀI KHÁC:
Những tàu lượn khiến bạn thót tim
Cảnh sát giao thông ưu tú nhất thế giới
Người phụ nữ Australia gốc Hàn phát hiện ra mình là nạn nhân của một vụ nhận con nuôi phi pháp sau 23 năm.
Emily Will (tên nhân vật đã được thay đổi), 24 tuổi, cho biết cô đã phát hiện ra một sự thật kinh hoàng trong lúc tìm kiếm cha mẹ đẻ. Cô bị tuyên bố là đã tử vong ngay khi chào đời và được một người phụ nữ mang đi xa.
Khi Will ra đời vào năm 1988 tại một trạm xá ở Geoje, tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc, cha mẹ đẻ của cô được thông báo rằng con mình đã chết non. Họ đã ký vào các giấy tờ chứng nhận không còn quyền chăm sóc đối với đứa trẻ.
Trong khi đó, Will được cha mẹ mới nuôi nấng trưởng thành. Họ nói với cô rằng cha mẹ đẻ phải từ bỏ cô vì họ chưa kết hôn, vốn là điều không thể chấp nhận được trong xã hội Hàn Quốc truyền thống.
Tuy nhiên, khi trở thành một bà mẹ, Will bắt đầu lo lắng về vấn đề sức khỏe của mình và sợ rằng mình có thể mắc một số bệnh di truyền nên cô quyết tâm tìm hiểu về gốc gác của mình.
Sau khi tìm kiếm cha mẹ đẻ trong vòng 3 năm, Will cuối cùng cũng được sum họp với họ vào năm ngoái tại văn phòng nhận con nuôi, Hội đồng Phúc lợi Xã hội.
Cuộc gặp mặt đã tiết lộ một sự thật bất ngờ đó là cha mẹ cô là một cặp vợ chồng hạnh phúc và việc nhận con nuôi đã bị làm giả.
"Tại sao họ lại làm như vậy?" cô tự hỏi. "Quyết định của họ đã làm thay đổi cuộc đời tôi."
Cô cho biết cha mẹ đẻ của mình và cha mẹ nuôi đều vô cùng sốc khi nghe tin này.
"Mẹ đẻ của tôi thực sự không thể nói gì ngoài việc khóc. Cha mẹ nuôi của tôi cũng cảm thấy vô cùng áy náy."
Will đã đề nghị văn phòng Tổng chưởng lý Australia điều tra về vụ việc của mình nhưng phát ngôn viên tới từ cơ quan này cho biết sẽ phải đối mặt với những hạn chế trong việc cấm các vụ việc nhận con nuôi ở nước ngoài, được ban hành vào những năm 1980.
Một khoản tiền lớn được cho là động cơ của những vụ nhận con nuôi phạm pháp.
Jane Jeong Trenka, chủ tịch của tổ chức Sự thật và Hòa giải cho Cộng đồng nhận con nuôi cho biết quy mô của việc nhận con nuôi liên quốc gia là quá lớn tới nỗi nó thực tế trở thành "một ngành công nghiệp". Cô chỉ ra rằng trong khi Hàn Quốc đang phát triển hệ thống nhận con nuôi, hệ thống phúc lợi xã hội trong nước gần như không tồn tại.
Theo một dữ liệu gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Hàn Quốc xếp ở vị trí dưới cùng trong chi tiêu công vào lợi ích gia đình giữa các nước OECD.
Will cho biết việc nhận con nuôi không nên bị xem là một ngành công nghiệp.
"Chúng tôi (những đứa con nuôi) là con người. Chúng tôi không phải là một món hàng để bày bán. Bạn không thể ra giá cho cuộc sống một con người," Will nói.
Sầm Hoa (Theo Koreaherald)