Đặt vé máy bay để cùng người bạn đi du lịch, anh Duy Hưng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tiếp nhận được tin nhắn từ các số điện thoại lạ mời chào dịch vụ xe lên sân bay.
“Sau khi đặt vé máy bay, tôi nhận 5,6 tin nhắn mời đi xe sân bay từ các hãng xe. Mình rất không hài lòng khi thông tin mình cung cấp để mua vé máy bay lại bị rò rỉ ra ngoài, dù không biết là qua đường nào”, nam hành khách bức xúc.
Cứ đặt là có tin nhắn mời xe
Hành khách này bày tỏ lo ngại khi những thông tin cá nhân như tên tuổi, số điện thoại, email, mã hiệu chuyến bay, giờ cất cánh và hạ cánh đã bị rò rỉ và bán cho những đơn vị vận tải.
Không chỉ anh Hưng, đây là mối lo chung của rất nhiều hành khách khi đặt vé máy bay dù qua hệ thống bán vé trực tuyến của các hãng bay hay qua các đại lý vé máy bay.
Tình trạng trên được ghi nhận xảy ra với khách hàng của cả ba hãng hàng không lớn của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific tại rất nhiều sân bay lớn, không chỉ tại sân bay Nội Bài.
Điểm chung của những hãng xe này là đều nắm rất rõ thông tin của các khách bay và đưa ra mức giá dao động từ 130.000 đồng - 180.000 đồng đi kèm số tổng đài để khách liên hệ khi có nhu cầu.
Chị Huyền Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng nhận tin nhắn mời dùng xe sân bay từ các hãng xe lạ một ngày trước khi khởi hành. “Mình cũng đã gặp tình trạng này nhiều lần. Mình tự đặt vé của Vietjet Air và một ngày trước khi bay mình được nhiều bên nhắn tin mời dùng xe lên sân bay”, chị Trang cho hay.
“Ban đầu mình cũng không biết làm thế nào mà những hãng xe này có thông tin, nhưng mình nghĩ mình đặt vé thông qua số điện thoại này nên nhiều khả năng đó là lý do mình nhận được tin nhắn từ các hãng xe”, nữ hành khách này nói thêm.
Chị Huyền Trang cũng chia sẻ bản thân chị cảm thấy không hài lòng và có đôi chút không yên tâm về việc thông tin cá nhân của mình bị rò rỉ ra ngoài và bán cho các đơn vị vận tải.
Theo chị, dù không rõ thông tin rò rỉ từ khâu nào, việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng vẫn nên được tôn trọng.
Đồng tình với chị Trang, chị Thu Hà (Quảng Bình) khẳng định chị “hoàn toàn không thích” việc thông tin cá nhân của hành khách bị rò rỉ và bị đem đi bán cho các bên thứ ba như hãng xe. “Đó là việc không nên”, nữ hành khách cho biết.
Tiện lợi đi kèm nguy cơ
Một hành khách khác là chị Hồng Hạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết chị mới mua vé máy bay lần đầu tiên thông qua trang chủ của hãng bay, tuy nhiên đã “dính” ngay tin nhắn từ các hãng xe sân bay.
“Mình nghĩ là mọi người đều không muốn thông tin cá nhân của mình bị rò rỉ như vậy. Dù rằng có những thông tin mình nghĩ cũng không quan trọng, cá nhân mình thì không thích việc này”, chị Hạnh nhận định.
Các hãng xe có đầy đủ thông tin hành khách như số điện thoại, giờ bay và trực tiếp tìm đến hành khách để quảng cáo qua tin nhắn. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Nữ hành khách này cũng cho hay nếu được lựa chọn giữa bảo mật thông tin cá nhân và sự tiện lợi khi có hãng xe chào mời ngay sau khi đặt vé máy bay, chị sẽ chọn bảo mật thông tin.
Cùng chung tình cảnh, anh Xuân R., một hành khách tới Hà Nội từ Bình Dương cho hay các hãng xe Hà Nội liên tục nhắn tin cho anh mời gọi anh khi đã nắm được lịch bay. “Họ biết hết mình đi ngày nào, giờ nào. Vừa xuống sân bay là có tin nhắn báo đón mình luôn, còn báo luôn giá đưa mình về trung tâm thành phố”.
Anh R. cho rằng đúng là việc các hãng xe biết giờ bay của hành khách và trực tiếp chào mời xe có sự tiện lợi cũng như giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên anh nhận định rằng việc thông tin cá nhân của hành khách bị rò rỉ hoàn toàn có thể bị kẻ xấu lợi dụng.
“Cá nhân mình thì không quá lo lắng vì mình không phải người có chức quyền, đừng ám sát mình là được”, nam hành khách chia sẻ vui. “Dù vậy, mình cũng không đồng tình với việc thông tin của mình bị rò rỉ. Những thông tin này đáng ra phải được bảo mật”.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện các hãng bay phủ nhận khả năng rò rỉ thông tin khách hàng và cho biết lực lượng công an vẫn đang tiếp tục điều tra.
Cuối năm 2016, Vietnam Airlines đã từng phải công khai xin lỗi 400.000 khách hàng trong vụ tin tặc tấn công hệ thống mạng nhiều sân bay tại Việt Nam khiến thông tin cá nhân của số khách hàng trên bao gồm họ tên, ngày sinh, địa chỉ, chức vụ, cơ quan công tác, số điện thoại bị rò rỉ.