Tận dụng mọi cơ hội “kiếm tiền”, vợ chồng con trai cả của cụ Lục tìm mọi cách không cho cụ ra xã làm lễ mừng thọ mà bắt cha mình phải ở nhà để… nhận phong bì của quan khách. Và năm nào cũng vậy, sau lễ mừng thọ, cô con dâu luôn tìm mọi cách để “moi” bằng được số “tiền thọ” của cha chồng.
Mùng 4 Tết vừa rồi, chính quyền xã tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao niên. Danh sách mừng thọ lần này có gần hai chục người, cụ Lục là một trong ba người có sổ tuổi cao nhất xã. Con cháu cụ, ai cũng tự hào.
Trước đó cả vài tháng, cụ đã lên kế hoạch cho buổi lễ mừng thọ của mình. Cụ bảo năm nay không làm lễ tại nhà như mọi năm mà sẽ ra nhà văn hóa xã để cùng dự lễ mừng thọ với các cụ cao niên khác cho có anh em, bạn bè từ làng trên xóm dưới.
Tôn trọng ý kiến của cha và ông, các con, cháu, chắt của cụ không ai dám trái ý. Người nào việc nấy, mọi người chuẩn bị lo chuyện “hậu trường” để chuẩn bị cho buổi lễ mừng thọ diễn ra trong dự định được tươm tất.
Đùng một cái, vào sáng ngày mùng 3 Tết, anh con trưởng - năm nay đã xấp xỉ tuổi sáu mươi-thông báo là sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho cha tại nhà riêng. Cụ Lục nghe con nói vậy thì dằn mạnh cây gậy ba toong xuống nền nhà: “Ô hay cái thằng này, mừng thọ cho mày hay cho tao đấy hử? Đã bảo là ra nhà văn hóa xã rồi thì cứ thế mà làm”.
Nhìn thấy bàn tay cụ Lục run lên bần bật trên đầu cây gậy, biết là cha đang rất tức giận, anh con trưởng bèn nhẹ nhàng đỡ cha ngồi xuống ghế. Cô con dâu cả hiểu ý, nhanh nhảu tiến sát bên cha chồng làm công tác “dân vận”: “Cha hiểu cho chúng con. Làm lễ mừng thọ ngoài xã tuy có vui thật đấy, nhưng sẽ không ấm cúng như ở nhà mình. Với lại, nhà con đã trót mời anh em, bạn bè ở cơ quan đến đây chia vui cùng gia đình ta rồi. Chẳng nhẽ khi họ đến mừng thọ cha mà cha không có mặt ở nhà thì còn ra thể thống gì nữa”.
“Có nhà chị đang làm mất thể thống thì có. Tôi còn lạ gì cái trò mời khách đến nhà để lấy phong bì, quà biếu của vợ chồng anh chị nữa. Dẹp hết! Tôi không cần những thứ đó. Tôi phải ra xã”- khó nhọc lắm cụ Lục mới bật lên những lời nói từ trong gan dạ, rồi cụ đưa tay lên vuốt ngực, thở không ra hơi.
Vợ chồng anh con cả tái mặt, không nói năng gì. Mấy đứa cháu nội và anh con út vừa đưa cụ vào phòng trong, vừa vỗ về như dỗ dành trẻ nhỏ: Ông cứ nghỉ ngơi đi, rồi đâu sẽ có đó. Nhất định chúng cháu sẽ tổ chức buổi mừng thọ theo đúng ý của ông.
Tuy vậy, bỏ mặc những “lời gan ruột” của cha và góp ý của anh chị em trong gia đình, vợ chồng anh cả vẫn làm theo ý của mình. Đến ngày xã làm lễ mừng thọ, họ chỉ đưa cụ Lục ra dự cho lấy lệ. Ngồi chưa đầy mười lăm phút, khi Ban tổ chức vừa công bố xong danh sách các cụ được mừng thọ, lấy lý do khách ở nhà đang đợi, anh con trưởng gần như bế cha mình lên xe rồi vội vàng rồ ga, phóng về nhà. Anh ta cũng chẳng thèm để ý đến khóe mắt già nua của cha mình đang rơm rớm nước.
Nghe nói con trai trưởng của cụ Lục đang đảm nhiệm chức vụ khá to trên thành phố. Tranh thủ lúc còn đương chức, anh ta tận dụng mọi cơ hội, kể cả lễ mừng thọ của cha để thu vén được chút nào hay chút ấy.
Sinh con ra nên cụ Lục cũng biết mọi toan tính của con, bởi vậy suốt ngày cụ cứ ngồi nơi bộ tràng kỹ rồi nhìn ra sân thở dài não nề. Hồi cụ mừng thọ 90 tuổi, con cháu cũng làm lễ cho cho ông cha mình đình đám lắm. Ai đến dự cũng tấm tắc khen lễ mừng thọ của cụ to nhất làng, thậm chí là nhất xã, quan khách trên thành phố về dự kín nhà, quà cáp vì thế cũng nhiều vô kể.
Sau khi bóc phong bì và đếm được hơn ba chục triệu, con dâu cả của cụ Lục lễ phép mang lại cho cha chồng rồi nhỏ nhẹ đầy ý tứ: “Số tiền này cha cứ chi tiêu tùy thích. Mặc dù tiền mừng hầu hết là của anh em, bạn bè chúng con nhưng lại là mừng cho cha nên nó thuộc quyền sử dụng của cha”.
Sau khi đưa tiền cho cha chồng, cô con dâu lại tìm mọi cách để “moi’ về bằng được. Đầu tiên là cô nói xa, nói gần trước mặt cha chồng rằng cái cửa cổng đã quá cũ, cần thay cái mới mà hai tháng nay chồng cô chưa đưa tiền lương. Cụ Lục có nghe đấy, nhưng cụ chẳng ừ cũng chẳng hử một tiếng.
Vài ngày sau, con dâu cụ đổi chiến thuật sang “tấn công trực diện”: “Dạo này chúng con đang bí quá, cha cho con “giật” tạm vài chục triệu, tháng sau lấy lương, con sẽ gửi lại”. Tất nhiên là cụ Lục chẳng có lý do để từ chối lời đề nghị đầy nhã ý của con dâu, mà cụ có giữ lại số tiền lớn ấy cũng chẳng để làm gì. Do vậy số tiền mừng thọ năm ấy cô con dâu được toàn quyền quyết định. Một tháng rồi một năm trôi qua, đến nay đã 5 năm, lời hứa “tháng sau lấy lương, con sẽ gửi lại” của cô con dâu cũng đi vào dĩ vãng.
Năm nay, sau khi tan tiệc, con dâu cụ lại lễ phép đưa lại cho cha chồng số tiền mừng thọ của quan khách, vẫn với giọng lễ phép: “Tùy cha sử dụng ạ”. Cầm trên tay xấp tiền mừng thọ gần năm chục triệu từ con dâu, cụ Lục run run cất vào ngăn tủ rồi cẩn thận khóa lại. Cụ chẳng mong có số tiền này, chỉ ước một lần được cùng tận hưởng không khí trang trọng, vui vẻ và ấm áp của buổi mừng thọ tập thể do xã tổ chức mà thôi.
Nhưng số tiền này nếu không chi tiêu thì trước sau con dâu trưởng của cụ cũng “đánh tiếng” mượn tạm. Nghĩ vậy nên cụ Lục ngày đêm suy nghĩ phải tiêu vào việc gì cho thật hữu ích và ý nghĩa. Sau một hồi suy tính, cụ quyết định sẽ tặng toàn bộ số tiền này cho thằng cháu trai – là con của con gái út của cụ- mua xe máy. Cuối năm ngoái, cháu cụ tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học và được một công ty nước ngoài mời về làm việc, nhưng khổ nỗi, vì gia cảnh nghèo khó, không đủ tiền mua xe máy đi làm nên vẫn phải đi xe buýt.
Khi biết được tin này, con dâu cả của cụ tỏ thái độ ra mặt. Mỗi lần có dịp là giọng cô luôn “mát mẻ, bóng gió” rằng, “cha ăn cây táo nhưng lại rào cây sung”, rồi thì: “cháu nội chưa thấy đâu, lại quan tâm đến cháu ngoại”.
Cụ Lục buồn lắm, ra đường gặp ai hỏi thăm đến chuyện mừng thọ, cụ đều lắc đầu, xua tay: “Vui vẻ gì đâu. Chắc tôi chẳng sống được mấy nỗi nữa. Càng nghĩ càng thấy thương chúng nó”.
(Theo PLVN)