Nông nghiệp ngày càng hội nhập toàn cầu, Việt Nam đặt mục tiêu đưa nông nghiệp đi theo quỹ đạo xanh, phát thải thấp để đóng góp thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. 

Tầm nhìn đó cũng sẽ giúp nông nghiệp Việt Nam giảm chi phí, sử dụng ít đầu vào và tài nguyên, tạo ra tích hợp đa giá trị, qua đó khẳng định vị thế cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon, vị thế của nhà cung ứng lương thực thực phẩm Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững. 

Là một trong những nước nghèo nhất trong những năm cuối 1980 - đầu 1990 với 60% dân số sống dưới mức đói nghèo, nhờ quyết sách Đổi mới, Việt Nam cơ bản đã thoát nghèo và đảm bảo cân đối về lương thực thực phẩm vào năm 2000. 

Tiếp theo đó, với chủ trương tích cực hội nhập quốc tế, gia nhập WTO năm 2007 và 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hệ thống cung ứng, lưu thông hàng hóa, nông sản, thực phẩm ngày càng trở nên gắn bó với thị trường toàn cầu. 

{keywords}
Theo ông Vũ Trọng Khải, giờ mà còn làm nông nghiệp kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” là chết. Bởi vậy, cần sử dụng công nghệ 4.0 để củng cố điểm tựa nông nghiệp vươn ra thế giới.

Còn nhớ, tại Diễn đàn Tăng trưởng châu Á có chủ đề “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng”, đại diện của Việt Nam đã khẳng định: “Muốn hội nhập sâu rộng hơn, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa với sự tham gia sâu rộng hơn của khu vực tư nhân, sử dụng các công nghệ hiện đại của cách mạng công nghệ 4.0 để chuyển đổi ngành nông nghiệp, trở nên hiện đại hơn, hiệu quả hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn”.

Bản báo cáo dày 62 trang phát hành vào tháng 6/2018 của World Bank (Ngân hàng thế giới) với chủ đề Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam có đánh giá nông nghiệp chiếm 10% GDP nhưng sử dụng đến 40% tổng lao động. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 2-4% dân số nhưng đóng góp đến 40% GDP.

Ông Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TP.HCM kể, cách nay hơn 20 năm, lúc ông Nguyễn Công Tạn còn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sang thăm Úc đã đề nghị người đồng nhiệm Úc, đại ý, ông cho tôi đi thăm khu Nông nghiệp công nghệ cao của nước ông. Chăm chú nghe xong, ông Bộ trưởng Úc trả lời: Chúng tôi không có khu Nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi chỉ có nền Nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Khải kể lại câu chuyện này như một nỗ lực nhằm xác tín một thực tế ai cũng biết, láng giềng họ đã có nền nông nghiệp công nghệ cao từ lâu, họ đã tiến vượt xa ta đến mấy chục thập kỷ.

Ông còn nói thêm, giờ mà còn làm nông nghiệp kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” là chết. Nông dân Úc và các nước từ lâu rồi, ngồi trong các văn phòng làm việc, sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin để theo dõi, quản lý sản phẩm. Khi hệ thống báo về, chỗ này có dấu hiệu bệnh, biểu hiện thế này….Thay vì phải hấp tấp chạy ra cánh đồng, các ông nông dân công nghệ cao ấy bốc máy điện thoại lên, gọi cho các chuyên gia tư vấn đến xử lý.

Có 3 tiêu chí quan trọng để đánh giá một nền nông nghiệp thành công hay chưa thành công.

Thứ nhất, sản phẩm nông nghiệp của nước đó đứng ở đâu trên bản đồ thị trường thế giới. Lấy căn cứ 4 xu hướng đang dẫn dắt tiêu dùng thực phẩm của thị trường thế giới hiện nay gồm: Xanh, hợp thiên nhiên; Tính bản địa; Vì sức khỏe và đúng tiêu chuẩn chất lượng sẽ thấy một thực tế buồn, nông sản Việt Nam vẫn chưa đạt một tiêu chí nào. 

Thứ hai, hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại.Việt Nam đã có chiến lược rầm rộ xây dựng nông thôn mới. Nhưng cho đến nay, sau ba chục năm Đổi Mới, mấy thứ cơ bản, nền tảng như điện, đường, trường, trạm làm vẫn còn chưa đến nơi đến chốn thì nói sao đến các công trình nâng cao đời sống văn hoá, giáo dục nông thôn.

Thứ ba, nông dân. Nhìn Đồng bằng sông Cửu Long, trọng điểm nông nghiệp của Việt Nam thì rõ.Mấy chục năm qua, nhờ sự đóng góp chủ lực của vùng đất này, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những giai đoạn ngặt nghèo nhất do bị ảnh hưởng từ các cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới và khu vực.Với thành tựu rực rỡ như vậy, lẽ ra dân vùng này xứng đáng được hưởng cuộc sống khá giả.Nhưng tiếc rằng cho tới nay họ vẫn mắc kẹt trong nghèo nàn, lạc hậu, ít học. Các số liệu công khai đều cho thấy, gần 50% nông dân, những người trực tiếp làm ra hạt thóc tại khu vực này thu nhập chưa tới 1USD/ngày.

Trước sự hối thúc của thực tiễn, mới đây người đứng đầu chính phủ đã yêu cầu, Việt Nam phải hành động quyết liệt, chuyển từ nền nông nghiệp cởi trói sang nền nông nghiệp chất lượng cao.

Bởi vậy, phát triển nông nghiệp 4.0 còn được gọi là nông nghiệp thông minh đang và sẽ là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này.

Ánh Tuyết

Ảnh: Thu Hà