CTCP VNG (VNZ) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm 2022 sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp BCTC quá 45 ngày.
Sau kiểm toán, luỹ kế năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800,52 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1.533,92 tỷ đồng, tăng thêm 16,61% so với trước kiểm toán, tương ứng 218,48 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 1.077,14 tỷ đồng, tính tới 31/12/2022.
VNG giải trình, khoản lỗ sau thuế tăng lên là do ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.
Quý I/2023, VNG ghi nhận doanh thu đạt 1.853 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chi phí tăng khiến VNG tiếp tục báo lỗ trước thuế 43 tỷ và lỗ sau thuế 90 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định đưa cổ phiếu VNZ vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5. Cổ phiếu này sẽ chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần do chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định.
Cổ phiếu VNZ lên sàn vào tháng 1/2023 với giá tăng kỷ lục, lên 1.562.000 đồng/cp. Đến cuối phiên 30/5, VNZ chỉ còn 771.900 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* SHI: ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Quốc tế Sơn Hà đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 80 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 8%.
* LDG: Cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG ghi nhận mức giảm sâu, giá sàn 4.390 đồng/cp sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định khởi tố vụ án tại dự án khu dân cư Tân Thịnh xây gần 500 căn nhà trái phép.
* VEF: CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam thông qua phương án phát hành gần 853 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành (theo mệnh giá) là xấp xỉ 8.530 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 1:5,12, tức 1 cổ phiếu sẽ quyền mua 5,12 cổ phiếu phát hành thêm.
* DPG: CTCP Tập đoàn Đạt Phương chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 là 14/6, ngày đăng ký cuối cùng là 15/6. Tỷ lệ trả cổ tức 10%, thanh toán bắt đầu từ ngày 5/7.
* RAL: HĐQT CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP). Công ty dự kiến phát hành 600.000 cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 2,61% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Nguồn vốn thực hiện dự kiến là 6 tỷ đồng.
* HHV: CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả chốt danh sách cổ đông chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. HHV dự kiến phát hành gần 21,55 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:7.
* BFC: CTCP Phân bón Bình Điền công bố ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức đợt 2/2022 là 15/6. Ngày đăng ký cuối cùng là 16/6.
Giao dịch cổ phiếu
* ACL: Ông Trần Minh Nhựt, anh của bà Trần Thị Vân Loan – Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang đã bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu, từ ngày 22/5 đến 29/5, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* KDH: Nhóm cổ đông nước ngoài do Dragon Capital quản lý tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) đã bán ra 1,21 triệu cổ phiếu trong ngày 26/5. Tỷ lệ sở hữu chung của cả nhóm còn hơn 77,93 triệu cổ phiếu, chiếm 10,87%.
* TNH: Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch HĐQT CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã mua vào 2,5 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu. Sau giao dịch, ông Tuyên sở hữu 7,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,64%.
* VCG: HĐQT Tổng Công ty cổ phần Vinaconex quyết định triển khai thực hiện chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Vinaconsult. Số lượng cổ phần bán là 506.000 cổ phần, tương ứng 46% vốn điều lệ. Hình thức chào bán là bán trực tiếp cho các nhà đầu tư. Thời gian Vinaconex đăng ký bán số cổ phần trên từ 2/6-30/6.
VN-Index
Chốt phiên 30/5, VN-Index tăng 3,07 điểm (+0,29%), lên 1.078,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 922,9 triệu đơn vị, giá trị 16.424,1 tỷ đồng.
HNX có 101 mã tăng và 68 mã giảm, HNX-Index tăng 1,03 điểm (+0,47%), lên 221,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111,9 triệu đơn vị, giá trị 1.834,9 tỷ đồng.
UpCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,66%), lên 81,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,4 triệu đơn vị, giá trị gần 749 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam, lực mua chủ động gia tăng về cuối phiên đã giúp cho chỉ số VN-Index sớm hồi phục trở lại sau một nhịp rung lắc giằng co. VN-Index đang đứng trước cơ hội mở rộng đà tăng điểm tích cực và hướng lên vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.09x điểm.
Với xu hướng giảm điểm chủ đạo trong trung hạn, đi ngang trong ngắn hạn, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ tham gia trading với tỷ trọng thấp, kê mua khi giá cổ phiếu điều chỉnh về lại hỗ trợ và tránh mua đuổi trong các nhịp tăng vượt đỉnh.
Chứng khoán Vietcombank khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục. Tận dụng những nhịp rung lắc mạnh để giải ngân thêm đối với những cổ phiếu đã kiểm tra thành công vùng kháng cự, thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, hóa chất, bán lẻ.