-Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất Sài Gòn đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Trong đó, những cây cầu đã gắn liền với thời gian, ký ức của người Sài Gòn và đã tạo nên những nét độc đáo, tiêu biểu về hình ảnh của người Sài Gòn từ xưa đến nay.

VietNamNet xin giới thiệu hình ảnh 6 cây cầu tiêu biểu đã gắn liền với người dân Sài Gòn từ qua nhiều năm xây dựng và phát triển.  

1. Cầu Mống

{keywords}

“Cầu Mống” là tên tiếng Việt của cây cầu “Messageries Maritimes Company Bridge” theo thời Pháp thuộc đặt. Nằm ở trung tâm với khung cảnh rất lãng mạn, từ thời Pháp thuộc cầu Mống ở Sài Gòn đã trở thành nơi hẹn hò của các bạn trẻ.

Vào giai đoạn năm 1893 – 1894, cây cầu được hoàn thành có chiều dài 128 mét, rộng 5.2 mét và 0.5 mét lề đường.

Vào những năm 2000, khi công trình đại lộ Đông Tây và đường hầm sông Sài Gòn được thi công, Cầu Mống đã được tháo dỡ hoàn toàn. Sau khi công trình hoàn tất, Cầu Mống được lắp ghép lại đúng nguyên bản. Điểm khác biệt duy nhất chính là các đường dẫn lên cầu đã được phá bỏ và thay thế bằng bậc tam cấp dành cho người đi bộ.

Những ai sống ở Sài Gòn, chắc hẳn sẽ không ai lấy làm xa lạ với cây cầu nổi bật một màu xanh ngọc bích, bắc qua kênh Bến Nghé nối liền giữa quận 1 và quận 4. Được xây dựng hơn trăm năm nay từ thời Pháp thuộc, Cầu Mống ngày nay đã trở thành địa điểm hẹn hò lý tưởng của các bạn trẻ, là điểm tham quan của du khách thích đi loanh quanh khám phá thành phố.

2. Cầu Thị Nghè

{keywords}

Cầu Thị Nghè bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ ra sông Sài Gòn), nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu Thị Nghè được cho là do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây vào thế kỷ 18 (khoảng năm 1725-1750) để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc. Chồng bà là thư ký, đương thời gọi là ông Nghè, nên nhân dân gọi bà là Bà Nghè.

Theo sử sách, vùng Thị Nghè xưa là nơi có khu ruộng Tịch Điền, đàn Xã Tắc, miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (những cơ sở này nằm trước nhà thương dưỡng lão, nay là Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), miếu Văn Thánh…

3. Cầu Bông

{keywords}

Theo cố nhà văn Sơn Nam, cầu Bông được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, (khoảng năm 1736). Đây là một trong những cầu được xây dựng đầu tiên ở vùng đất Sài Gòn. Cầu Bông được làm bằng gỗ, nhỏ và ngắn nhưng khá nổi tiếng của đất Sài Gòn – Gia Định. Ban đầu cầu có tên là Cao Miên vì có một Phó vương Cao Miên lúc đó đang xin tá túc tại Bến Nghé, cho bắc cầu qua sông để tiện việc đi lại... 

Về cái tên cầu Bông có nhiều giả thiết, nhưng giả thiết được nhắc đến nhiều nhất là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt xây dựng một vườn hoa gần cầu này thì dân gian bắt đầu gọi là cầu Hoa. Sau này, người dân phải đọc trại thành cầu Huê vì kiêng tên bà Hồ Thị Hoa là vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị (triều Nguyễn). Sau cùng, người dân Sài Gòn đổi hẳn tên cây cầu này là cầu Bông (bông là hoa theo cách gọi của người miền Nam) cho đến nay.

Trải qua hơn 200 năm lịch sử, cầu Bông nhiều lần bị phá hủy, đánh sập nhưng nó vẫn được xây mới ngay tại vị trí cũ. Bởi đây là cây cầu huyết mạch nối liền hai vùng thị tứ của vùng đất Sài Gòn xưa. Trước 1975, cầu Bông được xem là giao thông trọng yếu nối liền vùng Đakao của đô thành Sài Gòn với trung tâm tỉnh Gia Định (khu vực chợ Bà Chiểu ngày nay).

Tháng 10/2013, cầu Bông xây dựng từ trước năm 1975 được tháo dỡ để xây dựng mới. Cầu Bông mới được thông xe vào tháng 6/2014 với độ tỉnh không được nâng cao thêm tạo thuận lợi cho các phương tiện đi trên đường Hoàng Sa và Trường Sa được lưu thông thông suốt dưới dạ cầu

4.Cầu Bình Lợi

{keywords}

Bình Lợi là cây cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên, được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ, và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa. 

Sau 113 năm khai thác, cầu đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền của cầu chỉ còn 1,8 m nên khi có thủy triều lên, nhiều tàu đã mắc kẹt dưới gầm cầu.

Bộ GTVT đã xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới (nay gọi là cầu Bình Lợi 2) trên đường Phạm Văn Đồng. Cầu Bình Lợi mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Sau khi hoàn thành sẽ giúp vận tốc chạy tàu qua cầu Bình Lợi đạt 100 km/h.

5. Cầu Chữ Y

{keywords}

Cầu do người Pháp xây dựng vào cuối năm 1938 và hoàn thành năm 1941. Cầu nối quận 5 và quận 8 với ba nhánh giống như hình một chữ Y lớn: nhánh đường Nguyễn Biểu dài 175 m, nhánh Nguyễn Thị Tần dài 178,3 m; nhánh Hưng Phú dài 137 m. Tổng cộng chiều dài các nhánh là 490,3 m tính luôn đoạn cầu dẫn dài 913 m. Khu vực lồng cầu (ở giữa) có ba nhánh rộng 9 m, mỗi lề 0,7 m. Độ cao tĩnh không cách mặt nước là 6,3 m. Toàn bộ công trình khi xây dựng tiêu tốn 800 tấn thép và hơn 4.000 m3 bê tông.

Cầu được nhiều lần sửa chữa lớn vào các năm 1948, 1957, 1992. Ngày 30/9/2006, trong chương trình cải tạo về giao thông của thành phố, nhánh cầu chữ Y phía quận 5 được hạn chế xe để tháo dỡ và xây lại cầu mới để đảm bảo độ cao dưới đường Đại lộ Đông – Tây.

6. Cầu Nhị Thiên Đường

{keywords}

Cùng thời với những cây cầu nổi tiếng của Sài Gòn xưa như cầu Chà Và, cầu Chữ Y...cầu Nhị Thiên Đường (còn được gọi là Cầu Mới) là một trong những công trình tiêu biểu của Sài Gòn xưa. Cầu bắc ngang qua một nhánh kênh đôi Tàu Hũ, nối liền nội đô quận 8 với vùng phụ cận, với huyện Cần Đước (Long An) qua Gò Công về các tỉnh miền Tây.

Cây cầu xây dựng năm 1925, dài khoảng 1km, được đổ bê tông chắc chắn và thiết kế theo lối kiến trúc cổ của Pháp.

Theo thời gian, cây cầu Nhị Thiên Đường đã gần 100 tuổi. Hiện nay, cây cầu đang xuống cấp nặng, những cột đèn, trụ lan can, đường dẫn điện... không còn sử dụng được nữa.Nhiều người dân ở khu vực này thấy tiếc nuối khi hay tin cây cầu sắp phải bị phá đi để xây cầu mới.

Mới đây, UBND TP.HCM đã cho phép Sở GTVT thực hiện phương án xây dựng, xây dựng cầu Nhị Thiên Đường mới với kinh phí 163 tỷ đồng. Cây cầu mới sẽ được dịch chuyển về phía cây cầu Nhị Thiên Đường 2. Cầu mới sẽ có nghiên cứu thiết kế để khôi phục (lan can, đèn chiếu sáng trang trí...) nhằm gợi nhớ một số nét kiến trúc của cây cầu Nhị Thiên Đường hiện hữu.

Đinh Quang Tuấn (lược ghi) 

* Tài liệu tham khảo từ nhiều nguồn